Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng sinh thái Điền Xá

Làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) nằm ven đê sông Hồng cách thành phố Nam Định 5 km, được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh. Theo ngọc phả đình Vị Khê, mùa xuân năm Tân Mùi (1211) Thái tử Sảm lên ngôi là vua Lý Huệ Tông, đã phong Tô Trung Tự làm Thái uý phụ chính. Cũng vào năm Tân Mùi (1211), Thái uý Tô Trung Tự đã đến Nguyễn Gia Trang (tức làng Vị Khê ngày nay) thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đất phì nhiêu, dân cư thuần phác ông đã cho lập hành cung để đi lại. Về ở tại đây, ngoài khuyến khích việc nông trang, ông còn dạy dân địa phương trồng hoa, cây cảnh để làm kế sinh nghiệp lâu dài.

Năm 1225 nhà Trần lên ngôi, hành cung Thiên Trường thành trung tâm lớn thứ hai sau Thăng Long, là nơi nghỉ ngơi của các vương công, quý tộc, làng hoa Vị Khê có điều kiện phát triển để phục vụ cung đình. Nghề trồng hoa, cây cảnh ở Vị Khê đã khởi nguồn và phát triển ngày một thịnh vượng và lưu truyền từ đời này sang đời khác và đã trở thành Làng sinh thái đón du khách thập phương đến tham quan thưởng ngoạn. Trải qua thời gian cùng với nhiều làng hoa nổi tiếng của miền Bắc như Nghi Tàm, Quảng Bá, Yên Phụ, Ngọc Hà ( Hà Nội). Đặng Hải, Phụng Pháp, Hạ Lũng ( Hải Phòng) thì Vị Khê là quê gốc của nhiều loài hoa như: đào, lan, hải đường, đỗ quyên, trà với đủ chủng loại (bạch trà, hồng trà, thâm hồng, bát diện)... Và Vị Khê còn là làng quất nguyên thuỷ của Việt Nam, một loại cây mang nhiều biểu tượng của sự sum họp, niềm hạnh phúc khi Tết đến, xuân về.

Vị Khê, Điền Xá không chỉ là làng hoa mà còn là làng cây cảnh với đa, sung, lộc vừng, sanh, si, tùng, tùng La Hán...Với nhiều kiểu dáng thế cây phong phú, đa dạng như long thăng, long giáng, trực, trực quân tử, trực siêu, thế huyền, thế song phục, huynh đệ, mẫu tử tương thân, phụ tử tương tuỳ... Với đôi bàn tay tài năng, các nghệ nhân ở Vị Khê, Điền Xá đã tạo nên nhiều tác phẩm thế cây có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao. Có những thế cây đã hàng trăm năm tuổi, giá trị hàng trăm triệu đồng, như bộ 3 cây tùng La Hán tại từ đường của cụ Bôi, đôi xanh trực của ông Vũ Viết Hoa và đặc biệt là đôi xanh trực của cụ Lã đã được giải thưởng tại Hội thi cây vào năm 1924 của Triều đình Huế, hiện trồng tại trụ sở UBND xã Điền Xá... cây hoa, cây cảnh Vị Khê còn có vinh dự lớn khi đôi cây nguyệt quế và hàng vạn tuế của làng được lựa chọn trồng bên lăng Bác. Nhiều nơi như Văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Chính phủ, Quảng trường Ba Đình... đều có sự hiện diện của hoa, cây cảnh Vị Khê. Tiếng làng hoa, cây cảnh Vị Khê được nhiều nơi biết đến. Mỗi năm có hàng trăm đoàn khách từ mọi miền đất nước và cả nước ngoài đã đến thăm thưởng ngoạn. Thầy trò các trường trung học, Đại học nông nghiệp cũng nhiều lần về Vị Khê để nghiên cứu, học tập kỹ thuật ươm trồng, uốn tỉa các loại hoa, cây cảnh. 

                                       alt

Cây cảnh làng Vị Khê trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội

Mỗi thế cây, dáng cây còn được tạo thế với những vẻ đẹp khác nhau và mang một triết lý khác nhau. Đối với cây thế Trực, phải phù hợp với những gia đình có cách sống trung thực, có trước, có sau. Bộ tứ quý là cầu mong cuộc sống 4 mùa đều ấm no đầy đủ. Bộ Ngũ phúc khẳng định gia đình có phúc hậu, có đức độ và con cháu thành đạt. Bộ huynh đệ đồng khoa là gia đình vinh hiển... Nhìn vào gia đình chơi bộ cây nào, khách đến chơi có thể hiểu được phần nào về gia đình đó. Nhưng thế cây còn là bài học để các cụ răn dạy con cháu ăn ở có lễ nghĩa, chuyên cần học tập và vươn tới một cuộc sống no đủ, hạnh phúc... Để tạo được dáng cây, những nghệ nhân có khi phải dành cả cuộc đời với sự tỉ mỉ, kiên trì, uốn tỉa tạo dáng cho từng nhánh cây, chồi cây, có khi phải mấy năm mới hình thành một nhánh cây đẹp. Và để hoàn thành một cây hay nguyên cả một quần thể cây cho đúng thế thì còn mất nhiều thời gian hơn nữa. Các nghệ nhân làng hoa, cây cảnh Vị Khê không chỉ rập khuôn theo một mẫu cây nhất định, mà còn tạo dáng, tạo thế cho phù hợp với xu thế thời kinh tế thị trường như kiểu dáng Bonsai của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... nhưng vẫn phải mang phong cách dấu ấn của làng Vị Khê.

                                   alt 

Khách du lịch tham quan làng cây cảnh Vị Khê

Gần 800 năm trôi qua với biết bao biến cố, nhưng làng hoa, cây cảnh Vị Khê, Điền Xá vẫn tồn tại và phát triển. Nhất là từ thời kỳ đổi mới, mở cửa thì nghề trồng hoa, cây cảnh Vị Khê phát triển mạnh. Từ thú chơi tao nhã của một số ít người, giờ đây đã trở thành phong trào làm kinh tế từ nghề trồng hoa, cây cảnh với quy mô lớn để tiêu thụ trong và ngoài nước. Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của làng nghề truyền thống, ngày nay ở Vị Khê hầu như nhà nào cũng trồng hoa, cây cảnh và còn phát triển sang cả các địa phương lân cận và sang cả tỉnh bạn. Diện tích trồng hoa cây cảnh tăng nhanh, nhất là từ khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Xã tổ chức quy vùng cho các đội sản xuất, cho phép cải tạo vườn tạp, thùng đào để trồng hoa, cây cảnh.Ở các đội sản xuất số 2, số 3, nhiều ao đầm được san lấp, nhiều cánh đồng trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi, cải tạo để trồng hoa, cây cảnh. Đến năm 2010, xã Điền Xá phấn đấu sẽ có 185 ha trồng hoa, cây cảnh.

Hàng ngày, ngoài hàng trăm người buôn bán nhỏ đến Vị Khê mua hoa, cây cảnh chở bằng xe đạp, xe máy đi bán ở khắp các huyện và thành phố trong tỉnh, còn có các xe ô tô tải chở cây đi các tỉnh thành trong cả nước theo các hợp đồng kinh tế đã được ký kết. Cây cảnh Vị Khê còn xuất sang các nước như: Lào, Campuchia, Ấn Độ, Singapo... Các công ty hoa, cây cảnh Vị Khê... đã đáp ứng nhu cầu của thị trường hoa, cây cảnh. Hội sinh vật cảnh làng Vị Khê được thành lập từ năm 1997 luôn thể hiện rõ vai trò, vị trí nòng cốt cho phong trào sinh vật cảnh phát triển, tạo đầu mối giao lưu, quảng bá và tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh của hội viên. Nghề trồng hoa, cây cảnh đã trở thành nguồn sống chính của nhân dân Điền Xá. Nhiều gia đình đã trở nên giàu có. Nhiều năm liền xã Điền Xá được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng Bằng khen về phong trào an ninh trật tự.

(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *