Góc lữ hành

Cách sơ cứu chấn thương trên đường phượt

Chảy máu, gãy xương, chấn thương vùng cổ hay bong gân là các chấn thương bạn cần nắm rõ cách sơ cứu khi đi phượt.

Chấn thương là điều không phượt thủ nào muốn gặp phải. Tuy nhiên bạn vẫn cần nắm rõ các kỹ năng sơ cứu để ứng phó khi cần thiết. Dưới đây là một số chấn thương thường gặp và cách sơ cứu bạn nên biết.

1. Vết thương chảy máu

Đây là chấn thương mà phượt thủ thường gặp nhất trên đường đi. Tùy theo tình trạng mà bạn có những cách xử lý khác nhau.

Dấu hiệu: Dập, nát hoặc rách da. Nhìn thấy vết thương hở miệng hoặc đầu xương chọc ra ngoài. Có thể thấy máu phun thành tia do tổn thương mạch máu. Nạn nhân lạnh, run, vã mồ hôi, da xanh tái. Nếu mất nhiều máu có thể dẫn đến choáng, bất tỉnh, tử vong.

BB-3740-1415090595.jpg

Bạn nên chuẩn bị các dụng cụ y tế để sử dụng khi gặp tình huống bất ngờ. Ảnh: chudu24.

Các vết thương chảy máu có dị vật

Cách xử lý: Ép chặt hai mép vết thương sau đó chèn băng, gạc quanh dị vật để cố định.

Lưu ý: Nếu không có găng tay, bạn nên sử dụng túi nilon sạch khi sơ cứu để tránh lây bệnh truyền nhiễm từ nạn nhân (nếu có).

Tuyệt đối không trùm băng gạc lên dị vật.

Với vết thương có dị vật lớn cắm vào, tuyệt đối không rút ra vì lúc này dị vật có vai trò cầm máu.

Các vết thương chảy máu không có dị vật

Cách xử lý:

Để nạn nhân ở tư thế thoải mái và thuận tiện cho việc băng bó vết thương. Nên thực hiện cầm máu tại chỗ để tránh mất máu.  Tư thế nằm là đầu thấp hơn chân và ủ ấm.

Trước khi băng nên phủ một lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch sau đó buộc cố định để cầm máu.

Lưu ý: Không bôi thuốc, cồn trực tiếp vào vết thương hở đang chảy máu.

Sau khi băng cần kiểm tra sự lưu thông của máu dưới phần băng. Nếu tím tái cần nới băng nhẹ cho phù hợp. Nếu máu chảy thấm ra ngoài thì dùng thêm băng mới chồng lên. Tốt nhất nên kiểm tra 10 phút một lần.

Các vết thương chảy máu dập nát hay đứt chi

Cách xử lý: Cách cầm máu tương tự các vết thương chảy máu không có dị vật. Phần chi bị đứt cho vào túi nilon sạch và bảo quản trong thùng đá, tránh để trực tiếp vào đá.

Quấn garo thật chặt ở vị trí trên vết thương từ 3 - 5cm. Nếu không sẵn dụng cụ y tế có thể dùng vải sạch. Sau đó xoắn garo từ từ cho đến khi máu hết chảy.

Lưu ý: Đặt nạn chân ở tư thế đầu thấp, phần cơ thể có vết thương ở trên cao.

Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ở tư thế nằm và không dùng xe máy.

Kiểm tra tình trạng lưu thông máu tương tự vết thương không có dị vật.

2. Gãy xương

Dấu hiệu:  Đau vùng bị gãy. Khi sờ, ấn hoặc cử động thì đau hơn và không thể cử động chỗ bị thương. Vết gãy có thể bị sưng, chảy máu ngoài hoặc trong vùng bầm tím, sưng. Nếu gãy xương hở, đầu xương có thể đâm thủng da.

Cách xử lý: Cần kiểm tra phần gãy của nạn nhân. Nếu gãy xương cẳng chân, cần đặt nẹp gỗ ở mặt trong và ngoài chi bị gãy từ giữa đùi đến quá cổ chân. Với các vết gãy xương gần khớp, bạn phải cố định cả khớp. Ví dụ gãy xương cẳng tay cần cố định khớp khuỷu và khớp cổ tay.

Với các vết gãy xương hở, chỉ được lau xung quanh vết thương sau đó bôi thuốc sát trùng và tuyệt đối không ấn đầu xương gãy vào trong.

Lưu ý: Tránh di chuyển nạn chân để không gây tổn thương thêm về mạch máu, thần kinh và cơ.

Sử dụng các loại các loại nẹp từ gỗ, tre để cố định vùng xương gãy.

3. Bong gân

bonggan626-8862-1415090595.jpg

Bong gân sẽ khiến vùng tổn thương bị sưng, bầm tím hoặc biến dạng. Ảnh: vcmedia.

Dấu hiệu: Đau, khó cử động, sưng, bầm tím hoặc biến dạng.

Cách xử lý: Để khớp bị bong gân nằm yên và kê càng cao càng tốt.

Sử dụng băng thun băng ép khớp bị bong gân giúp khớp có chỗ tựa và giữ cố định cho khớp.

Lưu ý: Nếu thấy các đầu chi tím tái cần nới băng lỏng hơn.

4. Trật khớp

Dấu hiệu: Tương tự như bong gân

Cách xử lý: Cố định khớp tại vị trí sai lệch.

Lưu ý: Không xoa dầu nóng hay nắn khớp mà chỉ nên chườm lạnh vùng tổn thương. Thời gian chườm từ 10 - 15 phút.

Nếu trật khớp tay, có thể dùng vải cố định tay vào thân người sau đó đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

5. Chấn thương vùng cổ

Cách xử lý: Nếu không có nẹp cột sống cổ, bạn nên dùng báo gấp lại sau đó lót xung quanh cổ nạn nhân. Việc này để nạn nhân không bị thay đổi tư thế trong quá trình đưa tới cơ sở y tế.

Lưu ý: Tuyệt đối không xoay, lật đầu nạn nhân về tư thế bình thường.


Nguồn: vnexpress.net

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *