Du lịch nước ngoài

Chứng tích văn minh nhân loại đang bị đe dọa

7 di tích - di sản dưới đây hiện được xem bị đe dọa nặng nề nhất: 1/ Đền Luxor (Ai Cập); 2/ Babylon (Iraq); 3/ Tam giác san hô (Indonesia); 4/ Machu Picchu (Peru); 5/ Maldives; 6/ Venice (Ý); 7/ Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc.
Chỉ 15 năm nữa, ngọn Kilimanjaro từng được miêu tả trong tác phẩm The Snows of Kilimanjaro của văn hào Ernest Hemingway sẽ biến mất. Không chỉ Kilimanjaro, còn Vạn Lý Trường Thành, Machu Picchu, Venice, Stonehenge, Angkor… cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Du lịch là một trong những tác nhân nhưng tất cả tội lỗi không thuộc trách nhiệm của bản thân công nghiệp du lịch…

Kẻ thù của du lịch chính là bản thân ngành du lịch - nhận xét của Bonnie Burnham, Chủ tịch Quỹ Di sản thế giới (WMF). Tổ chức Conservation International nhấn mạnh, “du lịch không bền vững” là hiểm họa chủ yếu đối với ½ địa điểm di sản văn hóa tại Mỹ Latinh và Caribe, cũng như 1/5 địa điểm tại Châu Á - Thái Bình Dương. Đế Thiên Đế Thích tại Campuchia thu hút 1 triệu lượt du lịch mỗi năm; đền Taj Mahal tại Ấn Độ thu hút 7 triệu lượt du khách mỗi năm và riêng số du khách Trung Quốc du lịch nội địa năm 2013 đã lên đến 1,1 tỉ lượt người.

Với di sản văn hóa, du lịch là một phần tác nhân gây họa nhưng còn phải kể đến sự tàn phá thiên nhiên, hiện tượng trái đất nóng dần khiến băng tan và thậm chí đại dịch cúm gia cầm.

Lần đầu tiên, Hội đồng Du lịch và Mậu dịch thế giới (WTTC) dành nguyên chương trình thượng đỉnh hằng năm (tổ chức tại Washington DC cách đây không lâu) để bàn về vấn đề sức khỏe và thảm họa thiên nhiên. “Cho dù là thiên nhiên hay con người gây ra (đối với di sản văn hóa), điều này (di sản bị tổn hại) cũng là sự thật” - phát biểu của Chủ tịch WTTC Vince Wolfington - “Và càng ngày chúng ta phải đối mặt với nó”. United Nations University cho biết số vụ thiên tai bởi sự thay đổi “thời tiết nghiêm trọng” và số ca cứu hộ khẩn cấp liên quan vấn đề nước đã tăng gấp 3 kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước; trong khi tổn hại kinh tế tăng gấp 6.

“Đối mặt với nó” - nghe thì dễ - nhưng vấn đề là cách thức như thế nào. Danh sách WMF về 100 di sản văn hóa thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng hiện mở rộng đến 55 quốc gia. Đứng đầu là Iraq - không phải Viện Bảo tàng Iraq hay Đền Al Askariya - mà là cả nước Iraq. Đến nay, gần như tất cả mọi người đều biết rằng thành Venice đang lún từ từ. Mà thậm chí với những di tích tưởng chừng chẳng gì có thể đụng đến như Tháp London hoặc các giáo đường Timbuktu (Mali) cũng không an toàn, chủ yếu bởi nước dâng từ sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Trong khi Đại lộ Bourbon được dọn sạch cho lễ hội hóa trang Mardi Gras, phần lớn New Orleans vẫn là đống đổ nát khổng lồ. Toàn bộ thành phố này vừa được đưa vào danh sách WMF. Nơi tận cùng trái đất - Nam Cực - cũng bị ảnh hưởng. 212 trong 244 sông băng Nam cực đã mất dần bởi nhiệt độ tăng hơn 4,5oFahrenheit (âm 15,27oC) trong 60 năm qua. Cá voi và chim cánh cụt sống bằng sinh vật nhuyễn thể và phiêu sinh vật có lẽ không lâu sẽ trở thành những mẫu hóa thạch.

Sự phát triển kinh tế mang tính chất “trấn lột” tất nhiên đem lại tổn hại đáng kể. Ngọn tháp tại Sân bay quốc tế Helsinki Malmi là hòn ngọc của kiến trúc hiện đại thập niên 30 có thể biến mất nếu các nhà quy hoạch đô thị quyết định bứng nó để xây khu phức hợp nhà ở. Nếu như một ngọn tháp đã có thể khiến “đau lòng” thì sự xóa sổ nguyên một thành phố chắc chắn làm xót xa hơn. Mexico City (dân số 18 triệu) hiện tiếp tục chông chênh bởi tầng “ngậm” nước ngầm, khiến địa điểm này - nơi chứa nhiều di tích văn hóa tiền Columbia thuộc loại tinh túy nhất thế giới - có thể phút chốc trở thành đống đất sét. Không phải tự nhiên là toàn khu vực Mexico City hiện có trong danh sách WMF.

Tại Italia, nếu ngọn Vesuvius khạc lửa (chẳng chóng thì chầy), Naples (tức Napoli) - thành phố của một triệu dân nằm dưới bóng ngọn núi lửa - chắc chắn bị san thành bình địa. Thời huy hoàng vào thế kỷ XVII, Naples là thành phố lớn nhất châu Âu sau Paris. Hiện thời, Naples chỉ xinh và thơ mộng trong các tấm bưu ảnh. Tình trạng giao thông tắc nghẽn kinh niên đã bơm quá thừa khí độc vào không khí, khiến nhiều mặt tiền dinh thự cổ đang bị phân hủy. “Hãy xem Naples rồi hẵng chết” - người Bourbon từng nói. Bây giờ, người ta phải nói: “Hãy xem Naples đi, trước khi nó chết”.

Có thể nhấn mạnh rằng, việc một số di sản được Tổ chức văn hóa - khoa học - giáo dục LHQ (UNESCO) công nhận và xếp hạng chỉ càng khiến tình hình thêm bi đát - trong vài trường hợp. Năm 1240, khi dựng pháo đài quân sự Castel del Monte trên ngọn đồi Puglia (Italia), Hoàng đế La Mã Frederick II có lẽ chưa bao giờ hình dung kẻ thù của thành cổ lại là khách du lịch hiện đại. Thành cổ bây giờ luôn được sửa sang thật sạch để đón hàng trăm xe bus Pullman chạy vòng vèo lên đồi. Xung quanh, nhan nhản quầy bán áo thun, biển quảng cáo Coca-Cola và thậm chí một bãi đỗ 200 xe hơi.

Từ Castel del Monte, du khách còn tiện thể đánh vòng đến Alberobello và khu vực hang động Matera ở Basilicata gần đó - tất cả dường như chẳng ai biết cho đến khi chúng hiện diện trong danh sách UNESCO. Về nguyên tắc, UNESCO lập danh sách là nhằm nâng cao ý thức bảo vệ nhưng về tính ảnh hưởng xã hội, việc có tên trong danh sách khiến người ta lập tức biến nơi hoang vắng thành điểm khai thác nhốn nháo đem lại doanh lợi du lịch.
Luxor
Một góc Luxor

Khu văn minh cổ Maya Chichén Itzá (Mexico) từng là nơi đèo heo hút gió cho đến khi trở thành di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1988. Với hơn 5.000 du khách mỗi ngày, Chichén Itzá đang trở thành thánh địa du lịch mang mô hình Disney! Vấn đề lớn nhất là sự công nhận di sản thế giới của UNESCO không đồng nghĩa với việc được cấp ngân sách bảo tồn (trong khi quá trình xin cấp giấy công nhận luôn nhiêu khê và mất gần 5 năm, từ khi được đề cử đến lúc được chứng nhận).

Có vài nguồn quỹ được cấp dưới hình thức cho vay từ World Heritage Trust hoặc từ một số tổ chức tư nhân chẳng hạn United Nations Foundation (thuộc Ted Turner - cựu sáng lập viên Hãng thông tấn CNN) nhưng việc giành được một suất từ các tổ chức này không đơn giản, một phần do danh sách UNESCO ngày càng dài ra. Ngoài ra, còn có vài trường hợp lực bất tòng tâm. Rạn san hô khổng lồ của Australia và ngọn Everest của Nepal (đều là di sản UNESCO) đang tiếp tục bị thiên nhiên tàn phá nặng thảm khốc. Chương trình bảo tồn những di sản lớn như thế nằm ngoài khả năng của một quốc gia.

Có từ thế kỷ XIV TCN, khu phức hợp Luxor - nằm trên bờ Tây sông Nile gồm Thung lũng các vì vua, Thung lũng các hoàng hậu, hơn 40 ngôi đền và lăng tẩm của hàng ngàn nhà quý tộc - hiện bị đe dọa không chỉ bởi du lịch, trộm cắp mà cả dòng Nile. Việc xây con đập Aswan cách đây 40 năm đã làm muối tích tụ ở bãi cát phì nhiêu quanh khu vực đền, làm ăn mòn móng đền, khiến nhiều lăng mộ bị khoét và úng nước. Còn với Babylon - nơi định cư lớn nhất thời Lưỡng Hà cổ đại, được vua Nebuchadnezzar xây với khu vườn treo lừng danh - hiện xác xơ tiêu điều, kể từ khi vết tích Babylon được phát hiện đầu thế kỷ XX.

Saddam Hussein từng dựng một chân dung khổng lồ của mình tại đây và bây giờ quân đội Mỹ xây hào khắp nơi, xóa sạch vết tích các con đường cổ đại. Trong khi đó, Tam giác san hô Indonesia cũng bị tàn phá nặng. Là một trong những quần thể đầy đủ và đa dạng nhất của đời sống sinh vật biển (kéo dài từ Đông Indonesia đến Papua New Guinea, Philippines, Malaysia, quần đảo Solomon), Tam giác san hô có hơn 3.000 loài cá và 600 loài san hô. Nạn đánh bắt cá bừa bãi (dùng thuốc nổ, chất độc…) đã làm tổn hại nghiêm trọng hệ sinh thái.

Hiện tượng nhiệt độ biển tăng cũng khiến san hô thi nhau chết. Còn tại thành cổ văn minh Inca Machu Picchu, vấn đề chủ yếu là con người. Được xây khoảng năm 1460 và được phát hiện nhờ nhà sử học Mỹ Hiram Bingham năm 1911, Machu Picchu trở thành điểm du lịch số một Peru với nửa triệu khách/năm. 200 kiến trúc tại Machu Picchu ngày càng bị tàn lụi. Việc đi lại thường xuyên khiến nhiều con đường cổ bị hỏng nặng.

Quy hoạch phát triển dân cư gần đó bắt đầu làm tăng khả năng xảy ra lở đất. Hiện Peru chỉ cho phép tối đa 500 khách/ngày đến Machu Picchu và đóng cửa khu du lịch một tháng mỗi năm để trùng tu... Ít ai nghĩ rằng một quốc gia có thể bị nhấn chìm nhưng nguy cơ này đang xảy ra với Maldives. Đảo quốc với 12.000 hòn đảo này chứa vài trong số đời sống đại dương phong phú nhất thế giới.

Với hơn 80% diện tích đất thấp hơn mực nước biển 1m, Maldives đối mặt nguy cơ bị xóa sổ bởi hiện tượng khí hậu nóng dần. Cũng bị chìm nhưng trường hợp tiếp theo là Venice. Gần như kể từ khi có người định cư vào năm 452, Venice liên tục bị lún ở tỷ lệ hơn 1cm/thế kỷ. Bây giờ, chẳng ai có thể làm được gì để cứu Venice.

Cuối cùng, di tích bị đe dọa nữa là Vạn Lý Trường Thành (VLTT). Phần cổ nhất của bức tường khổng lồ được xây vào thế kỷ thứ V TCN và sau đó được gia cố vào triều Minh (thế kỷ XIV) tưởng chừng có thể giúp VLTT (6.352km) sừng sững mãi với thời gian. Tuy nhiên, gần 2/3 VLTT đã bị xói lở và bị “trấn lột” thảm hại (một quầy giải khát được dựng ngay tại cái tháp cổ 500 năm)…

(Nguồn: dulichvietnam.com.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *