Lễ hội

Hội làng chài trên sông Gianh

Hội làng chài trên sông Gianh: Trên lưu vực phía nam cửa lạch sông Gianh, có một làng vạn chài mà đại đa số vốn gốc từ các làng Xuân Hồi, huyện Lệ Thủy và vùng “Hạ Vực Tròn chí Roòn Giang, hói mẹ hói con vọng ư địa phận”, di cư đến.

Họ đến đây cùng với con cháu trên những chiếc thuyền câu vừa là phương tiện hành nghề sinh sống, vừa là nhà ở cho gia đình.

Những chiếc “nhà thuyền” tuy bé nhỏ, nhưng cũng đủ:

“Đủ tranh đủ tre

Chỉ thiếu hai hè

Đủ giường đủ chiếu

Chỉ thiếu màn the

Đủ dè đủ gót

Đủ thung đủ che

Đủ bàn thờ, chiếu trải

Chỉ thiếu sậy gụ tủ chè...”

Những vạn chài du canh du cư này tuy phân tán rất rộng nhưng hội tụ cũng rất nhanh. Sự phân tán hay hội tụ của họ tùy theo lịch trình con nước, tùy theo từng nghề nghiệp một ở từng khúc sông, khúc hói nào đó, cũng tùy theo thời tiết mùa vụ. Bời lẽ, mỗi loại cá chực ăn mồi vào một lúc nào đó nhất định trong khoảnh khắc trăng, nước nào đó, mùa hè khác với mùa đông, tháng này ngày nước triều lên xuống khác với tháng trước v.v... Cho nên thời gian nhàn rỗi để gặp nhau không nhất định được. Sự hội tụ hay phân tán của người vạn chài cũng còn tùy thuộc mỗi “lối sống” của mỗi loại cá.

Và, người vạn chài làm nghề theo đuôi con cá trên sông hói không đủ sức để sắm nhiều thứ chài lưới cho mọi thức cá để cùng nhau hàng loạt câu kéo, cùng nhau hàng loạt vại chài, để rồi cùng nhau nghỉ ngơi một lúc, hội làng với nhau một lục. Mỗi người một cảnh: người nghỉ, kẻ làm. Khi tụ, khi tán là vậy. 
Người làm nghề câu, nhất là nghề câu cần, là nghề khó kiếm ăn nhất, nghèo cực nhất, mặc dầu nghề này cần rất ít vốn, chỉ vài cái cần câu, vài cái ống câu, một số lưỡi câu tự tạo thế là đủ vốn xuất nghề. Nhưng không dễ gì câu được nhiều cá, nên đời sống rất khó khăn.

Trong khi đó, với nghề câu vàn, còn gọi là nghề bủa câu thì vàn câu càng dài, móc được nhiều lưỡi câu một lúc và nhiều con cá cắn mồi cùng một lúc, hoặc như kéo lưới cũng vậy, lưới càng dài, càng rộng thì vây được diện rộng nhiều loại, nhiều con, nhiều loại cá sẽ bị mắc lưới một lúc. Nghề chài cũng vậy, chỉ cần nắm được luồng cá bất kỳ, ăn ở đâu, nhử mồi cho chúng tập trung, rồi bất thình lình tung chài ra chụp ....

Riêng với nghề câu cần thì phải có cách “mời cá” ăn mồi, phải có cách “gợi thèm” cho cá cắn câu và khó nhất khi cá đã cắn câu rồi mà không “cao tay nghề” cũng mất mồi không được gì. Nó đòi hỏi người câu phải tùy mỗi “đối tượng” mà lựa chọn con mồi, vì một thứ cá có sở thích khác nhau, đến cả thời tiết cũng thay đổi “khẩu vị”.

Cho nên, người làm nghề câu cần luôn luôn làm ăn “riêng lẻ”, không thể cụm lại để cùng làm cùng hưởng được. 
Chúng ta thấy, mỗi thuyền câu, hình như họ sống độc lập, “mỗi người một phương trời, một con thuyền, một mái chèo, một cần câu, một bếp lửa” bập bùng đó đây khắp vùng sông nước... Thế nhưng, đôi khi, trên những bãi vắng cồn hoang, có hàng chục, có khi năm ba chục chiếc “nhà thuyền” tụ họp thành xóm làng, một thứ làng xóm thầm lặng, yên ấm không như các cuộc họp làng trên đất, luôn rầm rộ, ồn ào tiếng trống, tiếng đánh mõ, tiếng người kêu kẻ gọi, tiếng người đi kẻ chạy... Làng chài tự phân, rồi tự nhập... 

Ngày xưa, khi chưa có đất định cư, cuộc sống người vạn chài ở phía bờ nam cửa lạch sông Gianh còn “lênh đênh mạn thuyền” nhưng không vì thế mà quên gốc rễ của cha ông, nên cứ đến ngày giỗ tổ khai canh làng Xuân Hồi vào dịp đầu năm, tất cả mọi người đều trở về làng, viếng thăm mồ mả; thắp hương cầu nguyện tổ tiên, nộp tiền công quỹ gia tộc, rồi lại mỗi người một phương trời...

Rõ ràng, con chim kia bay mãi cũng trở về rừng về cội, con cá nọ bơi hoài cũng về nguồn về vịnh! Cho nên người Quảng Bình trước đây, mỗi khi xa nhà, xa quê, làm ăn nơi xứ lạ đất người, hễ nhìn gặp những chiếc thuyền câu trên sông hói, đều thấy buồn, chạnh nhớ đến quê hương xứ sở? Đêm đêm, những ngọn lửa thuyền chài lại gợi nên những kỷ niệm cũ nơi chôn rau cắt rốn, nơi cội nguồn gốc rễ...

Từ những ngọn lửa thuyền chài, người xa quê còn liên tưởng đến ngọn lửa lập lòe trên bãi biển sau những trận bão vừa hạ cơn sóng, ngọn lửa của những người thân đi tìm người bị nạn, đốt lên đây đó, vừa để sưởi đêm lạnh vừa làm tín hiệu cho ai đó, may ra còn ngất ngưởng, trôi nổi giữa trùng dương, biết bờ biết bãi mà cố gắng hướng về...

Cho đến khi người vạn chài trên sông Gianh được cá voi; vua ban sắc phong thần cá là “Nam Hải Thượng Đẳng Thần” và được ban cấp phần đất hoàng sa bạch thổ của làng Bồ Khê làm nơi định cư, xây đền thờ cá voi, người vạn chài phía nam cửa lạch sông Gianh mới hình thành ra làng xóm, gọi là “ấp Thanh Hà” (nay thuộc xã Thanh Trạch).

Từ đó, người vạn chài nơi đây mới chấm dứt cuộc đời trôi nổi trên sông nước, tránh được tình trạng “sinh nhai ư giang thượng, thác táng ư giang tâm” (làm ăn sinh sống trên mặt sông, chết chôn vào lòng sông). 
Sở dĩ có thành ngữ buồn thảm này là do thuở xưa ấy, người vạn chài là dân du canh du cư, trú ngụ rày đây mai đó trên khắp sông nước, làng xóm của họ khi tụ khi tán, không có một nơi định cư cơ bản. 
Mặc dầu có láng xóm thôn ấp mới rồi, nhưng theo lệ tục của làng gốc cũ cứ rằm tháng Giêng, vạn chài bờ nam cửa lạch Sông Gianh vẫn “họp làng” như ở làng chính cũ Xuân Hồi, thu gom tiền đóng góp, vào quỹ gia tộc đem về Xuân Hồi, để tỏ rằng, người vạn chài này không bao giờ quên gốc rễ, đinh ninh một dạ “ly hương bất ly tổ” (xa làng mà không rời họ). 

Cuộc hội làng này còn bàn đến lễ cúng rằm tháng Ba tới mà người vạn chài ở đây xem như ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân. 

Khác với các làng nông nghiệp, ngày rằm tháng 4 chỉ cúng hoa, quả chè xôi, nghĩa là cúng chay theo phép nhà Phật, không sát sinh mà còn phải phóng sinh, ngày rằm tháng 3 người vạn chài Sông Gianh gốc Xuân Hồi lại cúng cả heo, cả xôi, cả cá, phối hợp với cả hoa quả, bánh kẹo. 

Đến ngày ấy, tất cả thuyền chài của mọi “hộ nhà thuyền” cùng với thuyền câu biển, đều tập hợp lại, kết thành một mảng bè bằng thuyền khổng lồ, neo đậu giữa dòng sông trước cửa lạch, trên lát ván làm mặt bằng để đặt hương án, bàn thờ cúng tế và cũng để làm nơi hội họp giống như ở chốn “đình trung”. 

Trong thời gian như vậy, những “hộ thuyền” dùng mui thuyền làm lán trại tạm sống trên bãi sông, họp lại cũng như một “xóm chài”, một xóm ấp của làng mạc trong vùng. Đó là tiền thân của làng “Thanh Hà”, trước khi được cá voi, trước khi Vua cấp đất, một làng chài vừa có nhà cửa xóm thôn trên “cát vàng đất trắng” (hoàng sa bạch thổ) vừa có “vạn chài” (nhà thuyền) trên dòng Sông Gianh (phía bờ nam). 

Cái đáng ngạc nhiên mà cái cũng bình thường nhất là trong nội dung “ngôi đình thuyền nổi” giữa cửa lạch Sông Gianh này cũng có đủ cờ, đủ quạt, đủ tàn, đủ lọng, đủ chuông, đủ trống, đủ áo mũ cân đai cho các vị chủ tế, bài tế, cùng đủ văn, đủ sớ, đủ lễ, đủ nhạc, chẳng khác gì các lễ hội, các buổi Xuân Thủ Kỳ Yên của các láng xóm trên đất liền. 

Lệ làng vạn chài Thanh Hà quy định: Hội làng tháng 3 cúng tế trong hai đêm một ngày. 
Đêm đầu và nửa ngày hôm sau là lễ giỗ tổ khai canh được tôn thờ làm thần Thành Hoàng bổn thổ. Chiều ngày đó chuẩn bị vào lễ đám chay tế cô hồn và suốt đêm là lễ siêu độ cô hồn do các bậc tu hành trong các chùa ở Bồ Khê xã được rước mời. Lễ siêu độ, chủ yếu là trong kinh Phật để cầu hồn, sau đó làm lễ phóng sinh, phóng đăng (thả chim, cá, thả đèn).

Cái đẹp và cái riêng biệt của hội làng này là chỉ người của vạn chài tham dự và buổi lễ tổ chức ngay giữa dòng sông, không có người trên đất liền đến nhập hội, nhưng lại rất đông thuyền bè của các làng vạn chài trên lưu vực sông Gianh tham dự, cho nên, nó gần như một buổi họp thuyền cả lưu vực sông Gianh! 
Người các làng vạn chài cũng như người vạn chài Xuân Hồi đến “hội làng” như vậy là đến để cầu nguyện, để cúng lạy. Cái khác biệt của hội làng trên sông Gianh là chỗ này. Lễ mà không có hội, chứ không phải như các lễ hội khác. Thế nhưng, người ta vẫn đặt cho nó một cái tên là “Hội Làng”, với nghĩa thực của nó là “họp làng” nhưng là họp với tính chất vui vẻ, tự nguyện chứ không phải những cuộc họp làng theo ý nghĩa hành chánh. 

Cứ tưởng tượng, giữa một vùng trời biển mênh mông, đêm đen đầy sao, sông Gianh bát ngát, bốn bề yên lặng, có một cụm thuyền với bao nhiêu đèn đuốc đủ màu sắc, với tiếng chiêng, tiếng mõ, tiếng kèn, tiếng trống, đồng vọng, ngân vang, hòa tan vào không trung sông nước, sẽ gợi lên cho con người biết bao suy ngẫm... 

Và từ giữa dòng sông, trên mặt biển bao la, những chiếc đèn phóng đăng bập bềnh nhấp nhô le lói, như những con đom đóm trong bầu trời, càng làm cho những người chung quanh hiện đang ngắm cảnh, không khỏi nhớ đến những linh hồn người “tử nạn” từ ngoài cõi trùng dương qua các trận bão bất ngờ… 

Xót tình đồng nghiệp “sinh ư giang thượng, thác táng ư giang tâm”, người đi dự hội làng trên Sông Gianh không cầu mong sự vui chơi hội hè mà chỉ mong gửi chút lòng mình vào những lời cầu nguyện, vào những “cây đèn, cây hương, tờ vàng mã” trôi nổi trên dòng nước đi ra biển Đông vô tận... 

Và cũng vì vậy mà tình quê, tình bà con họ tộc làng xóm cứ vương vấn, đeo đẳng lấy tâm hồn con người, qua âm thanh của tiếng chuông, tiếng mõ trong khoảng vắng đêm trường mà họ gặp khắp nơi trong cuộc sống đó đây!

(Nguồn: saigontoserco.com)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *