Làng nghề & Sản phẩm ĐP

Chạm rồng ở Phù khê

Xã Phù Khê (TX Từ Sơn) được thành lập từ thời An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thịnh vượng đến đời Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Triều đình có nhu cầu xây dựng cung điện, thành quách nên đã tuyển chọn những nghệ nhân tài hoa Phù Khê về chạm khắc rồng trong cung điện, lăng tẩm của vua, tượng trưng cho quyền lực tối cao, sau này rồng còn được chạm khắc trong nhiều đình, miếu và cả đồ thờ cúng tổ tiên.

Theo các nhà nghiên cứu, đỉnh cao của nghệ thuật chạm rồng được chia thành 3 thời kỳ gắn với 3 triều đại phong kiến tiêu biểu: Con rồng thời Lý khỏe mạnh, đầu nhọn hơi uốn khúc. Ở thời kỳ này, con rồng được tưởng tượng ra từ con rắn, có thế mạnh mẽ của rắn thần. Con rồng thời Trần phát triển từ con rồng thời Lý, có thêm tóc bờm, sừng có vây... và các thế uốn lượn linh hoạt. Đến con rồng thời Nguyễn lại là sự tổng hợp của hai con rồng trước nên oai linh, uyển chuyển hơn với nhiều thế ẩn hiện trong mây gió. Ở thời kỳ nào, triều đại nào cũng có người thợ chạm Phù Khê vác chàng đục đi khắp nơi để lại dấu ấn rồng thiêng.

Qua ngàn năm lưu truyền, giữ gìn và phát triển, tác phẩm chạm khắc của người làng Phù Khê không chỉ hiện diện trong những công trình kiến trúc Việt Nam, trên bàn thờ tổ tiên người Việt mà đồ gỗ Phù Khê còn rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng nhất là hình tượng con rồng qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân còn chiếm được cảm tình của người Trung Quốc khó tính. Phù Khê nhờ có nghề chạm khắc gỗ không chỉ tạo kinh tế phát triển mà còn thu hút được sức lao động tại chỗ. Nghề chạm rồng, làm đồ mỹ nghệ ở Phù Khê luôn được khuyến khích phát triển. Các nghệ nhân nơi đây sẵn sàng truyền nghề cho tất cả những ai có tâm huyết với nghề này. Trong đó phải kể tới nghệ nhân Nguyễn Kim vì có nhiều công sức vực dậy và đưa nghề chạm rồng Phù Khê thăng hoa, phát triển.

Ông Kim mầy mò đi khắp nơi, sang Trung Quốc học hỏi trở về truyền dạy cho hàng trăm học trò thành tài đam mê nghề Tổ chạm rồng. Nhờ việc đầu tư, tìm kiếm thị trường, thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu khách hàng mà sản phẩm mỹ nghệ Phù Khê rất ăn khách. Đến nay, thị trường sản phẩm mỹ nghệ Phù Khê đã trải rộng khắp mọi miền đất nước và được nhiều nước trên thế giới biết đến. Hiện nay làng Phù Khê hơn 400 thợ có tay nghề. Để bảo tồn nghề, hàng năm, vào đúng hội làng 12 tháng Giêng, trai tráng trong làng háo hức tụ họp ở sân đình thi tài.

Cùng với việc gìn giữ, để lại những giá trị văn hóa lâu dài trên quê hương, đất nước, những người thợ chạm Phù Khê đang thiết thực làm giàu hơn, đẹp hơn quê hương của họ. Con rồng người thợ Phù Khê chạm khắc trên gỗ nay đã và đang trở thành con rồng hiện hữu, biểu tượng cho sự giàu có, trù phú của một làng quê. Từ những khúc gỗ sần sùi, thô ráp được trai làng Phù Khê đục, tỉa, gọt, nạo để tạo ra những pho tượng, bức tranh mỹ nghệ đẹp mê hồn.

Theo thống kê, toàn xã có 4 công ty và hơn 80% dân số địa phương tham gia phát triển kinh tế từ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Ông Nguyễn Mạnh tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề truyền thống, chúng tôi thường xuyên quan tâm tạo điều kiện về thủ tục giúp nhân dân vay vốn từ các Ngân hàng, tổ chức tín dụng hàng chục tỷ đồng thông qua các Hội Nông dân, Phụ nữ… giúp các hội viên có vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm.

(Nguồn: bacninh.gov.vn) 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *