Sự kiện ngành

Nghiên cứu thị trường khách du lịch Đông Âu và Hungary

Chiều ngày 16/12/2014, tại trụ sở Tổng cục Du lịch đã diễn ra buổi báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường khách du lịch Đông Âu và Hungary. Buổi báo cáo có sự tham dự của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn; Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện một số công ty lữ hành và cơ sở đào tạo du lịch tại Hà Nội.

Theo đại diện Vụ Thị trường Du lịch, Đông Âu bao gồm chủ yếu các nước đang phát triển, dân số cũng như quy mô của nền kinh tế nhỏ hơn các nước Tây Âu (trừ Nga) nhưng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của thế giới. Đây là những nước có quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam và có cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc đông đảo. Bên cạnh đó, các quốc gia Đông Âu rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch, có tốc độ tăng trưởng lượng khách inbound (khách quốc tế đến) đạt trung bình trên 10%/năm. Năm 2012, thị trường Đông Âu đã có khoảng 100 triệu lượt khách outbound (khách đi du lịch nước ngoài). Một số nước có dân số đông và có lượng khách outbound lớn là Ba Lan, Ukraine, Cộng hòa Séc…

Hungary là một đất nước thuộc Đông Âu với diện tích khoảng 93.000 m2 và dân số khoảng gần 10 triệu người (năm 2013). Theo Ngân hàng thế giới, năm 2013, lượng khách outbound của Hungary đạt 16.143.000 lượt khách, tương đương 160% dân số.

Đông Âu nói chung và Hungary nói riêng là thị trường khách du lịch tiềm năng trên thế giới với số lượng khách du lịch nước ngoài ngày càng tăng. Đây là khu vực có nhiều quốc gia có tỷ lệ bình quân đầu người đi du lịch nước ngoài khá cao. Theo Tổ chức Du lịch thế giới, trong thời gian tới, tỷ lệ bình quân người đi du lịch nước ngoài các nước Đông Âu sẽ ngày càng tăng. Đặc biệt, các quốc gia vùng Baltic như Estonia, Latvia có tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo điều kiện cho việc tăng trưởng khách du lịch outbound và khả năng chi tiêu. Ngoài ra, khách Đông Âu thường chọn các điểm đến có biển, nhiều ánh nắng mặt trời, thường kết hợp nhiều mục đích như mua sắm, chữa bệnh, làm đẹp, thăm người thân. Bên cạnh đó, trong quyết định mua sản phẩm du lịch, họ không có yêu cầu quá cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Riêng đối với Nga là một quốc gia lớn nằm trải dài từ châu Âu sang châu Á và đã được xác định là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Năm 2012, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh thu hút khách du lịch Nga đến Việt Nam giai đoạn 2012-2015”.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi báo cáo

Phát biểu tại buổi báo cáo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho rằng khu vực Đông Âu là một trong những thị trường quan trọng và tiềm năng của Việt Nam. Với lợi thế có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và có cộng đồng người Việt đông, Việt Nam nên tập trung xúc tiến, quảng bá tại các thị trường như Séc, Hungary, Bungari, Slovakia… Trong thời gian tới, cần đầu tư xây dựng các website tiếng Nga và một số nước Đông Âu để quảng bá vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam, đào tạo hướng dẫn viên nói tiếng Nga... nhằm thu hút thêm khách từ thị trường Đông Âu nói chung và thị trường Nga nói riêng.

(nguồn: TITC)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *