Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng nghề đan đát

Làng Phước Qưới, xã Phú Tân (Châu Thành) từ lâu nức tiếng với nghề đan đát tre nứa. Trong làng già trẻ, gái trai ai ai cũng tất bật với nghề đan thúng, rổ, rá, cần xé và nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác... Bà con ở đây rất tự hào với nghề đan truyền thống vì đã cứu họ thoát nghèo, con cái học hành thành đạt.

Người tài làng nghề đan đát

Trên con đường bê tông dọc theo dòng kênh 30/4 thơ mộng, chúng tôi đến ấp Phước Quới vào những ngày tháng chín, vùng quê thuần mộc úp mình trên cát với hàng tre nứa xanh mướt, ấn tượng nhất là những đống nan tre chẻ nhỏ chất đầy trước mỗi hiên nhà, trẻ em thay vì hiếu động chạy nhảy, nhưng chúng lại ngồi đan thúng, nia, sàn giúp cha mẹ kịp giao hàng vào ngày cuối tuần. Đa số các em ở đây xem đan đát là trò chơi làm ra chén cơm, manh áo, kiếm được tiền mua sách vở đi học, rảnh rỗi là các em lao vào đan đát. Nam thanh, nữ tú của làng, tối đến hẹn hò nhau cũng lấy cái cớ đan đát để gặp gỡ. Người già lấy đan đát để chuyện trò. Thành ra làng nghề Phước Quới lúc nào cũng rộn ràng tiếng chẻ tre, tiếng tanh tách của những lóng đan va vào nhau.

Trong làng, ngoài phụ nữ còn có nhiều đàn ông cũng khéo tay không kém. Ông Lâm Liếp (60 tuổi) được phong là “người đan đát lão luyện” vì làm ra nhiều sản phẩm thủ công lạ mắt. Trong khi người thợ bình thường phải mất hai ngày mới hoàn chỉnh một món hàng (ghe ngo) thì ông chỉ làm trong một ngày. Nhưng ông vẫn chưa hài lòng vì không thể sánh bằng phụ thân (nghệ nhân Lâm Ly 85 tuổi) với những đường đan “mắc nổi độc chiêu” được tôn là “đại thụ lão làng” với kinh nghiệm hơn 70 năm trong nghề. Ngoài ra còn có chị Lâm Thị Hương bị thương tật nhưng vẫn đan rất đẹp. Là trụ cột trong gia đình với 6 miệng ăn và là “hậu duệ” nghề đan đời thứ tư, ông Lâm Liếp đã có thâm niên trong nghề trên 50 năm, ông đã hướng dẫn vợ con vào nghề đan thúng, rổ, ky, cần xé... để thoát nghèo; khi gia đình chỉ có 4 công ruộng, trước đây làm một vụ chỉ đủ ăn nên ông đã bám nghề gia truyền để kiếm thêm thu nhập. Nghề không phụ lòng người khi vợ chồng ông từng bước khá lên, có nhà cửa đàng hoàng, con cái đều yên bề gia thất và tiếp tục theo nghề của cha ông. Hiện nay, chẳng những là “sư phụ làng nghề”, ông Liếp còn được xã viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm HTX Làng nghề Phú Tân (Châu Thành).

Thoát nghèo nhờ nghề đan đát

Ông Lâm Cao - Trưởng Ban nhân dân ấp Phước Quới bộc bạch: "Trước đây bà con Phước Quới rất nghèo. Cả ấp có trên 430 hộ; hơn 2.000 khẩu với diện tích đất canh tác trên 200ha, đa số bà con sống dựa vào nông nghiệp là chính nhưng vẫn không đủ ăn. May tiền nhân đã tạo lập nghề đan đát và truyền lại cho con cháu, trong lúc túng quẩn, mọi người nhớ nghề và bắt đầu khôi phục lại nghề xưa làm những mặt hàng rổ, rá, nia, sàn, cần xé đem tiêu thụ khắp vùng, không ngờ được thị trường đón nhận, có khi làm không kịp giao hàng phải làm cả ngày đêm”. Ông Lâm Sol - xã viên HTX làng nghề cho biết: “Lúc đầu, Phước Quới chỉ có vài chục hộ làm nghề đan đát thì nay đã có vài trăm hộ đa số là thành viên HTX làng nghề, mỗi lao động có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng". Hiện nay, Phước Quới chỉ còn 40 hộ nghèo. Thấy nghề đan ở đây góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương (trên 1 tỷ đồng), huyện đã đầu tư xây dựng trụ sở và thành lập làng nghề gồm các phòng: Hướng nghiệp, nhà xưởng, nhà trưng bày sản phẩm và máy chẻ nan tre... rồi HTX làng nghề ra đời (2006), đến nay đã có 81 xã viên, các xã viên được vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo và góp vốn cho nhau mượn xoay vòng không tính lãi để mua thêm nguyên liệu, máy móc tăng năng suất lao động. Đến nay, các xã viên đều thoát nghèo, nhà cửa được ngói hóa, đường làng được bê tông, ngõ xóm sạch đẹp. Chị Thạch Thị Phuông kể: “Nhà tui trước đây nghèo lắm, về làm dâu làng này, không nghề nghiệp, ruộng vườn thì ít (2 công), ngày nào hai vợ chồng cũng đi làm thuê, được vào xã viên làng nghề, được mượn vốn tui nuôi thêm heo thịt rồi từ từ tích lũy tiền bạc đầu tư cho các con ăn học và cất nhà tử tế”. Ông Lâm Liếp cho biết thêm: "Hiện nay, chúng tôi đang nhận đơn đặt hàng của Bảo tàng tỉnh thực hiện các món hàng thủ công mỹ nghệ (chiếc ghe ngo nhỏ, trục, rổ, rá) để bán cho khách du lịch, vì là mặt hàng mỹ nghệ nên phải làm tỉ mỉ, trau chuốt cho bắt mắt nên tốn nhiều công sức hơn mặt hàng thường”. Đáng kể, từ đan đát tre trúc, Phước Quới đã “đan” được hàng chục em vào giảng đường cao đẳng, đại học.

Phước Quới đã rộn ràng với nghề đan đát xuyên suốt từ hàng thế kỷ nay, bà con trong phum sóc vẫn tiếp tục theo nghề để thế hệ con cháu nuôi dưỡng những ước mơ vươn tới tương lai.

(Nguồn: soctrang.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *