Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Làng đáy biển Mỹ Long

Bên bờ hữu ngạn cửa biển Cung Hầu, suốt hơn 15 cây số tiếp giáp với biển Đông, ngày xưa là địa phận của ngôi làng cổ Long Hậu (sau nhiều lần tách nhập, thay đổi nay là địa bàn xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long). Làng Long Hậu xuất hiện vào giai đoạn đầu đời nhà Nguyễn, khi vua Gia Long lên ngôi, trở thành một trong số rất ít thôn làng ở khu vực nay là tỉnh Trà Vinh được ghi danh trong Địa bạ (Sổ ghi chép về đất đai mà triều đình quản lý thiết lập đời Minh Mạng). Ngay vị trí trung tâm làng cổ Long Hậu, có một con đường đất ăn sâu vào đất liền, mà đến thời thuộc pháp được nâng cấp thành hương lộ 23, nối vào tỉnh lộ 35 (nay là quốc lộ 53), để từ đó hòa vào mạng lưới giao thông đường bộ cả nước. Ngã ba hương lộ 23 và cửa biển Cung Hầu là một vị trí chiến lược quan trọng cho toàn bộ khu vực phía nam tỉnh Trà Vinh. Từ đó, có thể dễ dàng khống chế, kiểm soát dọc tuyến sông Cổ Chiên, cửa biển Cung Hầu ra tận khơi xa biển Đông mênh mông sóng nước. Ý thức giá trị của vùng hiểm địa, cha ông ta xưa trên đường mở cõi đã dừng chân tại đây, khai phá rừng hoang thành ruộng lúa, xây dựng quê hương xóm làng trù phú, hình thành một tiền đồn canh phòng cho cương thổ bình an.

Vị trí ngã ba hương lộ 23 với cửa biển Cung Hầu vốn tồn tại một làng nghề truyền thống có thể xếp vào hàng nhất nhì trong tỉnh, xét về mặt qui mô, trình độ tay nghề cũng như sự đóng góp của nó cho tiến trình phát triển chung của cả vùng đất. Đó là làng nghề đáy biển Mỹ Long. Chính xuất phát từ tên làng nghề mà tên đất, tên chợ Bến Đáy (nay là thị trấn Mỹ Long) được hình thành theo. Đáy là tên gọi một loại công cụ - và cũng dùng để gọi luôn một phương thức - đánh bắt thủy hải sản truyền thống trên sông, trên biển của người Việt. Đáy - xét như một công cụ đánh bắt thủy hải sản - bao gồm cả một hệ thống các thiết bị liên kết nhau như cột đáy, rượng đáy, đõi đáy, nèo đáy, miệng đáy, ghe đáy… Cột đáy là hai cây cột (thường là thân cây dừa, cây sao…), cặm cách nhau khoảng 5 – 10 thước, chắn ngang dòng nước. Ngoài biển khơi mênh mông nhưng nước, theo thủy triều, vẫn chảy theo những dòng nhất định gọi là lạch nước. Lạch nước rộng nên hàng chục cột đáy được cặm liên hoàn nhau, gọi là “hàng đáy”. Giữa các cột đáy có cột cố định những cây tre hoặc dây kẽm nằm ngang, cách mặt nước biển chừng 1,5 - 2,5 thước vừa để giữ vững cột đáy, vừa làm phương tiện đi lại trong hàng đáy, gọi là “rượng đáy”. Những sợi dây từ đầu cột đáy căng cố định xuống đáy biển về hai phía trước và sau, có công dụng giữ cho cột đáy đứng vững gọi là “đõi đáy”. Miệng đáy là một loại lưới mắt nhỏ, mở rộng ở miệng và thắt dần ở đuôi, gọi là “lú đáy”. Miệng đáy được cố định vào cột đáy bởi những “nèo đáy”. Các loài thủy hải sản ngoài biển có thói quen di chuyển theo các lạch nước để tìm mồi, và người ta giăng ra những miệng đáy để đánh bắt chúng, gọi là “đóng đáy”. Ghe chuyên nghề đóng đáy gọi là “ghe đáy”. Những chủ nhân của những hàng đáy ngoài khơi gọi là “chủ đáy” và trai tráng nghèo làng biển chuyên ra khơi đóng đáy mướn gọi là “bạn đáy”…

 

Nghề đóng đáy xuất hiện ở làng biển Mỹ Long từ khi người Việt đặt chân đến đây. Đó là những cư dân quê gốc vùng Nam Trung bộ như Phú Yên, Khánh Hòa,Phan Thiết… với nghề “đáy sông Cầu” truyền thống khá nổi tiếng. Do họ di cư vào Nam trên những chiếc ghe bầu nên được người dân địa phương gọi luôn tên kèm theo chữ “Bầu” - Bầu Rộc, Bầu Rẫy… Nghề đáy sông Cầu của các “Bầu” trên đất Mỹ Long quanh quẩn bên cửa biển Cung Hầu nhiều chục năm vì chỉ sử dụng ghe chèo. Mãi đến thập niên 1870, “kiến họ” Cao do cụ Cao Văn Huyền từ Bến Tre sang, mang theo kỹ thuật đi buồm, đã chắp cánh cho nghề đáy Mỹ Long vươn ra khơi - Nắm gió hơn bó chèo!. Đáy sông Cầu nhanh chóng chuyển thành đáy hàng khơi với những loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế hơn - Muốn ăn cá rựa bình thiên/ cưới con Cả Huyền đóng đáy hàng khơi. Đây quả là “cuộc cách mạng” trong nghề đóng đáy Mỹ Long, giúp cho làng đáy biển phát triển rầm rộ. Hàng chục, rồi hàng trăm “hàng đáy” mọc lên ngoài khơi, vây kín các cửa biển từ Cổ Chiên, qua Cung Hầu, xuống Định An… mà chủ nhân của nó vốn là các chủ ghe đáy sông Cầu nhỏ bé ngày xưa. Nghề đáy phát triển kéo theo các nghề dịch vụ khác như đóng ghe, làm buồm, nuôi tằm dệt lưới, còn nghề nuôi tầm dệt vải mới xuất hiện trong thời kháng Pháp, mua bán cá (gọi là rỗi)… Nghe danh, dân thương hồ từ Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn… tìm đến “ăn hàng”. Trước nhu cầu đó, ông Cao Văn Thuyền - con trai cụ Cao Văn Huyền - dựng chợ Bến Đáy mang tên chợ “Việt Cao”, như một chợ đầu mối thủy hải sản liên tỉnh duy nhất ở khu vực Trà Vinh mọc lên từ đầu thế kỷ XX.

 

Nhớ ơn người đi trước, ngư dân làng biển Mỹ Long suy tôn cụ Cao Văn Huyền như bậc tiên hiền. Sau khi cụ mất, dân làng đưa bài vị vào phối tự bên cạnh bài vị đức ông Nam Hải (cá voi).

 

Mức độ phát triển của làng đáy biển Mỹ Long và trình độ đi biển của trai biển Mỹ Long đạt đến mức hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào thập niên 1930, 1940. Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, theo chỉ thị của Tỉnh ủy Trà Vinh, Phó Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang Trần Long Chu đã về Bến Đáy vận động ngư dân cho mượn ghe, tổ chức đoàn tàu ra Côn Đảo đón tù chính trị về đất liền. Chỉ trong thời gian ngắn, bà con đã hiến hơn 20 ghe, với tổng trọng tải gần 300 tấn cùng hàng chục thủy thủ vốn là những chàng trai “bạn đáy”. Đây chính là cơ sở vật lực, nhân lực ban đầu để hình thành Chi đội 14 bộ đội Hàng hải Nam bộ - một trong những đơn vị tiền thân của Hải quân Việt Nam ngày nay. Trên một chuyến tàu của Chi đội 14, ông Trần Long Chu cùng 7 chiến sĩ gốc dân Mỹ Long đã anh dũng chiến đấu và dìm chiếc tàu chỉ huy Capitant cùng một trung đội lính thủy đánh bộ Pháp xuống lòng biển Bình Đại. Cũng trên một chuyến ghe đi biển khác của làng đáy biển Mỹ Long, bà Cao Thị Trà (cháu nội cụ Cao Văn Huyền) chở gạo ra Bắc cứu đói, không may bị bão đánh giạt tận Mã Lai. Không biết một chữ ngoại ngữ, bà vẫn khôn khéo cùng thủy thủ đấu tranh để nhà chức trách sở tại trả tự do tại vùng biển quốc tế thay vì trao trả cho chính quyền Sài Gòn.

 

 Nghề đáy biển và làng đáy biển Mỹ Long tiếp tục phát triển mạnh mẽ vào thập niên 1960, 1970 khi các loại thủy động cơ được ồ ạt nhập về thay cho sức gió, sức chèo; đồng thời kỹ thuật đóng ghe biển do có sự giao lưu với các nước lân cận như Thái Lan, Philippine… nên vươn ra xa hơn phía ngoài trùng dương. Những hàng đáy hàng khơi được ngư dân Mỹ Long cắm ngoài khơi hơn những hàng đáy hàng khơi vài thập niên trước. Như vậy, thuật ngữ ra khơi, vào lộng của ngư dân Mỹ Long cũng thay đổi theo khi con người buông mái chèo, hạ cột buồm để thay vào đó sức đẩy của các loại thủy động cơ. Đi xa khơi hơn, đến với nhiều cửa biển khác khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, dân làng đáy biển Mỹ Long đã “khai sinh” thêm nhiều xóm đáy khác làm nơi tạm dừng chân, tùy theo mùa biển. Gần thì có xóm Động Cao, Định An… xa thì có xóm Bãi Giá, Gành Hào, Đá Bạc, Rạch Sỏi… Thuở đó, đáy hàng khơi gần như là nhãn hiệu độc quyền của ngư dân làng biển Mỹ Long, dù đang trên ngư trường biển Đông hay biển Tây Tổ quốc. Đến những năm 1980, khi Nhà nước hợp tác hóa nghề đáy biển Mỹ Long, có một số “bạn biển” từ Cà Mau, Rạch Giá, Tiền Giang… lẩn lộn về học nghề, dần dần đáy hàng khơi không còn là ưu thế độc quyền của làng biển này.

 

 Nghề đi biển nhiều rủi may, như hầu hết các làng biển trong cả nước, nhất là từ các tỉnh ven biển Trung bộ trở vào, ngư dân làng biển Mỹ Long rất tin vào các thế lực siêu nhiên vốn ẩn khuất đâu đó trong từng gốc cây bụi cỏ, trong từng đầu sóng ngọn gió nơi cuối bãi đầu gành. Tín ngưỡng thờ mẫu và thờ cá voi (đức ông Nam Hải) tồn tại khá phổ biến ở đây. Riêng tín ngưỡng thờ mẫu, ngoài bà Chúa Xứ còn có bà Cố Hỷ, bà Chúa Động… Ngôi miễu thờ bà Chúa Xứ tại trung tâm thị trấn Mỹ Long cũng chính là nơi thờ bài vị đức ông Nam Hải. Hàng năm, vào những ngày 10 - 12/5 âm lịch, tại cơ sở tín ngưỡng này diễn ra ngày hội Cúng biển Mỹ Long (một hình thức lễ hội Nghinh ông) - một lễ hội dân gian qui mô lớn không chỉ của giới đi biển địa phương mà còn là của cộng đồng các dân tộc tỉnh Trà Vinh.

 

 Những thập niên gần đây, nguồn lợi thủy sản ven bờ đứng trước nguy cơ cạn kiệt dần, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề đáy biển và đời sống làng biển Mỹ Long. Tuy nói là “hàng khơi” nhưng thực chất đáy hàng khơi cũng là loại hình khai thác thủy sản ven bờ bằng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ. Đã có một bộ phận ngư dân ở đây chuyển sang đóng tàu công suất lớn, mua sắm các ngư cụ đánh bắt xa bờ như lưới vây, lưới quàng, cào… Nhưng khai thác biển kiểu này không là thế mạnh của ngư dân Mỹ Long. Hạn chế về kinh nghiệm, tay nghề, vốn liếng khiến cho phần đông trong số đội tàu đánh bắt xa bờ của địa phương lâm vào cảnh làm ăn không hiệu quả. Nghề biển Mỹ Long dần khó khăn.

(Nguồn: travinh.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *