Du lịch nước ngoài

Những lễ hội năm mới truyền thống của Ấn Độ

Ấn Độ có nền văn hóa rất phong phú nên tùy theo đặc trưng từng vùng mà nghi thức truyền thống đón năm mới cũng khác nhau dựa theo lịch truyền thống và mỗi lễ hội đều mang một sắc thái riêng của từng vùng.

Đề cao những truyền thống lâu đời

Bohag Bihu (còn gọi là Rongali Bihu), lễ hội gieo hạt quan trọng nhất trong năm tại Assam đánh dấu bắt đầu một năm mới vào giữa tháng 4. Trong một lễ Bohag Bihu gồm có 2 lễ phụ là lễ hoàn thành gieo hạt và cấy lúa Kaati Bihu (hay Kongali Bihu) vào tháng 10, 11 và lễ thu hoạch Magh Bihu (hay Bhogali Bihu) giữa tháng Giêng.

Ngày đầu tiên của lễ Bohag Bihu là lễ hội Bò (hay Goru Bihu). Với người Ấn giáo, bò là con vật linh thiêng nên vào ngày này con bò được tắm rửa sạch sẽ, “trang điểm” lộng lẫy và thờ cúng trang nghiêm. Buổi tối, khi phụ nữ lo tẩy sạch quần áo và chuẩn bị những món ăn ngon đặc biệt của ngày lễ như Chira và Pitha thì đàn ông lo việc tìm kiếm dây để cột gia súc còn gọi là Tara Pogha.

Những ngày diễn ra lễ hội mọi người mặc trang phục truyền thống như dhoti, gamocha và saadar mekhela để nhảy múa mừng lễ bằng những vũ điệu Bihu (Husuris).

Trong lễ hội, từng tốp nam nữ thanh niên đánh trống và trình diễn những điệu múa cổ truyền. Ngoài ra, những bài hát Bihu còn được biểu diễn tại các khu chợ phiên Bihu, có cả diễn kịch và nhảy múa, danh hiệu Bihu Kunwori sẽ dành cho phụ nữ múa đẹp nhất. Sau lễ Bohag Bihu còn có lễ Manuh Bihu để mọi người tỏ lòng tôn kính người già và bà con họ hàng thân thích vào năm mới và lễ Gosain Bihu với nhiều hoạt động tôn giáo khác nhau.

 

Tin vào những điều tốt đẹp

Đến Bengal vào giữa tháng 4, bạn sẽ nghe mọi người chúc nhau “Shuvo Nabo Barsho” - câu chúc của lễ hội năm mới Bengali. Lễ hội thường rơi vào tháng 4 tức tháng Baisakh, tháng đầu tiên của năm mới. Lễ Bengali nhằm tôn vinh các hoàng đế Mughal thời đế chế Akbar không chỉ với người Bengal mà còn những bộ tộc vùng đồi núi và họ đón chào năm mới bằng những nghi thức tôn giáo long trọng. Vào ngày lễ, người Bengal trang hoàng nhà cửa với hoa tươi và vẽ những nhánh sừng hươu phía trước cửa ra vào chính. Sừng hươu được làm từ gạo nhiều màu sắc gọi là Alpana và một cái nồi bằng đất có biểu tượng chữ “Vạn” ở giữa. Người ta tin rằng, chúng là vật may mắn mang lại sự giàu có và thịnh vượng trong năm mới. Ngày lễ, phụ nữ mặc xà rông trắng và đỏ còn đàn ông mặc trang phục truyền thống dhoti kurta để tham dự những cuộc diễn hành (Prabhat Pheries) từ sáng sớm.

Một số người còn đến bờ sông ngâm mình trong nước thánh để mong nước có thể rửa hết tội lỗi của họ. Sau khi cầu nguyện thần Ganesha và nữ thần Laxmi để các thành viên trong gia đình được mạnh khỏe và sống lâu, mọi người bắt đầu cầu nguyện những đám mây nước - nghi lễ truyền thống tại Bengal. Người ta tin rằng, nghi lễ này giúp họ trả hết vay và nợ cũ cho chủ nợ và những người buôn bán mua những sổ sách kế toán mới để chuẩn bị cho những cuộc giao dịch mới. Một số nơi người ta còn nhảy múa, ca hát hoặc kể thơ và tổ chức tiệc ăn mừng.

Thờ cúng thần thánh

 

Lễ hội Gujarati diễn ra vào tháng 10 (còn gọi là Bestu Varas tức năm mới tại Gujarati và Varsha - pratipada hoặc Padwa). Theo truyền thuyết, thần Krishna từng dùng ngũ cốc để bảo vệ người dân vùng Vraja trước những cơn mưa nặng hạt nên từ đó, lễ hội trở thành tập quán thờ cúng truyền thống thần Govardhan Parvat cũng là ngày năm mới. Những phong tục và nghi lễ của lễ hội Gujarati mang ý nghĩa đón chào năm mới và xua đi những vận rủi của năm cũ.

 

Vào ngày lễ, nhà nào cũng thắp sáng đèn có đủ màu sắc và trang hoàng với hoa tươi. Mọi người ăn mặc đẹp để mang hoa và các món ăn ngọt đến viếng các đền thờ. Họ chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới và cầu nguyện. Vào cuối ngày, mọi người trong vùng được ăn uống một trận linh đình vì người Gujarati đặc biệt ăn nhiều vào ngày này.

Tôn vinh những vũ điệu truyền thống

Người Sikkim có phong tục mừng lễ Losoong vào tháng 12 để đánh dấu kết thúc mùa thu hoạch. Nó rơi vào ngày 18 của tháng thứ 10 âm lịch của người Tây Tạng và đánh dấu một năm mới của nông nghiệp khi việc gieo và gặt lúa đã hoàn tất. Điểm nổi bật của lễ hội là những điệu múa nổi tiếng Chaam hoặc Lama và thi bắn cung.

Theo truyền thuyến, những vũ điệu tôn giáo này có nguồn gốc từ nội dung vở kịch cổ những người đàn ông trở thành những vị thần trong những biểu tượng sừng hươu và nai vô cùng huyền bí. Điệu múa Chaam mang ý nghĩa cái thiện chiến thắng cái ác và được biểu diễn tại Tsug Lakahng, Phodong và Rumetek, những tu viện nổi tiếng nhất trong vùng. Vào ngày lễ, mọi người còn cúng vái các thần linh, ngồi thiền và thờ cúng trong nhà. Trước lễ hội Losoong còn có biểu diễn vũ điệu nổi tiếng Kagyed của các tu sĩ và giữa lễ hội có thi bắn cung.

(Nguồn: LVOnline)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *