Điểm Du lịch

Thăm đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ

Từ bến Bính (Hải Phòng), con tàu khách Bạch Long đưa chúng tôi đến với Bạch Long Vỹ - hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc - sau hơn sáu giờ lênh đênh trên vịnh Bắc bộ sóng yên biển lặng.

Những phút đầu tiên khi rời bến Bính, trên tàu vang lên không dứt tiếng hát, tiếng cười rộn rã của những chàng trai cô gái Hà Nội lần đầu tiên ra đảo và các đội viên Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng. Nhưng chỉ hơn một giờ sau, sóng biển đã đánh gục những bạn trẻ dù thời tiết ngày hôm đó, theo các thủy thủ, là quá tốt.

Chị Nga, cán bộ của Tổng đội Thanh niên xung phong, cho biết nếu thời tiết không thuận lợi phải mất tới 9-12 giờ mới ra đến đảo. Có lần tàu ra đến Bạch Long Vỹ, đã nhìn thấy âu cảng ngay trước mắt nhưng do thời tiết quá khắc nghiệt nên phải mất đến hơn ba giờ sau tàu Bạch Long mới có thể cập cảng.

Có chuyến tàu đã ra khơi nhưng khi gió dữ nổi lên bắt buộc phải quay về Hạ Long để tránh. Có chuyến tàu vừa cập cảng Bạch Long Vỹ, chỉ sau một giờ lại vội vàng quay về đất liền để tránh bão sắp đến. Có những chuyến đi dự kiến chỉ 2-3 ngày nhưng mãi hai tuần sau tàu mới có thể quay về Hải Phòng…

Những câu chuyện ấy nhắc chúng tôi một điều: đảo Bạch Long Vỹ không phải là một nơi dễ đến, không phải cứ khoác balô lên đường là sẽ chắc chắn được khám phá một điểm đến mới lạ. Và chúng tôi thật may mắn khi thực hiện được một chuyến đi không thể nào quên.

Buổi chiều tàu cập âu cảng Bạch Long Vỹ. Ai nấy đều xua đi những mệt mỏi do say sóng để háo hức lao lên bờ, nơi có một chiếc xe ca cũ của bộ đội biên phòng đồn 58 đang chờ để đưa chúng tôi về nhà khách của Tổng đội Thanh niên xung phong. Sau khi nhận phòng, chúng tôi kéo nhau ra bãi biển ngắm hoàng hôn, trên đường đi ghé thăm đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Chúng tôi được nghe một câu chuyện kể: khi Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng đưa bức tượng Trần Hưng Đạo từ đất liền ra đảo, trên đường đi của tàu Bạch Long có một đàn cá heo hộ tống vị đại vương nước Nam với chiến công lừng lẫy chống giặc ngoại xâm phương Bắc.

Câu chuyện kể như thể một huyền thoại nhưng còn là một niềm tin nơi người lính bảo vệ biển đảo, người thanh niên xung phong đang xây dựng đảo với biết bao gian khó, nhọc nhằn.

alt

Hoa ngũ sắc nở khắp đảo 

Sau bữa tối chúng tôi cùng các chiến sĩ thuộc trung đoàn cảnh sát biển 952, bộ đội biên phòng đồn 58, thanh niên xung phong và bà con dân đảo tham gia một đêm văn nghệ giao lưu thật trẻ trung, sôi động. Tiếng hát, tiếng đàn, những điệu nhảy… đã khiến một góc đảo nóng bừng lên, bởi không phải lúc nào Bạch Long Vỹ cũng có nhiều du khách trẻ “sục sôi” đến thế.

Sáng hôm sau chúng tôi được tham quan hải đăng bằng xe ca của bộ đội biên phòng. Đường lên hải đăng chạy dọc theo bờ biển, qua một âu cảng mới đang xây dựng và uốn dần lên theo lưng núi. Chúng tôi không ngớt trầm trồ trước những vạt hoa ngũ sắc nở rộ trên đảo Đuôi Rồng Trắng, thậm chí còn nhất trí rằng đảo Bạch Long Vỹ phải được gọi là đảo Hoa Ngũ Sắc.

Khắp các triền núi, dọc theo con đường mòn và bờ biển, hoa ngũ sắc tràn ngập và rạng ngời trong nắng. Xương rồng cũng có ở khắp nơi với những bông hoa màu vàng thanh tao, dịu nhẹ. Đó đây là những gốc phong ba, những gốc thông đang kiên cường chống lại bao bão táp, gió mưa trên hòn đảo đầu sóng ngọn gió này.

Từ trên tầng cao nhất của hải đăng, chúng tôi ngắm nhìn bốn phía. Nơi tấp nập rộn ràng nhất của Bạch Long Vỹ là âu cảng mà vào mùa cá có đến hàng trăm chiếc tàu đậu san sát. Xung quanh đảo phần lớn là các bãi đá, còn bãi tắm của cư dân trên đảo là một bãi cát thoai thoải phía bên phải âu cảng. Đột nhiên mây mù dâng lên khiến cho đường chân trời và mặt biển như hòa vào làm một.

Gió ào ạt thốc lên đỉnh hải đăng nơi có lá cờ Tổ quốc tung bay phần phật. Lúc ấy chúng tôi cảm thấy thật tự hào bởi được đặt chân lên mảnh đất này.

Là đảo xa bờ nhất của VN, Bạch Long Vỹ nằm trong vịnh Bắc bộ, cách đảo Hòn Dấu của Hải Phòng khoảng 110km và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km.

Tương truyền vào thời dựng nước Việt, giặc xâm lược với lực lượng hùng hậu tràn vào, quân ta lực yếu hơn nên phải rút lui. Khi ấy rồng mẹ từ trên cao phun xuống những đống trứng, biến thành những hòn đảo đá sừng sững ngăn cản quân xâm lược. Thuyền giặc va vào đá vỡ tan tành, quân ta thừa thắng xông lên giết giặc. Rồng mẹ và bầy con sau đó ở lại đất Việt. Chỗ rồng mẹ phun trứng xuống là Hạ Long, đuôi của đàn rồng con vẫy trắng xóa là Bạch Long Vỹ.

(Nguồn: haiphong.gov.vn)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *