Thắng cảnh

Ngắm đá ở Hòn Tre

Đá ở Hòn Tre luôn là điều kỳ thú đối với du khách. Trên hòn đảo nhỏ, đá chồng chất lên nhau. Và có lẽ rất ít nơi nào, đá được đặt tên như ở Hòn Tre. Và còn nhiều khối đá kỳ thú đang chờ du khách… đặt tên !

Hòn Tre là xã trung tâm huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) là một đảo nhỏ có hình dáng như một con rùa khổng lồ đang nổi lên giữa biển. Đứng ở khu lấn biển Rạch Giá, có thể nhìn thấy rất rõ hòn đảo này. Hoạt động ra vào đảo rất sôi động nên có rất nhiều tàu cao tốc hoạt động tuyến này. Chỉ mất khoảng 45-60 phút ngồi tàu, xuất phát từ bến tàu du lịch Rạch Giá, khách đã đặt chân lên hòn đảo này.

Đường vòng quanh đảo hiện nay đã được trải bê tông phẳng lì, dài gần 15 cây số. Khách có thể thuê xe gắn máy trên đảo chạy vòng quanh đảo. Vừa đi vừa ngắm đá và dừng lại bất cứ nơi nào mình muốn. Xuất phát từ bến tàu, đi ngược về phía đuôi đảo, khách bắt đầu chuyến khám phá và ngắm đá Hòn Tre. Dừng chân ở Dinh Ông, nơi thờ cá voi theo tín ngưỡng của người đi biển Việt Nam, khách sẽ chiêm ngưỡng được những khối đá khổng lồ, nhô ra biển. Gần đó khối đá bia nhô lên từ biển. Khối đá trông như một chiếc cúp khổng lồ, đặt trên một tấm đá phẳng. Điều kỳ lạ là khối đá bia và có phần chân nhỏ hơn phần đầu và nằm chồng lên một khối đá khác chìm trong nước biển. Ấy vậy, khối đá bia vẫn tồn tại suốt bao năm qua. Họ đặt tên cho nó là đá Bia, như để ghi lại lịch sử vùng đất này. Đi thêm khoảng vài trăm mét, khách sẽ nhìn thấy khối đá nứt nẻ nhưng bám chặt lấy nhau. Người dân địa phương gọi đó là đá Bà Già. Nếu quan sát kỹ, khách sẽ thấy khối đá trong tư thế của một cụ bà ngồi bó gối, lưng còm xuống. Khối đá này nằm phía sau nhà của một hộ dân nên nếu không để ý, khách khó tìm được.

Một tên gọi khác gây tò mò đối với nhiều người là bãi đá ở phía cuối đảo. Đó là một bãi đá nối tiếp nhau chạy dài ra biển. Càng ra xa, hình dáng bãi đá nhỏ dần và trở nên nhọn hoắt trước khi chìm xuống biển. Người ta gọi đó là Đuôi Hà Bá. Người dân địa phương rất thích câu cá ở khu vực này. Có lẽ, khu vực này có nhiều hốc đá chìm sâu dưới nước làm nơi cư ngụ của các loài cá nên trữ lượng cá ở đây rất lớn. Người ta có thể câu được cá mú nặng vài ký. Cá ngát, cá nâu cũng thường xuyên cắn câu. Người dân địa phương tin vào “lộc” của biển nên tên gọi cho bãi đá này gắn với Hà Bá cũng là một lý do.

Nổi tiếng nhất Hòn Tre là Bãi Chén. Nghe tên gọi, nhiều người đã có thể mường tượng được một bãi đá khổng lồ có hình dáng tròn trịa như những cái chén. Bãi chén hiện là danh thắng của đảo này. Các dịch vụ du lịch đang được hình thành tại đây, biến Bãi Chén thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách. Khu vực bãi biển này dài đến vài cây số nhưng chỉ có khoảng hơn 100m là bãi cát. Còn lại chỉ toàn đá với đá. Khi nước dâng lên cao, những khối đá tròn trĩnh chìm một phần trong nước. Phần còn lại nổi lên mặt nước trông như những chiếc bát úp. Có đến hàng trăm, hàng ngàn khối đá như thế ở dọc bờ biển này.

Bãi Chén là nơi dừng chân lý tưởng của du khách để tắm biển, thư giãn, thưởng thức hải sản… Nơi đây còn đậm nét hoang sơ. Toàn khu vực này chỉ có 2 hộ sinh sống. Những tảng đá nối liền nhau dọc theo bờ, chạy ra biển. Khách có thể ra xa bờ cả trăm mét mà không ướt chân nhờ bước trên những khối đá này. Đây cũng là nơi câu cá lý tưởng. Thuê một chiếc ghe nhỏ, xa khơi khoảng 300m là có thể buông câu. Thỉnh thoảng, có vài ghe lưới nhỏ của ngư dân hoạt động ở khu vực này. Khách có thể mua cá với giá rất rẻ và nướng ngay tại chỗ, tận hưởng hết vị ngọt, thơm tuyệt vời của hải sản.

Cách đó không xa là Bãi Chuối, Động Dừa gắn với các loại cây trồng dọc theo vịnh biển nhỏ của đảo. Hai vị trí này chỉ toàn đá và đá nằm từ triền đồi chạy dài xuống biển và chìm sâu dưới nước. Trên đường từ Bãi Chén về hướng Bắc đảo, có hai khối đá khổng lồ nằm hai bên đường, trông rất ngoạn mục. Chúng nằm cheo leo, chồng chất lên nhau. Hai khối đá này chưa được đặt tên nhưng du khách xem đó là cửa ngõ vào Bãi Chén. Đến đây, ai cũng dừng chân lại khá lâu để chụp ảnh, ngắm cảnh.

Nếu nói ngắm đá Hòn Tre thì còn rất nhiều vị trí để khách dừng chân và tha hồ thả cảm xúc bềnh bồng để tưởng tượng ra những hình thù, đặt tên cho đá. Dọc suốt gần 15 cây số vòng quanh đảo, đâu đâu khách cũng gặp đá. Nhiều ngôi nhà nằm gọn trên một tảng đá. Khu dân cư mọc xen lẫn trong những khối đá. Đá như một phần không thể tách rời trong đời sống của người dân bản địa. Nếu đứng từ đỉnh núi nhìn xuống, du khách sẽ nhìn thấy những hàng rào đá bao bọc những khu vườn trông như hàng rào đá ở vùng Hà Giang xa xôi. Dọc đường lên đỉnh núi, có khối đá chuông. Khách dùng một hòn đá nhỏ gõ vào khối đá này tạo âm thanh “boong, boong” như tiếng chuông ngân vang.

(Nguồn: baohaugiang.com.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *