Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Nghề chạm khắc gỗ trên đất Thủ

Nghề chạm khắc gỗ (điêu khắc gỗ) là một ngành nghề có truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam, những giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Bình Dương, nghề điêu khắc gỗ đã có hơn hai trăm năm tồn tại. Theo dòng chảy lịch sử hình thành vùng đất (1698- 2006), nghề có lúc thịnh, lúc suy, nhưng vẫn được các thế hệ nghệ nhân tiếp tục truyền nghề cho con cháu đến ngày nay.

            Nam Bộ là vùng đất mới song có nhịp độ phát triển kinh tế khá nhanh. Cùng với Sài Gòn, Biên Hoà, đất Thủ - Bình Dương cũng sớm trở thành một đô thị từ đó dẫn đến việc sớm ra đời các ngành nghề thủ công nghiệp. Tuy sản xuất nông nghiệp phát triển, nhưng nhu cầu đời sống đã giải phóng một bộ phận lao động nông nghiệp và biến họ thành những thợ thủ công. Các thợ này đã chuyển thành thợ chuyên nghiệp, không còn kiểu làm thợ trong những lúc nông nhàn như trước kia nữa.

Tại Thủ Dầu Một lúc bấy giờ đã hình thành rải rác các làng nghề, các nhóm thợ chuyên làm nghề mộc, đóng thuyền, đẽo cột, dựng nhà. Làng Phú Cường là trung tâm cưa xẻ gỗ, đóng thuyền lớn nhất nhì ở Nam kỳ. Làng này còn có tên là An Nhất Thuyền (nơi đóng thuyền lớn nhất xứ Bình An tức Bình Dương ngày nay) chạy dọc theo triền sông Sài Gòn đến thôn Chánh Hiệp.

Hay khi nói đến vùng đất Phú Thọ, người ta sẽ nghĩ ngay đến làng chạm khắc gỗ hoặc làng guốc Phú Văn thuộc thôn Bà Lụa. Theo địa chí Thủ Dầu Một năm 1901 thống kê, tại làng guốc Phú Văn có gần 80 hộ gia đình sống bằng nghề làm guốc cổ truyền.

          Thủ Dầu Một xưa được xem là thủ đô của Nam Bộ về nhà cửa, chùa chiền cổ mang giá trị mỹ thuật cao. Lớp thợ của đất Thủ đầu tiên ra đời tiếp thu vốn liếng cổ truyền của cha ông đã tạo nên những giá trị mỹ thuật trong các đình chùa mang nét văn hóa đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ lúc bấy giờ. Thơ ca xưa còn ghi :

“Trại ghe trại ván sẵn cùng

Sông sâu nước chảy điệp trùng bán buôn

Nhà khéo cất tốn bạc muôn

Tiếng đồn chợ Thủ ráp khuôn kỹ càng” [ca dao]

Chính quyền nhà Nguyễn cho phép thợ thủ công hội nhau thành phường nghề, xếp thợ thủ công vào hạng “miễn sai”, “khuyến khích các thợ để đủ đồ dùng”… Đến thời Pháp thuộc, thực dân Pháp cho tiến hành điều tra nghiên cứu tài nguyên và khả năng sản xuất, nhu cầu của sản xuất thủ công ở Việt Nam (những năm 70 – 80 của thế kỷ XIX).

Từ năm 1896, thực dân Pháp thành lập trường kỹ nghệ thực hành và mỹ nghệ thực hành, đưa hàng thủ công ra dự các hội chợ nước ngoài: Hội chợ Lyon 1893 và hội chợ Paris 1907 có giới thiệu đồ khảm; Năm 1900, toàn quyền Đông Dương quyết định đặt ra danh dự bội tinh làm giải thưởng cho “các nghệ nhân và thợ thủ công có trau dồi nghề nghiệp, hoặc tạo ra một nghệ thuật mới… Người được cấp danh dự bội tinh hạng nhất được xếp ngang hàng với chức Tổng đốc, hạng nhì ngang hàng với Tri phủ, hạng ba ngang hàng với Tri huyện”.

Trong thời gian này, tại Thủ Dầu Một, trường kỹ nghệ cũng được thành lập. Trường này gồm bốn bộ môn là điêu khắc trên gỗ, đúc mỹ thuật kim khí, thêu thùa, khảm xà cừ và vẽ. Việc chiêu sinh rất dễ dàng, mặc dù thành kiến trong những gia đình khá giả coi thường các nghề thủ công. Các sản phẩm do trường mỹ nghệ thực hiện đã thu nhận được cảm tình và sự khen ngợi của công chúng. Nhân cuộc đấu xảo liên xứ tại Biên Hòa năm 1909, trường Kỹ nghệ Bình Dương đã nhận được bằng khen danh dự.

Năm 1935, Chính quyền Pháp cho tiến hành cuộc chấn hưng công nghệ vì phát triển thủ công nghiệp chỉ phải bỏ ít vốn hoặc không cần bỏ vốn mà lợi nhuận cao vì tận dụng được nguồn nhân công rẻ mạt và tài khéo léo của người thợ có truyền thống lâu đời.

alt 

Qua các con số thống kê lúc bấy giờ cho chúng ta thấy: Số lượng thợ thủ công ở Bắc kì nhiều gấp bốn lần thợ thủ công ở Nam kỳ, nhưng tổng giá trị thu về thì lại ngang nhau. Như vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Nam kì lúc bấy giờ đã mang tính hàng hóa cao hay nói cách khác, nghề thủ công truyền thống ở Nam Bộ đã mang tính thương mại ở những năm đầu thế kỷ XX, khác hẳn với Bắc kì sản phẩm thủ công đa phần mang tính tự túc tự cấp.

Đất Thủ Dầu Một từng được coi là cái nôi của nghề mộc gia dụng Nam Bộ với vùng đất có nhiều rừng, gỗ quí. Nơi đây cũng là miền đất sản sinh ra những nghệ nhân, thợ chạm khắc gỗ tài ba. Nhưng công lao để đào tạo nên những lớp thợ, nghệ nhân đầu tiên đó không ai khác chính là những người thợ Bắc, Trung, trong quá trình bôn ba lưu lạc làm ăn khắp nơi đã dừng chân tại đất Thủ và truyền nghề lại cho học trò tại địa phương. Nổi tiếng nhất trong làng điêu khắc gỗ Phú Thọ là nghệ nhân Châu Văn Trí (1914 – 1999), cụ Châu Văn Trí đã say sưa sáng tạo và đào tạo nhiều thợ giỏi trong nghề điêu khắc gỗ cho tỉnh nhà.

Nghệ nhân Châu Văn Trí thi đỗ vào trường Bá Nghệ Bình Dương năm 1923, khoa điêu khắc. Năm 1927 cụ tốt nghiệp đạt loại xuất sắc và trở thành một nghệ nhân có tay nghề bậc thầy từ đó cho đến nay, ngày nay con cháu cụ v

Thủ Dầu một là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh Bình Dương. Phú Thọ là một vùng đất khá bằng phẳng nằm ở hướng Nam cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 3km. Đông giáp phường Phú Hòa, Tây giáp sông Sài Gòn. Nam giáp thị trấn An Thạnh. Phía Bắc giáp phường Chánh Nghĩa lại nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là thị trấn Lái Thiêu và thị xã Thủ Dầu Một, có đường giao thông thủy bộ khá thuận tiện, có thể giao lưu với các đô thị lớn bên ngoài như Sài Gòn, Biên Hòa…

Người dân ở đây vốn cần cù sáng tạo, lại được thiên nhiên ban tặng cho một vùng đất có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, bên dưới lòng đất lại chứa nhiều khoáng sản phong phú, cùng với tài nguyên rừng dồi dào… đã cho phép nơi đây phát triển một nền kinh tế đa dạng ngay từ buổi ban đầu. Do kinh tế sản xuất đa dạng nên nghề buôn bán và các ngành nghề dịch vụ khác cũng rất phát triển với một hệ thống các chợ, các trung tâm buôn bán mà nổi tiếng hơn cả là chợ Thủ. Trong đó, các mặt hàng thủ công đã trở thành chủ đạo của địa phương và đã đi vào thơ ca và nổi tiếng khắp trong và ngoài nước:

“Chiều chiều mượn ngựa ông Đô

Mượn ba chú lính đưa cô tôi về

đưa về chợ Thủ bán hũ bán ve

Bán bộ đồ chẻ, bán cối đâm tiêu”. [ca dao]

Cho đến ngày nay, trong 6 khu phố của phường Phú Thọ thì khu phố 4 và khu phố 5 vẫn tiếp tục hoạt động thủ công nghiệp. Hai làng nghề cùng tồn tại trên địa bàn đó làng làng điêu khắc gỗ Phú Thọ và làng guốc Phú Văn.

        Nghề mộc xuất hiện và phát triển tại vùng ngày nay thuộc tỉnh Bình Dương là tất yếu của sự phát triển kinh tế xã hội trong quá trình phát triển của vùng, khi điều kiện tự nhiên hội đủ, cộng với sự linh hoạt, nhạy cảm của lưu dân Việt. Đồ gỗ gia dụng của vùng đất Thủ từ lâu đã được ưa chuộng do kiểu dáng đẹp, chất lượng gỗ tốt, không pha tạp như ở những vùng hiếm gỗ khác. Thợ chạm trổ gỗ Bình Dương biết chạm, trổ, khắc hoạ các hoa văn, môtip trang trí dân dã như tùng, bách, các loại hoa như hoa cúc, mẫu đơn… Là vùng đất hứa cho các thợ mộc, cư dân Bắc và Trung có tay nghề cao lần lượt di dân vào Bình Dương, sau đó tụ cư tại Phú Thọ – Thủ Dầu Một, hành trang của họ là đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và các kinh nghiệm về kỹ thuật chạm, khảm xà cừ trên các tủ thờ, ghế dựa, trường kỷ, hương án… cũng như các loại hoành phi, câu đối. Nghề điêu khắc gỗ phát triển ở Bình Dương đã tạo nên thị hiếu thẩm mỹ của cư dân trong vùng rồi lan tỏa ra toàn quốc, hình thành một bộ môn nghệ thuật độc đáo của Bình Dương.

(Nguồn: www.binhduong.gov.vn)

 

 

 


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *