Điểm Du lịch

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Nằm trên đường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích bao gồm hai di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo và Chu Văn An và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Ngày nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi tổ chức vinh danh các học sinh có thành tích học tập xuất sắc.

Văn Miếu được xây dựng vào tháng 10/1070 (đời vua Lý Thánh Tông), có tường bao quanh được xây bằng gạch Bát Tràng, gồm bốn khu. Khu thứ nhất bắt đầu từ cổng chính Văn Miếu Môn đến cổng Đại trung Môn. Hai bên cổng chính là đôi rồng đá cách điệu thời Lê (thế kỷ 15). Cổng Đại Trung Môn gồm ba gian lợp ngói với hai cổng nhỏ hai bên là Thành đức và Đạt tài. Khu thứ hai là Khuê Văn Các (có nghĩa là gác vẻ đẹp của sao khuê, sao chủ về văn học) gồm 2 tầng, 8 mái. Tầng dưới là bốn trụ gạch, tầng trên là kiến trúc gỗ, bốn mặt đều có cửa sổ tròn với những con tiện tỏa ra bốn phía tượng trưng cho hình ảnh sao Khuê tỏa sáng. Hai bên phải và trái của Khuê Văn Các là hai cổng Bí Văn và Súc Văn. Khu thứ ba là từ Khuê Văn Các tới cổng Đại Thành Môn. Giữa khu này có một hồ vuông được xây kè xung quanh gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng). Hai bên hồ là 8 ngôi nhà đặt 82 bia đá lưu danh những ng­ười đỗ tiến sỹ, từ khoa thi Đại Bảo thứ 3 (năm 1442) đến Cảnh Hưng thứ 40 (năm 1779). 82 bia tiến sĩ này đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào tháng 3/2010. Qua cổng Đại Thành Môn, du khách sẽ đến khu thứ tư hay còn gọi là Bái đường Văn Miếu. Đây là một sân rộng lát gạch, hai bên là nhà tả vu và hữu vu thờ bài vị của 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử và Chu Văn An cùng các danh nhân văn hóa Việt Nam nổi tiếng thời Trần. Cuối sân là nhà Đại Bái và Hậu cung, nơi đặt tư­ợng Khổng Tử và 4 môn đệ: Nhan Hồi, Tăng Tử, Mạnh Tử, Tử Tư­. Văn Miếu đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 28/4/1962. 

Quốc Tử Giám là một phần trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được xây dựng năm 1076. Thời gian đầu, đây là nơi dạy chữ cho các hoàng tử, sau đó mở rộng đối tượng thu nhận cả những trò giỏi trong thiên hạ. Năm 1253 Quốc Tử Giám đổi tên là Quốc Học Viện, năm 1483 lại đổi thành Thái Học Viện (thái học nghĩa là học cao). Đến đời vua Gia Long, Thái Học Viện được rời vào Huế nên địa điểm này chuyển thành điện Khải Thánh, thờ cha mẹ Khổng Tử. Sau nhiều năm chiến tranh, công trình đã bị hư hỏng hoàn toàn. Ngày 13/7/1999, nhà Thái Học đã được khởi công xây dựng lại trên nền cũ của Quốc Tử Giám và đến ngày 8/10/2000 thì hoàn thành. Với diện tích 1.530m², nhà Thái Học bao gồm các công trình: nhà tiền đường, hậu đường, tả vu, hữu vu, nhà để chuông, trống và các công trình phụ trợ. Ngày 11/3/2003, thành phố Hà Nội đã khởi công đúc tượng đồng 4 danh nhân văn hóa có công sáng lập Văn Miếu-Quốc Tử Giám và phát triển nền giáo dục Việt Nam là: vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An để thờ tự trong nhà Thái Học.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *