Thắng cảnh

Hang bua Xứ Nghệ

Nghệ An không những nổi tiếng với hang Thẳm Ồm, Thẳm Chàng (tiếng Thái là Hang Voi), mà còn có hang Thẳm Bua (hang Bua), được xem là một di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước...

Tiếng Thái gọi hang động là Thẳm, nên người dân còn gọi tên hang Bua là Thẳm Bua (hang Sen). Hang Bua là một thắng cảnh đẹp của miền Tây Nghệ An, nằm trong dãy núi đá vôi “Phà Én” thuộc bản Na Nhàng, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An,

cách thành phố Vinh 170km về hướng Tây Bắc. Núi “Phà Én” nằm ở phía Bắc dãy Trường Sơn, có nhiều hang động được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng, nhưng hang Bua kỳ thú nhất và có diện tích lớn nhất. Đây là một di tích lịch sử gắn liền với những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộcThái xưa và có thể là một trong những di tích khảo cổ học của Nghệ An. Lòng hang rất rộng, có nhiều măng đá, nhũ đá tạo nên những hình thù vô cùng sống động và có thể chứa được hàng trăm du khách. Điều đặc biệt là khi đến đây, khách tham quan có dịp chiêm ngưỡng quang cảnh bên trong với những hình thù kỳ lạ, những hòn đá được kiến tạo một cách tự nhiên thành hình ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ bằng đá được đánh bóng, ruộng bậc thang... và những dụng cụ sinh hoạt thời xưa của cư dân Thái như bó lúa, cái liềm...
Tại hang còn lưu giữ nhiều khối hình tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí-Pu-Phá-hủng) và Thần Nước (Phí-Nặm-Huồi-hạ) giao tranh; Chuyện tình Tạo Khủn-tinh và Nàng Ni... Di tích không chỉ cuốn hút đối với nhân dân trong vùng mà còn rất hấp dẫn với du khách thập phương. Cấu trúc hang Bua, bao gồm hai cửa kề nhau là Hang Lớn (Thẳm Ộm) nằm ở phía Tây Bắc, hang Bé (Thẳm Nọi) nằm ở phía Đông Nam. Trước cửa hang Lớn có hai tảng đá giống như hai con ếch đang canh. Cửa chính và cửa phụ có hình hoa sen (còn gọi là Boọc Bua) rất lạ mắt. Phía trước hang Bua là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, cây cối xanh tốt quanh năm, bản làng sầm uất. Thung lũng này còn là nơi tụ cư của người Thái với những bản làng sầm uất, yên vui. Đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông: Sông Quàng, sông Viết, sông Hạt để rồi hợp lưu thành sông Hiếu thơ mộng uốn mình chảy qua các huyện Quỳ Châu - Quỳ Hợp - Nghĩa Đàn đổ về sông Lam cùng xuôi ra biển Đông.

Theo sử sách ghi chép lại, vào năm 1937 vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn là Bảo Đại đã đến vãn cảnh hang Bua và tổ chức thi người đẹp ở đây. Từ đó, hàng năm ở hang Bua, cứ vào đầu xuân lại diễn ra các hoạt động lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc. Lễ hội hang Bua, được tổ chức từ ngày 18 và 19 tháng Giêng (ÂL) đã trở thành điểm hẹn của tình yêu đôi lứa. Các chàng trai cô gái thuộc dân tộc thiểu số của các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông về đây dự hội với những sắc áo và làn điệu dân ca của dân tộc mình. Đặc biệt có các điệu nhảy sạp, ném còn, thổi khèn, bắn nỏ thu hút nhiều du khách đến xem. Tại hang Bua còn tổ chức cuộc thi người đẹp vùng sơn cước rất độc đáo và lạ mắt.

Vào dịp lễ hội hang Bua thu hút khách thập phương bởi những bộ áo váy rực rỡ, những điệu khèn những khúc nhuôn, xuối, lăm dìu dặt thiết tha trên bãi cỏ, trong lều trại, bên ánh lửa bập bùng của nhà sàn... Tất cả hòa cùng âm thanh của núi rừng, hang động làm cho Hang Bua rực rỡ, sống động, say mê quyến rũ lòng người.
 
Vùng núi Tây Bắc Nghệ An còn chứa đựng nhiều vùng văn hóa hang động ở phủ Quỳ như văn hóa hang động tập trung trong các dãy núi đá vôi thuộc 4 huyện phía Tây Bắc Nghệ An: Nghĩa Đàn - Quỳ Hợp - Quỳ Châu- Quế Phong, nổi tiếng về các hang động với những phong tục tập quán lễ hội đặc sắc nhiều khung cảnh tự nhiên nên thơ và huyền thoại- là địa chỉ hẫp dẫn đối với du khách gần, xa thích du lịch sinh thái vào mùa hè.

 (Nguồn: Báo Cần Thơ

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *