Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Nghề làm cuốc ở Nghi Khúc

Làng Nghi Khúc, xã An Bình, huyện Thuận Thành có nhiều nghề thủ công truyền thống như làm đậu, sản xuất cày bừa… nhưng nổi tiếng hơn cả là nghề làm cuốc. Theo các cụ cao niên trong làng kể rằng ông tổ nghề là “Quang thánh tiên sư”. Xưa kia, phường cuốc thường tế lễ tổ nghề vào ngày 19-9 âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn người có công truyền nghề giúp dân thâm cuốc vỡ, vun trồng.

Nghề sản xuất cuốc ở Nghi Khúc tiến hành sản xuất theo mùa vụ, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch hàng năm. Sau khi làm lễ cúng tổ nghề, dân làng bước vào vụ sản xuất. Trước tiên, người thợ chọn mua gỗ, gỗ được mua tại các bến sông gần nhà, gỗ làm cuốc chỉ có hai loại là gỗ lim và gỗ nghiến vì đặc tính gỗ cứng, bền, độ nặng vừa phải và giá thành không cao. Gỗ mua về được người thợ tính toán khéo để tạo được sản phẩm có đường vân đẹp, nhưng phải tận dụng được tối đa. Sau đó, những người đàn ông khoẻ mạnh xẻ gỗ thành từng mảnh để sản xuất từng bộ phận của chiếc cuốc.

Với những dụng cụ đơn giản cùng kỹ thuật cao, người thợ thủ công làng nghề Bưởi Cuốc đã chế tạo được những sản phẩm có chất lượng, được nhân dân ưa chuộng. Sản phẩm cuốc của làng trở thành một mặt hàng thủ công có tiếng trong vùng, nhiều lái buôn đã về đặt mua hàng đem bán ở các vùng khác.

Làng Bưởi Cuốc có chợ phiên mở vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hàng tháng, đây là nơi buôn bán tấp nập các loại hàng hóa, nhưng sản phẩm được ưa chuộng hơn cả chính là chiếc cuốc do những người thợ thủ công khéo léo trong làng làm ra. Nhiều người thợ làng Bưởi Cuốc đã tới các tỉnh Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam… mở cửa hàng chế tạo cuốc, bán những chiếc cuốc do làng mình làm ra để phục vụ nhu cầu của bà con ở xa.

Nhằm tôn vinh nghề cha ông để lại, vào ngày hội đình làng tổ chức vào mùng 2-4 âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức hội thi làm cuốc. Các gia đình sản xuất cuốc đem những chiếc cuốc do gia đình mình làm đến hội thi, Ban giám khảo là những nghệ nhân có uy tín trong làng, những chiếc cuốc có vân gỗ đẹp, hình dáng cân đối và sắc mỏng sẽ được lựa chọn vào vòng trong. Sau đó, người ta đem những chiếc cuốc đã được lựa chọn ngâm nước trong khoảng 2 đến 3 ngày. Họ sẽ tháo rời những chiếc cuốc, nếu chiếc nào mộng cuốc không thấm nước thì được giải. Phần thưởng cho người được giải nhất là quả cau, lá trầu và được vinh dự ghi tên trong bảng vàng danh dự của làng. Giải thưởng tuy không cao nhưng là niềm mơ ước của tất cả những người tham gia cuộc thi.

Nghề làm cuốc ở Nghi Khúc đã từng là nghề phát triển thịnh đạt, nhất là sau cải cách ruộng đất từ 1955 đến 1986, đem lại sự phồn thịnh cho nhiều gia đình ở làng. Sự xuất hiện của chiếc cuốc sắt với những ưu điểm nổi trội so với chiếc cuốc gỗ, nhất là công cuộc cơ giới hóa trong nông nghiệp hiện nay, chiếc cuốc gỗ của làng Nghi Khúc không còn được ưa chuộng, nghề làm cuốc dần mai một. Sự mất đi của một nghề là tất yếu khi không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhưng cũng làm tiếc nuối cho những người thợ đã gắn bó lâu năm với nghề.

(Nguồn: bacninh.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *