Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng kiềng Phú Thượng

Từ bao đời nay, làng Phú Thượng, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh) nổi tiếng với nghề đan kiềng (rế). Kiềng của người dân làng Phú Thượng sản xuất không chỉ phục vụ cho nhân dân trong khu vực mà còn được cung cấp cho nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

 

Khác với những vùng quê nông thôn khác, khi về làng Phú Thượng, ngoài những đống rơm rạ còn có những đống tre, giang để khắp mọi nơi. Đến nhà nào cũng thấy mọi người rộn ràng làm các loại kiềng lớn, kiềng bé,... Theo nhiều người lớn tuổi ở trong làng thì từ khi sinh ra dân làng đã có nghề đan kiềng. Kiềng làm ra để chủ yếu để đựng các loại soong, nồi, chảo, ấm... Nó vừa bảo vệ được các vật dụng không bị vỡ, hư hỏng, móp méo mà còn xách mang dễ dàng, sạch sẽ.

Hiện nay, ở làng Phú Thượng không chỉ các ông già, bà lão mà các bậc trung niên, trẻ em cũng đều đan được kiềng. Với lợi thế là địa phương sống gần rừng mà nguyên liệu chính là những cây giang, cây tre nên người dân Phú Thượng rất thuận lợi việc kiếm nguyên liệu để sản xuất kiềng. Vào buổi sáng, mỗi người chỉ cần vào các vùng rừng lân cận chặt vài bó giang đưa về là có thể sản xuất vài ba ngày. Loại giang để làm kiềng là loại cây vừa và nhỏ nên khi chặt về làm kiềng vừa không tác động lớn đến việc phát triển rừng mà còn có tác dụng phát quang cho rừng. Điều đó rất hữu ích khi về mùa nắng sẽ làm giảm lượng thực bì và hạn chế được mức độ nguy cơ của cháy rừng.

Ông Phan Đáo năm nay đã ngoài 86 tuổi nhưng với những đường bẻ (đan) vẫn còn rất điêu luyện, gọn gàng, trong chốc lát ông đã đan xong một cái kiềng. Ông Đáo cho biết: “Nghề đan kiêng ở đây đã có từ rất lâu, có lẽ là từ khi bắt đầu con người biết dùng nồi đất để nấu thức ăn!. Hồi trước, lúc còn khoẻ thì tui có thể vào rừng để chặt cây giang đưa về rồi cho vợ con, cháu chắt làm nhưng mấy năm trở lại đây sức khoẻ đã giảm sút nên chỉ ở nhà ngồi đan. Trong nhà tui hiện nay ai cũng biết và đan thành thạo các loại kiềng”.

Theo nhiều người việc đan kiềng vừa đơn giản, không phải tốn sức lực nhiều mà chỉ cần chăm chỉ, có thời gian. Mặc dù, mỗi chiếc kiềng có giá không phải là cao lắm nhưng chăm chỉ thì mỗi ngày một người cũng có thể thu nhập từ đan kiềng từ 30-50 ngàn đồng.

Ông Dương Hữu Tý - Trưởng thôn Phú Thượng cho hay: “Hiện tại, thôn Phú Thượng có 120 hộ, với 503 khẩu. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn đan kiềng để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong thôn hầu như nhà nào, người nào cũng biết đan kiềng nhưng hiện nay chỉ còn khoảng gần một nữa gia đình trong thôn đan kiềng chuyên nghiệp, có thu nhập khá”.

Ngày trước, người dân đan kiềng xong tập hợp lại vài ba chục chiếc rồi chở xuống chợ Vực (Cẩm Duệ) chợ Cẩm Xuyên hay đưa ra chợ tỉnh bán. Nhưng hiện nay, người dân đan được kiềng thì có người từ các nơi đưa xe ô tô về tận nhà thu gom và đưa đi tiêu thụ khắp mọi nơi. Kiềng làm đến đâu có người thu mua đến đấy. Kiềng của Làng Phú Thượng bây giờ không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh nhà mà còn đưa đi phục vụ trong các gia đình ở các tỉnh phía bắc như: Hà nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An... và còn đưa vào các tỉnh phía nam.

Nghề đan kiềng cũng đã giúp cho nhiều người thoát nghèo, có kinh tế ổn định và nuôi dạy con cái trưởng thành. Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Xuân hiện đang có hai con học đại học, nhà cửa khang trang. Chị Xuân cho biết: “Nhà tui ngoài làm ruộng ra thì những khi rảnh rỗi ai cũng đan kiềng. Mặc dù đan cái kiềng bán chỉ vài ba ngàn, cao lắm thì hơn chục ngàn đồng nhưng “chăm nhặt chặt bị”. Từ kiềng tui có thể nuôi con cái ăn học trưởng thành, kinh tế tương đối ổn định”. Không chỉ gia đình chị Xuân mà hiện nay làng Phú Thượng còn nhiều nhà nhờ đan kiềng nà đem lại thu nhập khá như: Nguyễn Minh, Nguyễn Thị Lan, Hà Nhuần, Phan Xuân, Bùi Luân, Hà Lý,...

Để giữ gìn và phát huy làng nghề, trong thời gian qua, cấp uỷ Đảng, chính quyền xã Cẩm Duệ cũng đã có Nghị quyết phát triển làng nghề, động viên và hỗ trợ người dân không ngừng sản xuất, giữ gìn, phát triển nghề truyền thống đan kiềng.

(Nguồn: www.hatinh.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *