Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng hàng xáo Đông Kỷ

Ai đi ra Bắc vào Nam trên Quốc lộ 1A, đều rất ấn tượng về dãy máy xay xát kéo dài dằng dặc, suốt từ Cầu Khe ở phía bắc giáp khu công nghiệp Diễn Hồng đến sát thị tứ Cầu Bùng.

Chợt nhớ đến câu ca truyền miệng: "kẻ Sy đúc cày- ngõ Ngay hàng xáo" là nói về đất và người ở nơi đây. Có lẽ truyền thống đó đã gieo hạt nảy mầm để hôm nay mọc lên cái "đại bản doanh" máy xay xát Đông Kỷ- hàng xáo nức tiếng gần xa.

Nhớ lại buổi đầu đổi mới, khi mà cụm từ "thương trường như chiến trường" còn đang rất xa lạ, chính người dân Đông Kỷ đã tiên phong vào cuộc. Lúc bấy giờ trong xã có đến cả ngàn xe đạp đủ kiểu. Chủ nhân của nó là những nông dân tranh thủ lúc nông nhàn, cũng có cả công nhân nhà nước mất việc phải về tự túc, rồi bộ đội phục viên, TNXP xuất ngũ, cả các cô tú, cậu tú vừa tốt nghiệp phổ thông. Các thầy cô giáo tranh thủ ngày nghỉ lễ. Tất cả hợp thành một đội ngũ đông đảo cứ sáng sáng lại đạp xe rong ruổi kín đường 38. Họ len lỏi khắp ngõ ngách làng quê Yên Thành để mua lúa, rồi hối hả chở về xay xát và bán lại cho thương nhân đi tiêu thụ ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp và các tỉnh ngoài. Dạo ấy làng chưa có điện. Máy xay xát đặt ở vườn nhà, chạy bằng máy nổ Đông Phong. Cái đận ấy xóm làng luôn rậm rịch, nhà ai cũng như có đám, hối hả khẩn trương. Lời lãi cũng chỉ độ nhật, song có cám nuôi lợn, có trấu đun bếp. Cuối năm bán lợn cũng có khoản tích luỹ để dựng nên cơ nghiệp.
Rồi cuộc sống cứ đi lên. Đảng có chủ trương cho dân ra bám mặt đường. Thế là hàng chục, rồi mấy chục ki ốt mọc lên san sát ven quốc lộ 1A như nấm sau mưa. Mô-tơ điện 3 pha thay máy nổ, xe ô tô, xe công nông thay chiếc xe đạp cũ kỹ. Đó là những bước đi đầu tiên khá thuận lợi. Nhưng cuộc sống, chẳng bao giờ chỉ có đi lên. Những năm cuối thập kỷ 90, khủng hoảng tài chính khu vực Châu Á tác động vào nước ta. Đó là cả một thời kỳ giảm phát, trì trệ, hàng hoá dư thừa ế ẩm. Dãy máy xát khi ấy cũng đìu hiu. Đã có người tính chuyện chuyển nghề. Rồi dân Yên Thành cũng sinh khôn. Họ nhận ra nghịch lý rằng: sống trên vựa lúa, cớ sao không đầu tư kinh doanh thóc gạo để cạnh tranh? Từ đối tác họ trở thành đối thủ. Cũng từ trong khó khăn lại mở ra hướng làm ăn mới. Vốn táo bạo và nhạy bén, bà con mình mạnh dạn đi vào phía nam tìm nguồn, thiết lập đối tác mới. Thế là gạo Cần Thơ, Vĩnh Long, Phú Yên cứ kìn kìn chở ra bằng ô tô, tàu hoả. Cả gạo Thái, nếp hương cứ tràn ngập thị trường. Trong "cuộc chiến" không cân sức thì hạt gạo Yên Thành chỉ còn biết tự nguyện làm vệ tinh cho các "hãng" ở Đông Kỷ nữa thôi. Đó có thể coi là cả một chặng đường mò mẫm đi lên không hề đơn giản.

Đến nay, đã trên 20 năm vật lộn trong cuộc chiến mưu sinh đầy sóng gió, đã nếm trải nhiều cay đắng ngọt bùi. Thực tiễn đã thử thách sàng lọc, tạo lập nên được độ bốn, năm chục doanh nhân đủ sức trụ hạng. Họ có cửa hàng, phương tiện, vốn liếng tương đối có thể làm ăn ngang ngửa với bạn hàng. Hầu hết số doanh nhân này còn khá trẻ, cả vợ chồng đều có học vấn, điện thoại di động bấm nhoay nhoáy có thể truy cập thông tin trên mang internet. Họ rất quan tâm đầu tư đổi mới thiết bị: máy xay xát thế hệ mới, máy chọn hạt, máy đánh bóng, máy chế biến thức ăn gia súc. Đặc biệt đã thiết lập được một hệ thống đối tác tin cậy vượt qua nhiều thử thách. Có thể coi đây là một trong những bí quyết của thành công.

Điều đáng quý là tuy đã giàu lên, đã trở thành ông chủ. Song họ vẫn không quên quá khứ, cái thuở hàn vi chưa xa. Vì thế họ đã dìu dắt, hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho một đội ngũ lao động làm thuê- là bà con xóm giềng- đông đảo hàng mấy trăm người có thu nhập ổn định, có cuộc sống ngày càng được cải thiện. Có thể nuôi cha mẹ già, nuôi con ăn học tử tế, còn có tích luỹ để xây nhà vững chãi. Thật đáng mừng biết bao! Làng nghề chế biến lương thực Đông Kỷ đã ra đời và lớn lên như thế. Năm 2007, làng được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề. Đó là niềm vinh dự tự hào, là dấu son trong hành trình vươn tới của quê hương. Song mục tiêu không chỉ là danh tiếng. Vấn đề đặt ra là: Sau danh hiệu làng nghề, thì đội ngũ doanh nhân ở đây có được tiếp sức, có tranh thủ cơ hội để vượt lên hay không ? Và các cấp, các ngành có chung tay vào cuộc hỗ trợ đáp ứng cho nó những yêu cầu khẩn thiết không? Cái cần nhất bây giờ là nguồn điện ổn định để chủ động vận hành máy móc. Rồi sau nữa là công trình thoát nước để đảm bảo vệ sinh. Nghe nói dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng thực tế làng nghề vẫn mỏi mắt chờ trông.

Một thời chưa xa hạt gạo bị xem thường. Đã từng có ý kiến đề xuất nước ta nên chuyển sang sản xuất gạo thơm đại trà để xuất khẩu. Thế rồi đùng một cái, đầu năm 2008, cơn sốt gạo nổ ra. Lại báo động về nạn đói. Khủng hoảng lương thực có quy mô toàn cầu đe doạ sự sống của toàn nhân loại. Khi hạt gạo lên ngôi, làng nghề Đông Kỷ lại trở nên sôi động. Trong cơn sốt gạo vừa qua đã có nhà trúng lớn. Thương trường là vậy. May nhờ, rủi chịu chớ sao! Song điều đáng ghi nhận là hoạt động của làng nghề Đông Kỷ đã hút gạo các nơi đổ về tụ điểm tập kết giao thương. Nó như suối đổ về sông, sông ra biển lớn, phải chăng đã góp phần nhỏ nhanh chóng làm hạ "sốt", bình ổn giá lương thực trong những ngày qua?

Làng nghề Đông Kỷ mới chỉ đi qua một đoạn đường thôi. Sẽ còn nhiều điều để nói. Thành công bền vững dành cho những ai biết chớp thời cơ và biết sống nghĩa tình, giữ gìn chữ tín.

(Nguồn: baonghean.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *