Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Tranh làng Sình

Địa điểm: Làng Sình có tên chữ là Lại Ân thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách Huế không xa, ở về phía hạ lưu sông Hương.

Hình thành: dân làng Sình sống cơ bản về nông nghiệp, nhưng do vị trí sát kề đế đô lại thuận tiện giao thông, có nhiều người buôn bán và làm thủ công, trong đó có nghề làm tranh thờ in ván khắc gỗ còn màu tô tay. Trước kia, hầu hết tranh thờ in ván bày bán ở hàng mã là do dân Sình làm, nên quen gọi là “tranh Sình”. Ngày nay phần lớn các gia đình đã chuyển vào thành phố, tại làng còn rất ít nhà tranh. Nhiều người làm đồ mã ở Huế đã thuê thợ theo mẫu tranh đã khắc ván để in bán, lại có người đưa sang in máy để kinh doanh, nên tranh Sình đích thực đang mai một.

Đặc điểm: Giấy in tranh là loại giống giấy in báo, màu là sản phẩm mua ở chợ, gồm có màu vàng, xanh, tím, đỏ sen, còn trắng thì để nguyên giấy mộc. Ván in bằng gỗ mít, họ tự khắc hoặc thuê thợ khắc. Tranh in lối ngửa ván rồi dùng tay vuốt giấy cho phẳng, in lấy nét và mảng đen, sau dựa vào đấy mà tô màu một số mảng. Tranh Sình thường bán ở vùng Bình Trị Thiên.

Tranh Sình là tranh thờ, có các bộ. Tranh cúng bổn mệnh, tranh cúng gia tiên, tranh ảnh cúng thế mạng, tranh lễ thành cúng cho người mang bầu, tranh cúng cho con nít…Tất cả chừng trên năm mươi tờ có đề tài khác nhau. Tất cả những tranh trên đều phản ánh tín ngưỡng cổ sơ, là sự lưu ảnh của tư tưởng Việt cổ trước một thiên nhiên hoang sơ thần bí và linh dị, cuộc sống bị chi phối bởi nhiều tai họa nên con người hình dung thành các vị thần cần tranh thủ. Mọi người cúng tranh để cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi.

Một số tranh thờ thực ra mang giá trị nghệ thuật, chẳng hạn như bộ Bát Âm. Bát Âm đúng ra gồm tám cô biểu diễn các đàn dịch khác nhau nhưng để đỡ ván in, người ta dùng 2 bộ 4 bức. Mỗi bức thực sự là bộ tranh Tố nữ Huế. Mỗi bức vẽ một cô đứng biểu diễn nhạc cụ khác nhau, cả bốn cô đều mặc áo “mã tiên”, gồm áo trắng dài mặc trong, áo cánh màu mặc ngoài, mỗi cô một áo có thể thay đổi khi tô sao cho vui, đội mũ, mặc quần trắng. Áo mã tiên khá điển hình ở Huế, ở những đám cưới lớn có tám em bé mặc áo mã tiên cầm đèn lồng đi thành hai hàng dọc. Các cô như những ca sĩ duyên dáng, phục trang nền nã.

(Nguồn: thuathienhue.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *