Góc lữ hành

Du lịch có trách nhiệm: Nhiều lúng túng trong công tác quản lý (bài 2)

Tại cuộc khảo sát lấy ý kiến của hơn 1.200 nhà quản lý du lịch trên toàn thế giới về xu hướng du lịch toàn cầu được công bố tại Hội chợ Du lịch thế giới diễn ra tại thủ đô Luân Đôn (Anh), Việt Nam được đánh giá là xếp thứ 2 châu Á về tiềm năng phát triển du lịch. Đây là một kết quả đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội để có những bước tiến dài hơn nữa cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. Thế nhưng, một điều quan ngại là, nếu như những câu chuyện đáng buồn về sự thiếu ý thức của du khách khiến ngành du lịch đứng trước nhiều thách thức để phát triển bền vững thì một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến sự phát triển thiếu đồng bộ của ngành du lịch  lại đến từ những cơ quan quản lý, cơ quan làm dịch vụ du lịch.

Trong một bài nghiên cứu về du lịch, TS Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch trăn trở: Sở hữu một lượng lớn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn nhưng cho tới nay chúng ta chưa có một chiến lược khai thác một cách bền vững nguồn tài nguyên này. Cho đến nay tài nguyên du lịch cả tự nhiên và nhân văn chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý, khai thác một cách bền vững, hiệu quả. Dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều nhưng khai thác bừa bãi, mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có mà chưa phát huy giá trị của tài nguyên.  

Có thể nói, hoạt động khai thác du lịch một cách bừa bãi, quá mức tại nhiều điểm du lịch đặc biệt là các điểm du lịch vùng biển đang khiến chúng ta đối mặt với vô số hậu quả như ô nhiễm nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên thủy hải sản… ảnh hưởng đến cảnh quan và cuộc sống những người dân nơi đây.

Tại Hội nghị về chính sách du lịch có trách nhiệm do Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) tổ chức ngày 14-11 tại Đà Nẵng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã thẳng thắn chỉ ra: Do tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về nhận thức và nguồn lực dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích... tác động tiêu cực, đe dọa sự phát triển du lịch bền vững. Các điểm hấp dẫn du lịch đang cảnh báo trước nguy cơ thoái trào và sự quay lưng của du khách đối với điểm đến sẽ là thảm họa.

Tại hội thảo “Văn hóa trong bảo tồn và phát triển các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh, các nhà khoa học ngậm ngùi cho biết, phần lớn các di sản thiên nhiên của Việt Nam hoặc đang bị khai thác quá đà, hoặc chưa được đầu tư đúng mức, đúng cách, như việc khai thác tại Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng chủ yếu vẫn dựa vào vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có. Tình trạng khai thác du lịch tự phát, mạnh ai nấy làm cũng đang diễn ra ở Khu Dự trữ sinh quyển sông Hồng.

So với sự thiếu ý thức của du khách thì sự buông lỏng trong quản lý các điểm du lịch cùng sự khai thác quá đà, chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt của nhiều cơ quan quản lý cũng gây ra hậu quả khôn lường khi có nguy cơ hủy diệt vĩnh viễn các tài nguyên du lịch.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, là một ngành kinh tế tổng hợp, mọi hoạt động du lịch đều liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Để phát triển du lịch, mỗi quốc gia phải có một hệ thống chính sách với nội dung xuyên suốt tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du lịch phát triển. Gần đây du lịch có xu thế chững lại, tốc độ phát triển không cao. Một trong nguyên nhân gây nên tình trạng này là chính sách phát triển du lịch chậm đổi mới, nhiều chính sách còn làm cản trở sự phát triển của du lịch.

Ông Bình nêu rõ, Luật Du lịch triển khai được 8 năm, đến nay một số nội dung cần được bổ sung, sửa đổi. Thực tế cho thấy còn nhiều vấn đề về quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch như quản lý môi trường du lịch, sản phẩm du lịch, khu, điểm du lịch, quản lý lữ hành đặc biệt là outbound (ngoài nước) và inbound (nội địa), tiêu chuẩn hướng dẫn viên, quyền lợi của khách du lịch, vai trò của các hiệp hội… còn nhiều thiếu sót.

Tại Hội nghị doanh nghiệp du lịch năm 2013, Báo cáo tóm tắt về hoạt động của ngành Du lịch năm 2013 chỉ rõ hàng loạt điểm hạn chế, yếu kém trong phát triển du lịch ở các cấp từ sự thiếu đồng bộ của công tác quản lý điểm đến hay việc không nâng cao được tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…

Không thể phủ nhận áp lực ngày càng lớn từ những thách thức do bối cảnh thế giới và khu vực đem lại khiến ngành du lịch đứng trước nhiều khó khăn nhưng những yếu kém trong nội tại cũng chính là nguyên nhân lớn cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. Nếu không kịp thời khắc phục những yếu kém này, ngành du lịch sẽ đứng trước nguy cơ phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững, dẫn đến những hậu quả khôn lường trong tương lai.

(Nguồn: QĐND Online)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *