Góc lữ hành

Việt Nam, 4 cực và 1 đỉnh

Xin trích một đoạn trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm để làm lời dẫn cho bút ký: Việt Nam, 4 cực và một đỉnh.

“...Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho đất nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha...”

CẢM XÚC APA-CHẢI

Chặng đường hơn 800km từ Hà Nội không phải là quá dài đối với một người yêu thích đi du lịch. Tuy nhiên, không phải người Việt nào, không phải du khách nào cũng có cơ hội chinh phục được điểm cực Tây thiêng liêng này, mốc không số Apa-Chải. Với tôi, chuyến đi chinh phục cực Tây Tổ quốc luôn là một mốc đáng ghi nhớ nhất trong số những chuyến đi của cuộc đời.

Đường xuân Tây Bắc

Chuyến đi Apa-Chải khởi điểm đơn giản là một chuyến du xuân sớm của vài người bạn. Đoàn chúng tôi có bốn người, hai người là phóng viên từ TP. Hồ Chí Minh ra Bắc chơi xuân, hai người từ Hà Nội, trong đó có một người là cựu chiến binh từng chiến đấu trên mảnh đất địa đầu Tây Bắc này.

Khởi hành từ Hà Nội vào sáng mùng 4 Tết trên chiếc xe Innova thuê của một công ty du lịch, chúng tôi khởi hành sớm với hy vọng có thể ngắm những cánh rừng đào đỏ rực triền núi và khám phá những nét văn hóa vô cùng hấp dẫn của người dân vùng cao Tây Bắc vào "mùa Tết". Suốt dẻo Tây Bắc từ Hòa Bình lên Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đâu đâu cũng có sự hiện diện của đồng bào người Thái trắng, người Mông. Chính bản sắc văn hóa vô cùng đặc sắc của hai cộng đồng này làm cho bức tranh Tây Bắc trở nên hấp dẫn. Người Mông, Thái có rất nhiều lễ hội nối tiếp nhau kéo dài chừng 2 tháng từ trước cho đến sau Tết Nguyên đán. Cũng chính vì vậy mới gọi mùa này là "mùa Tết".

Chuyến đi của chúng tôi chọn đúng mùa tươi đẹp nhất của núi rừng Tây Bắc. Qua đèo Thung Khe tiến đến thung lũng Mai Châu, theo quốc lộ 6 lên Mộc Châu, xe chạy giữa rừng đào, rừng mận, vừa qua một cánh rừng đào hồng rực thì lại nối ngay với một sườn đồi trắng toát hoa mận sớm, hoa đào hoa mận cứ nối liền từ triền núi này sang đỉnh núi kia, những sườn núi dốc đỏ rực sắc đào xen giữa những bản làng người Mông bảng lảng khói sương. Những đứa trẻ xúng xính váy áo chơi đùa dưới bóng hoa đào, hoa mận. Trai gái từng nhóm chia làm hai đội ném đàu pao, tung còn, tán chuyện, làm quen... Mùa xuân Tây Bắc như muốn níu giữ chúng tôi lại trên đường. Anh lái xe thúc giục vì lo lắng cho chặng qua đèo Pha Đin huyền thoại kỵ nhất là lúc tối trời.

 

Apa-Chải, mốc cực Tây ngã ba biên giới

Chúng tôi đến đồn biên phòng 317 khi trời đã tối với chặng đường Điện Biên – Mường Nhé hơn 200km không mấy vất vả dù phải vượt qua mấy con ngầm đá hộc. Nhưng chặng đường từ Mường Nhé lên Apa-Chải chỉ 80km khiến chúng tôi vật lộn mất nguyên một ngày với những cú trượt dốc, đổ đèo, sa lầy trong bùn nhão của con đường đất sét mà chỉ cần một chút nước cũng có thể biến mặt đường thành bãi ruộng lầy, nếu không phải nhờ chiếc xe Uazt mà chúng tôi mới mượn được chắc chắn hành trình đã không thể thực hiện.

Cột mốc không số Apa-Chải, mới chỉ nghe nhắc cái tên đã khiến cho tâm trạng của một người thích lang bạt như tôi thấy rộn ràng cảm xúc. Apa-Chải không đơn giản là nơi có cột mốc ngã ba biên giới, cũng không đơn giản là điểm mốc cực Tây thân yêu của Tổ quốc mà đây là nơi mà bất cứ ai muốn đứng bên cạnh nó sẽ phải vượt qua chính bản thân mình. Chinh phục chặng 8km leo núi từ đồn biên phòng 317 lên đến cột mốc không số, nơi đánh dấu điểm cực xa nhất về phía Tây Tổ quốc là cả một câu chuyện dài mà như một người bạn trong đoàn chia sẻ: “Kể cả những người đã từng chinh phục nóc nhà Đông Dương cao hơn 3400m - Fanxipan cũng sẽ phải sờn lòng”. Vượt qua chặng đường leo núi với những vách đá có độ dốc nghiêng như dán vào mặt, những rừng cỏ tranh cao lút đầu người, lá cỏ sắc lẹm cứa vào tay, vào mặt đau rát, đôi khi ứa máu; vượt qua cao độ 1400m, chúng tôi bắt đầu chinh phục rừng già với những con đường ngập trong lá mục. Để rồi khi vượt lên trên một con dốc đứng, khi ánh mắt bất chợt thoát ra khỏi những tán lá rừng ken dày che lấp bầu trời, cô bạn trong đoàn thảng thốt reo lên khi trước mặt là một cột mốc xây bằng đá hoa cương sừng sững trên một chân đế cũng bằng đá hoa cương hình bát giác. "Mốc Apa-Chải đây rồi...".

Mốc không số Apa-Chải là cột mốc duy nhất trên khắp chiều dài biên giới nước ta không đánh số. Cột mốc đẹp nhất Đông Dương này được xây bằng đá hoa cương với ba mặt đánh dấu điểm ngã ba biên giới ba nước: Việt Nam – Lào – Trung Quốc vào năm 2005, nằm ở độ cao 1864m so với mặt nước biển, cách bản Tá Miếu, bản người Hà Nhì ở xa nhất về phía Tây Tổ quốc chừng 6km theo đường chim bay. 

 

CỰC BẮC LŨNG CÚ – NƠI ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC

Cách TP. Hà Giang khoảng 200km về phía Bắc, Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng rộng lớn với điệp trùng núi đá và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Đồng Văn còn là vùng đất nằm trên đỉnh chóp nón của bản đồ Việt Nam với điểm cực Bắc và cột cờ Lũng Cú hiên ngang sừng sững một góc trời - nơi đánh dấu điểm địa đầu Tổ quốc.

Cao nguyên đá Đồng Văn - Điểm đến đậm sắc màu văn hóa

Xuôi theo quốc lộ 4C, qua thị trấn Tam Sơn (huyện Quảng Ba) rồi vượt dốc 7 tầng đến thị trấn Yên Minh, qua xã Phố Cáo với một con đèo ngắn là chúng ta đã đặt những bước chân đầu tiên lên vùng trung tâm của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Xã Sủng Là là điểm đến đầu tiên của huyện Đồng Văn với những cánh đồng hoa tam giác mạch phớt tím trải dài bên hông những ngôi nhà trình tường nhỏ nhắn. Phía sau rặng sa mu là những cánh đồng trồng ngô, trồng cải bám vào chân núi và một thung lũng hoa hồng như tô điểm thêm sắc màu tươi thắm cho một vùng bốn bề núi đá.

Qua Sủng Là chỉ chừng hơn 20km ta bắt gặp những con đường men theo sườn núi như những dải lụa mềm vắt ngang lên bức tường thành đá chắn giữ biên cương, những con đường uốn lượn làm cho vách núi đá trở nên mềm mại và thơ mộng hơn đối với những tâm hồn nhạy cảm. Khu di tích nhà Vương (khu dinh thự của Vương Chí Sình) nằm giữa một khu đất cao dưới thung lũng Sà Phìn như chiếc mai rùa khổng lồ trải qua hơn 100 năm vẫn còn đó vững vàng cùng cao nguyên đá.

Con đèo Mã Pí Lèng huyền thoại thấm biết bao nhiêu máu và nước mắt của những con người mở đường uốn lượn ngang lưng núi soi bóng xuống dòng Nho Quế xanh thăm thẳm. Nếu ai từng một lần đứng trên khúc cua nơi có tấm bia ghi dấu sự hy sinh của những người mở đường mà phóng mắt nhìn về bốn bề sông núi mới thấy: mây, núi và dòng sông như quyện vào nhau trong không gian xanh hút mắt.

Đồng Văn nổi tiếng bởi những phiên chợ vùng cao đặc trưng. Những chợ phiên Phố Cáo, Ma Lé, Sà Phìn, Lũng Táo, Đồng Văn... nhộn nhịp với những cô gái trẻ váy áo rộn ràng đầy màu sắc, những cô bé người Mông với que kem nhiều màu trên tay cười ngặt nghẽo, những bàn thắng cố tỏa khói nghi ngút và bát rượu ngô thơm nồng, những người phụ nữ thử thuốc lào ngả nghiêng say giữa chợ... Tất cả những sắc màu văn hóa tươi đẹp nhất của cuộc sống vùng cao hiện hữu trong buổi chợ phiên như muốn níu giữ chân du khách.

Cột cờ Lũng Cú và cột mốc 422

Từ thung lũng Sà Phìn đi theo đường Lũng Táo chỉ chừng hơn 20km hoặc cũng có thể đi theo hướng từ thị trấn Đồng Văn rẽ qua Ma Lé khoảng 12km, chúng ta sẽ đến với xã Lũng Cú - xã địa đầu Tổ quốc với cột cờ Lũng Cú sừng sững.

Tuy nhiên, cột cờ Lũng Cú không phải là điểm cực xa nhất về phía Bắc của Tổ quốc. Điểm mốc cực Bắc thật sự của Việt Nam là cột mốc số 422, nằm ngay giữa bản Séo Lủng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), trên đường kinh tuyến 105 độ Đông, 23 độ 22 phút vĩ độ Bắc, cách 3km về hướng Bắc so với vị trí cột cờ Lũng Cú theo đường chim bay. Séo Lủng là một bản người dân tộc Mông, cũng chính là nơi dòng sông Nho Quế bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam.

VƯỢT SA MẠC CÁT, CHÒNG CHÀNH KHÁM PHÁ CỰC ĐÔNG

Đi bộ vượt sa mạc cát bỏng rát khiến cho đôi bàn chân sưng đỏ. Ngồi chênh vênh trên con thuyền thúng bé xíu giữa biển khơi bao la. Đó là những trải nghiệm trong chuyến đi khám phá hai điểm cực Đông trên bộ của Tổ quốc: hải đăng Đại Lãnh (Phú Yên) và Mũi Đôi (Khánh Hòa).

Từ một hành trình xuyên Việt

Chúng tôi khởi hành từ Hà Nội trong một chuyến xe máy độc hành xuyên Việt với mục tiêu chinh phục chiều dài đất nước và hoàn thành tâm nguyện chinh phục nốt hai điểm cực Đông và cực Nam Tổ quốc.

Đến Nha Trang vào một buổi chiều chưa muộn, sau một ngày nắng cháy trên đường quốc lộ, chúng tôi nghỉ sớm dưỡng sức cho chuyến chinh phục điểm cực được coi là gian nan nhất trong các điểm cực của Việt Nam. 6h sáng, chúng tôi xuất phát từ TP. Nha Trang theo quốc lộ 1A với hành trình dự kiến đi lên Mũi Đôi (Khánh Hòa) và Đại Lãnh (Phú Yên).

Từ Đầm Môn, bán đảo Hòn Gốm chúng tôi tìm người giúp đỡ dẫn đường ra Mũi Đôi, nơi được xem là cực Đông trên đất liền của Việt Nam. Theo tư vấn của một "phượt gia" đã từng đến cực Đông, tôi hỏi thuê thuyền đánh cá ở bãi Hòn Gầm và hẹn xuất phát vào sáng sớm qua mũi Hòn Ngang rồi đến Mũi Đôi. Sau khi thỏa thuận xong, chúng tôi về nghỉ ngơi tại trạm hải đăng Đại Lãnh (xã Hòa Tâm, Đông Hòa, Phú Yên) và hồi hộp chờ đón ánh bình minh nơi điểm địa đầu cực Đông đầy nắng và gió biển này.

5h sáng, cả nhóm ba người có mặt trên ngọn tháp đèn có cao độ 110m để hồi hộp đợi bình minh lên khi phía Đông có nhiều mây che phủ. Bình minh Đại Lãnh rực đỏ xuyên qua màn sương mù trên biển rồi đổ dài trên bãi cát, nước nhuốm sắc mặt trời lóng lánh với những con sóng nhẹ vỗ vào bờ đá dựng. Dòng suối nước ngọt như con trăn dài trườn mình trên bãi cát tưới mát cho cả một vùng sa mạc Bãi Môn.

6h sáng, chúng tôi nghỉ ngơi một chút sau khi đã thỏa mãn với những bức ảnh bình minh rực rỡ trên biển Đại Lãnh. Chúng tôi tiếp tục hành trình vượt hai ngọn đèo, đèo Cả và đèo Cổ Mã để kịp giờ hẹn lên thuyền ra Mũi Đôi. Đúng 7g30, chúng tôi có mặt tại điểm hẹn để lên thuyền. Tuy nhiên, gió lớn và chặng đường có nhiều đá ngầm nên thuyền không thể ra khơi. Anh bạn tên Hoàng gợi ý cả nhóm xuất phát về phía Đông, vượt sa mạc cát, quyết tâm thực hiện thành công hành trình chinh phục này.

"Chòng chành" khám phá Mũi Đôi

Chặng đường gian khổ bắt đầu khi cả một sa mạc cát mênh mông không thấy đâu là điểm cuối hiện ra trước mắt. Mới 9h sáng mà trời đã chang chang nắng khiến mặt cát bỏng rát, những đôi giầy vải dường như quá mỏng trước cái nóng như rang của những đồi cát dài như bất tận. Cả nhóm dừng lại một chút trước khi vượt đồi, xuyên qua những rừng cây chỉ có ở vùng ven biển mà chúng tôi không biết gọi tên. Tất cả mệt nhoài ngồi bệt xuống để tự xoa bóp cho hai bàn chân đã bỏng rát khi nhìn thấy bãi Na - một bãi biển xanh dài tuyệt đẹp và mát vô cùng. Sau khi kiểm tra lại bản đồ và GPS, chúng tôi quyết định đi tiếp về cuối bãi cát và leo qua các mỏm đá lởm chởm dọc bờ biển về phía Đông để chinh phục nốt quãng đường chỉ chừng hơn cây số theo GPS là đến cực Đông.

Đến Mũi Na, đi thêm được một đoạn, chúng tôi gặp một eo biển rộng (tên địa phương gọi là Sủng Ớt) rồi qua Sở Lưới Đăng. Nhìn thấy có hai chiếc thuyền thúng của một ngư dân đang đậu bên bãi, chúng tôi quyết định rẽ xuống nhờ đi nốt hành trình bằng phương tiện mới này. Ngồi trên cái thúng nhỏ đường kính chỉ chừng hơn 1m do một ngư dân điều khiển, chúng tôi trôi nổi bồng bềnh như đám phù du giữa trùng khơi sóng gió. Chỉ chừng 20 phút dập dềnh lắc lư giữa một bên là sóng biển mênh mông, một bên là những bãi đá lởm chởm chỗ nổi chỗ chìm để đến được điểm đích cuối cùng. Nghe thì đơn giản nhưng thực sự đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị và không kém phần nguy hiểm. Chiếc thuyền bé xíu như một chấm nhỏ giữa biển đã lắc chúng tôi khiến cho cả mấy anh em đều say sóng ngất ngư.

Chúng tôi kéo thuyền lên một hòn đá nhô ra biển, nơi có cắm ba cột cờ để làm tiêu cho dân đi biển vào tránh gió và lấy nước ngọt, len lỏi, trèo qua những vách đá dựng, rồi chui xuống một cái khe hẹp dưới tảng đá to, thế là qua được bên kia phía ghềnh đá sát mép nước. Đi thêm vài chục mét, qua một hốc đá lớn, chúng tôi thấy một hòn đảo nhỏ xíu hiện ra trước mắt. Vội vàng mở GPS, tôi mừng rỡ sững sờ khi biết trước mặt mình chính là điểm cực Đông Tổ quốc.

THĂM CỰC NAM TỔ QUỐC

Len lỏi giữa những khu rừng ngập nước trên chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu, đi theo những luồng lạch chằng chịt như mạng nhện để rồi bất chợt đổ ào ra cửa biển mênh mông. Đó là những trải nghiệm thú vị khi tôi đến với điểm cực Nam xa xôi của Tổ quốc, ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Hành trình 6 tỉnh miền Tây

Theo quốc lộ 1, từ TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi xuôi về TP. Mỹ Tho, rẽ theo hướng Sa Đéc, Cao Lãnh và nghỉ đêm tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Sáng ngày thứ hai của hành trình vềmiền Tây, chúng tôi chạy về thị xã Châu Đốc thăm một người bạn vốn là một nhiếp ảnh gia, ghé thăm phiên chợ của những người Chăm theo đạo Hồi, với những người phụ nữ đi chợ lấy khăn trùm đầu che mặt (mà trước kia tôi nghĩ chỉ có ở các nước Trung Đông) rồi thăm thêm những ngôi làng toàn nhà sàn nằm ngay trên vùng đất khô đầu thị xã. Sở dĩ có nhà sàn bởi vì ở đây vào tháng 10 mùa nước nổi, nước sông sẽ dâng lên trắng cả vùng, lúc đó bà con trong xóm thường đi lại bằng thuyền, nước sẽ ngập hết những chân nhà sàn chừng hơn 1m.

Chia tay anh bạn nhiếp ảnh, chúng tôi tiếp tục hành trình dọc theo đường kênh Vĩnh Tế. Hai chúng tôi nghỉ ngơi đôi chút rồi tiếp tục chặng đường 200km về TP. Cà Mau.

Về Đất Mũi, thăm cực Nam Tổ quốc

Đến Cà Mau, chúng tôi dừng tham quan mốc cực Nam Tổ quốc, đây là một tượng đài hình chiếc thuyền buồm xây bằng bê tông tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Tuy nhiên, cũng giống như điểm cực Bắc của Tổ quốc, cột cờ Lũng Cú không phải là điểm cực thực sự trên đường biên giới mà chỉ là điểm đánh dấu lãnh thổ và khẳng định chủ quyền đất nước, điểm mốc thực sự của cực Nam còn cách chúng tôi một chặng khá xa.

Sau khi len lỏi giữa sông rạch chằng chịt trên một chiếc xuồng ba lá (xuồng vỏ lãi), chúng tôi đến cửa biển xóm Dẫy và bắt đầu tiến ra biển Đông thẳng hướng cực Nam Tổ quốc. Sóng lớn gây khó khăn và không an toàn cho chiếc xuồng vỏ lãi bé nhỏ, chúng tôi quyết định tiếp cận điểm cực này theo một hướng khác từ đất liền, thay vì đổ bộ vào điểm cực từ phía biển. Chiếc vỏ lãi vòng lại và chui qua một cây cầu đã được gác dầm, mượn đường của khu du lịch Lý Thanh Long để ra bờ biển. Tiếp tục quốc bộ hơn 3km trên bãi cát vàng uốn lượn dọc bờ biển Khai Long, nơi được đảo Hòn Khoai che chắn, đôi chân mỏi mệt như khỏe dần lên sau mỗi mét đường ngắn lại. Sau khi bấm GPS để xác định điểm cực tại các vị trí khác nhau, kết quả cho thấy căn nhà của ngư dân Dương Thanh Nam tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là điểm trên đất liền ra cực Nam gần nhất về mặt địa lý tại điểm tọa độ 8 độ 33’13” vĩ độ Bắc – 104 độ 54’84” kinh độ Đông. Chúng tôi thỏa mãn với kết quả này, ghé vào nhà anh Dương Thanh Nam hỏi thăm và xin một ngụm trà. Sau khi chụp mấy tấm hình lưu niệm đầy ý nghĩa tại điểm cực Nam xa xôi của Tổ quốc, chúng tôi vội quay trở lại Rạch Tàu để kịp chuyến tàu cuối cùng trong ngày (lúc 15g) về lại Nam Căn rồi lấy xe máy trở lại TP. Cà Mau.

FANSIPAN, NÓC NHÀ ĐÔNG DƯƠNG

Tôi may mắn có một cơ hội để hoàn thành tâm nguyện chinh phục hết 4 cực và 1 đỉnh của đất nước Việt Nam, khi được tham gia với đoàn chinh phục Fansipan.

Rực rỡ mây luồn lưng núi

Nhóm của tôi gồm hơn chục phóng viên từ Hà Nội lên đường lúc 9h sáng tại điểm xuất phát Trạm Tôn có cao độ 1.400m. Chặng đầu của hành trình chinh phục cao độ 2.200m diễn ra khá suôn sẻ, chúng tôi vượt suối và chinh phục khu rừng cháy, băng qua những cánh rừng nguyên sinh để đến trạm dừng thứ nhất tại cao độ 2.200m vào đúng khoảng thời gian của bữa ăn trưa.

Trong lúc nghỉ trưa, anh dẫn đường người Mông tên Mã A San kể với chúng tôi "Fansipan theo tiếng Mông gọi là HuaSiPan, nghĩa là phiến đá khổng lồ trên cao chênh vênh. Đối với người Mông ở Sapa thì đây là một ngọn núi thiêng. Vì thế, không chỉ khách du lịch mà ngay cả người dân tộc ở đây ai cũng mong được lên đỉnh núi thiêng này”.

 

Sau khi nghỉ ngơi khoảng hơn 1h đồng hồ tại cao độ 2200m, chúng tôi tiếp tục hành trình lên cao độ 2.800 là điểm cắm trại nghỉ đêm của cả đoàn. Khi đến độ cao 2800m, chúng tôi bắt gặp một cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ của thiên nhiên khiến ai nấy không khỏi ngỡ ngàng: từ trên đỉnh cao nhìn xuống, tất cả mây trời như gom về thành những dòng sông luồn phía dưới lưng chừng núi, bồng bềnh trôi nhẹ, khi tới khe núi bất chợt đổ dài xuống chân núi thành những dòng thác mây dài vắt ngang sườn nối từ khe núi này sang khe núi khác tưởng như không dứt. Mặt trời đã lặn xuống bên dưới dòng sông mây bồng bềnh, nhuộm dòng sông thành một màu đỏ rực. Tất cả mệt mỏi và những đôi chân căng cứng, đau rát dường như tan biến trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và kỳ bí. Ai nấy đều cố tìm cho mình một góc riêng để ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp trước hiện tượng thiên nhiên hiếm hoi này.

Chúng tôi dựng trại nghỉ đêm, chuẩn bị bếp lửa và đồ ăn cho bữa tối. Đêm về phủ lên núi rừng một sắc màu tối sẫm, hoang dại và lạnh tê buốt. Đêm ở cao độ 2.800m, nhiệt độ ngoài trời -20C. Những khu trại như có rúm trong sương đêm. Mọi người ăn rồi chui vào túi ngủ tránh rét và chuẩn bị tinh thần cho chặng cuối, đỉnh cao 3.143m.

Lên đỉnh Chênh Vênh

Sáng ngày thứ 2 của hành trình. May mắn cho chúng tôi sau một đêm sương giá, thời tiết trở nên khô ráo và ấm áp hơn. Chúng tôi leo thêm chừng hơn 100m so với điểm nghỉ đêm, Những dòng sông mây, những thảm lụa mây cứ bồng bềnh ôm lấy núi rừng, mây lùa vào từng khe đá rồi lùa cả vào bước chân người đi chinh phục đỉnh cao. Chặng đường dài 24km còn phải vượt qua với những cú đu dây leo dốc, những đoạn vượt dốc đá cao khiến mặt và đá như chập vào nhau, cơ bắp rã rời nhưng chẳng là gì so với những gì mình đã được tận mắt chứng kiến, để rồi bao nhiêu mệt mỏi vụt biến đi khi cả đoàn chạm tay vào trụ thiếc ba cạnh với niềm hân hoan của người chiến thắng trên đỉnh trời bao la hùng vĩ. Với tôi, Fansipan, đỉnh "Chênh Vênh" không chỉ là đỉnh thiêng, đây là cái đích cuối cùng trong hành trình chinh phục 4 cực và 1 đỉnh của mình. Tâm nguyện giờ đã thành hiện thực.

 

Khi vừa lên đến đỉnh hành trình, anh bạn dẫn đường người Mông - Mã A San lấy từ trong gùi một chiếc khèn. Giữa không gian điệp trùng của mây núi bao la hùng vĩ, giữa sự bồng bềnh của không gian chơi vơi, ”điệu khèn trên mây” của anh như một món quà đầy ý nghĩa cho những người vừa chinh phục đỉnh thiêng Chênh Vênh.

Nguồn: VTR

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *