Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng gốm Vĩnh Long

Địa chỉ: Huyện Mang Thít - Thị xã Vĩnh Long - Tỉnh Vĩnh Long

Trong 11 làng nghề “đúng tiêu chí” qui định, Vĩnh Long đã có tới 8 làng gạch ngói- gốm mỹ nghệ. Nhiều nhất ở huyện Mang Thít, rồi đến Long Hồ, thị xã Vĩnh Long.

Nếu làng nghề gạch có đã lâu, thì “vương quốc gốm” nằm vắt bên dòng Cổ Chiên trẻ hơn, chỉ ngoài 20 tuổi. Gốm đỏ Vĩnh Long là kết tinh từ bàn tay lao động cần cù, sáng tạo và nguồn sét đặc trưng vùng châu thổ. Gốm đỏ đã tạo nên làng nghề mới lớn nhanh như thổi, sôi động chưa từng thấy và trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh, với hơn 23.000 lao động.

Đến làng gốm, xa xa đã thấy những làn khói bốc lên. Dọc tỉnh lộ, xe tải đủ loại nằm chờ hàng, công nhân thì tất bật khuân khuân, vác vác. Trong xưởng, thợ in, xu, chà cần mẫn làm việc. Vài nghệ nhân ngồi đăm chiêu “vọc đất”, tìm ý tưởng cho mẫu gốm mới: một nét phá cách, một tác phẩm trừu tượng, hay một thôn nữ miệt sông nước trong trẻo và thánh thiện? Yêu đất, người thợ đến làng nghề gốm đỏ để mưu sinh, để “vượt lên chính mình”, để ở lại đây và để yêu nhau nữa! Sức sống của làng nghề mới bắt đầu từ đây. Anh Sơn- quê Sóc Trăng, đã gắn bó với nghề gốm hơn chục năm nay. Là thợ in, lương 1,8 triệu đồng/tháng, đủ để anh lo cho vợ- cũng là thợ gốm- và con có cuộc sống ổn định. Đời sống người thợ gốm ngày càng được cải thiện bởi những ông chủ “nặng tình” luôn tạo điều kiện tốt nhất cho họ yên tâm làm việc. Có an cư mới lạc nghiệp, những chủ lò như Mười Mai, Năm Vàng, Tư Thạch,... đều cất nhà cho công nhân và gia đình tá túc lâu dài. Doanh nghiệp Nam Hưng nhớ từng ngày sinh của công nhân để tặng quà, món quà nhỏ thôi, nhưng biết bao người cảm động vì “xưa nay chưa từng được ai tặng quà sinh nhật”. Ông chủ lò gốm Năm Vàng còn dự định: “Xây trường mẫu giáo tại làng gốm này phục vụ con em công nhân”.

(Nguồn: Tỉnh Vĩnh Long)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *