Góc lữ hành

Du lịch có trách nhiệm: Việc không của riêng ai (bài 3)

Những hạn chế bất cập từ các cơ quan quản lý, các tổ chức du lịch cho đến thái độ của khách du lịch đã rõ. Vậy phải làm sao để khắc phục những hạn chế này, để nguồn tài nguyên du lịch không bị hủy hoại, hình ảnh Việt Nam đến được nhiều hơn với bạn bè quốc tế và du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn như nhiều người mơ ước. Sẽ có nhiều giải pháp, nhiều hướng tháo gỡ nhưng không thể phủ nhận, muốn phát triển du lịch bền vững thì việc phát triển loại hình du lịch có trách nhiệm là điều cần thiết.

Theo ông Trương Nam Thắng, Cán bộ Quản lý Phát triển Nguồn nhân lực, Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU), du lịch có trách nhiệm cung cấp một hướng đi cho tất cả các thành tố liên quan tới hoạt động du lịch nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực và tăng cường các tác động tích cực nó đem lại.

Khái niệm về du lịch có trách nhiệm có phần mang tính hàn lâm nhưng hiểu một cách nôm na, có thể định nghĩa rằng, du lịch có trách nhiệm là đòi hỏi tất cả chúng ta, từ khách du lịch tới các nhà quản lý, nhân viên làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, cơ quan quản lý du lịch tích cực tham gia vào quá trình, tạo ra các thay đổi tích cực thông qua việc đưa ra các quyết định và hằng ngày thực hiện các hành động giúp tối đa hóa các lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực. Nói cách khác, du lịch có trách nhiệm đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm với những hành động (và cả những điều bỏ sót) của chính mình, có khả năng, năng lực hành động nhất định và sau đó là phản ứng nhằm tạo ra sự khác biệt tích cực.

Việc đưa loại hình du lịch có trách nhiệm thực sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động du lịch là việc không hề dễ. Trong suốt mấy năm hoạt động, Dự án EU đã tiến hành hàng loạt các chương trình như: Nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm (tổ chức một loạt các hội thảo giới thiệu tới các đối tác về du lịch có trách nhiệm, đặc biệt là hai hội nghị thường niên về Du lịch có trách nhiệm và Chính sách Du lịch có trách nhiệm trong năm 2012, 2013; hỗ trợ Tổng cục Du lịch tổ chức lễ Kỷ niệm và chương trình đạp xe nhân Ngày Du lịch thế giới (20-9-2013); xây dựng một loạt các tờ thông tin dành cho công chúng để giới thiệu về du lịch có trách nhiệm; tham gia Hội chợ Thương mại Du lịch VITM 2013 để quảng bá du lịch có trách nhiệm; xây dựng bộ Công cụ về Du lịch có trách nhiệm và bàn giao cho Tổng cục Du lịch…

Những lợi ích ban đầu từ việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền cho loại hình du lịch có trách nhiệm đã bắt đầu hé lộ khi có nhiều công ty du lịch lớn như Vietravel, Hanoi Redtours, Vitours, Saigon Tourists đã đi đầu trong việc thực hiện du lịch có trách nhiệm với cộng đồng, môi trường.

Trong tháng 2 và tháng 3-2013, Công ty Du lịch Vietravel đã tổ chức các chiến dịch “Vì một môi trường du lịch sạch” trên khắp các tỉnh, thành phố, những điểm du lịch nổi tiếng, tập trung đông du khách như: TP Hồ Chí Minh, Huế, Lào Cai, Nha Trang, Hà Nội…. Qua các hành động thiết thực như đạp xe, quét, thu gom rác, chương trình của Vietravel đã góp phần làm tăng sức hấp dẫn của điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân, du khách nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan, không gian du lịch.

Riêng Công ty du lịch Vitours thì luôn lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường trong các chương trình tour tembuilding hấp dẫn với các trò chơi như nhặt rác ở bãi biển, làng nghề….  tạo hiệu ứng rất tốt cho mỗi thành viên đoàn tham quan của chương trình tour.

Không chỉ khối doanh nghiệp lữ hành, hiện các trung tâm vui chơi, giải trí,  khách sạn, cơ sở lưu trú cũng tăng cường đưa ra nhiều hoạt động thiết thực để du khách thực hiện du lịch có trách nhiệm. Đặc biệt, nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch như Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh cũng không ngại đầu tư chi phí để áp dụng loại hình du lịch này vào các chương trình xúc tiến du lịch.

Sự đi đầu của Dự án EU là rất đáng hoan nghênh khi với tổng viện trợ hơn 11 triệu ơ-rô trong giai đoạn 2010-2015, Dự án EU đã và đang góp phần hình thành loại hình du lịch bền vững tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ có sự vào cuộc của một tổ chức phi chính phủ thì chắc chắn du lịch bền vững sẽ không thể hình thành và phát triển, nó cần một sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi công dân.

(Nguồn: QĐND Online)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *