Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Đọi Tam - làng trống ngàn tuổi

Giữa vùng đồng bằng sông Hồng, núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tuy không cao nhưng từ xưa đã nhiều người biết đến. Trước khi Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông về đây xây dựng chùa Long Đọi Sơn (1118), làng trống Đọi Tam dưới chân núi đã có trên hai trăm năm.

Giữa vùng đồng bằng sông Hồng, núi Đọi thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tuy không cao nhưng từ xưa đã nhiều người biết đến. Trước khi Thái hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông về đây xây dựng chùa Long Đọi Sơn (1118), làng trống Đọi Tam dưới chân núi đã có trên hai trăm năm.

Gõ trống mừng vua

Không hiểu sao lại có sự ăn khớp giữa thiên nhiên và cuộc sống con người đến thế giữa dãy núi Đọi ba ngọn. Dù có ba làng Đọi trong xã Đọi Sơn nhưng Đọi Nhất, Đọi Nhị không có nghề làm trống mà duy chỉ có làng Đọi Tam. Làng Đọi Tam nằm ở phía Tây Bắc chân núi Đọi. Giữa làng nay vẫn còn ngôi đình cổ. Đình thờ thành hoàng làng là hai ông tổ nghề. Ông Đinh Văn Bục - thủ nhang đình cho hay: “Một ngày nọ, cách nay hơn 1.000 năm, có hai anh em húy là Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản (có người cho là Đạt) khi đi qua làng Đọi Tam thấy vùng này có nhiều cây mít gỗ đẹp, quả mít chín thơm lừng, gỗ mít vàng ươm lại không bị mọt, hai anh em liền quyết định chọn nơi này làm chốn định cư để hành nghề".

Ông Bục cũng kể rằng: Khi vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông (năm 986), cụ Năng và cụ Bản đã tự tay làm một cái trống to để đón vua. Tương truyền vì tiếng trống vang như sấm rền nên về sau hai ông được dân làng tôn là Trạng Sấm. Ông Bục cũng kể rằng: Trong buổi tịch điền, vua có cày thi với Trạng Sấm (cụ Năng được phong là Trạng Sấm nhưng cả hai anh em đều được thờ làm thành hoàng làng). Kết quả là vua thua. Vì thế nên vua đã tác thành cho Trạng Sấm lấy người con gái đẹp làng Tiên Phong gần đó.

Các cụ trong làng trống Đọi Tam còn truyền tụng nhau một câu chuyện gõ trống mừng vua nữa. Đó là lần vua Lý Thái Tổ dời đô từ từ Hoa Lư về Đại La. Tương truyền khi đoàn thuyền rồng rẽ từ sông Đáy vào sông Châu để thông ra sông Cái (Sông Hồng) đến đoạn uốn lượn ở dưới chân núi Đọi thì dân làng Đọi Tam mang trống ra gõ mừng. Vua lấy làm hài lòng bèn cho một số thợ làng Đọi Tam đi theo về lập kinh đô mới. Có thể phố Hàng Trống ở kinh thành Thăng long, nay là thủ đô Hà Nội được lập từ thời đó chăng?

Đến nay, trải qua hàng ngàn năm, người dân Đọi Tam vẫn lưu giữ và làm giàu thêm vốn nghề truyền thống của tổ tiên. Tháng 10 năm 2004, tỉnh Hà Nam cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống tiểu thủ công cho làng trống Đọi Tam. Tháng 11 năm 2007, làng trống Đọi Tam được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao Bằng khen “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam”.

Tiếp nối các nghệ nhân Đọi Tam khi xưa, dù ở làng hay đi lập nghiệp phương xa đều giữ lấy nghề tổ nên nhiều người dân Thủ đô có thể đều biết tiếng cơ sở làm trống của nghệ nhân Phạm Chí Tịnh tại phố Hàng Nón - một người con của làng trống Đọi Tam.

Tinh xảo nghề trống Đọi Tam

Đến Đọi Tam vào một ngày đầu hè, thi thoảng ta lại nghe thấy tiếng xẻ gỗ ở một xưởng chuyên làm trống. Ghé thăm xưởng của nghệ nhân Thanh Hùng ở xóm 4, làng Đọi Tam, ngay sát chân núi Đọi, chúng tôi thấy cả nhà anh đang xoay trần ra kẻ xẻ, người chuốt những thanh gỗ mít vàng ươm. Vợ anh một mình đang "pha" những những súc gỗ mít đã cắt đoạn thành những mảnh dăm. Còn anh Hùng thì làm công đoạn chuốt dăm. Anh Hùng cho biết: "Tùy theo kích cỡ trống mà định ra bao nhiêu dăm. Độ cong và độ dẻo của dăm cũng được tính toán kỹ để khi ghép thành tang trống thì vừa khít". Ngoài ra, để cho tang trống thật kín, những người thợ Đọi Tam còn dùng sơn ta miết vào các khe. Cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn. Anh Hùng cho biết: "Hiện cả làng có 14 cơ sở sản xuất khung trống, 13 cơ sở sản xuất da trâu, trên 10 cơ sở làm hoàn chỉnh trống".

Ông Bục nói: "Trẻ con ở làng Đọi Tam, lên 10 tuổi đã có thể biết sơ lược về cách làm trống. Nhiều em học sinh cấp 2, cấp 3 ngoài giờ đến lớp còn ở nhà giúp gia đình làm rất nhiều loại trống: Trống đế chèo, trống đình, trống trường học… với đường kính từ 20cm cho tới 2m. Thu nhập từ làm trống của các em và một số thợ trung bình ở các xưởng sản xuất đạt từ 1.000.000 đến 1.500.000 đ/tháng”.

(Nguồn: hanam.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *