Điểm Du lịch

Rực rỡ lồng đèn Phú Bình

Lồng đèn Phú Bình, phường 5, quận 11, TP HCM nổi tiếng bởi giấy kính căng bóng, khung đèn uốn lượn tinh xảo, sắc màu tươi thắm, hoa văn trang trí vừa sắc nét lại vừa mềm mại. Sản phẩm của làng không chỉ được sử dụng trong dịp Trung thu mà còn có mặt trong những sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước.

Làng của nhiều thế hệ

Theo những nghệ nhân của làng nghề, xóm lồng đèn Phú Bình đã tồn tại hơn 50 năm, xuất phát từ làng nghề ở Bác Cổ, Nam Định. Nghề làm lồng đèn từ đời trước truyền lại cho đời sau và được dân xóm đạo Phú Bình tiếp tục lưu giữ đến ngày nay.

Đến với nghề kinh doanh lồng đèn cách đây hơn 10 năm nhưng với bà Dìu, hình ảnh người dân chẻ tre khi trung thu về đã ăn sâu trong tâm trí. Bà cho biết: “Không chỉ những người lớn tuổi mà trẻ con cũng biết làm một số công đoạn như tạo hình, dán giấy. Lồng đèn Phú Bình nổi tiếng khắp các tỉnh, thành miền Tây, miền Đông và cả miền Trung”. Cũng theo bà Dìu, lý do khiến đèn Phú Bình nổi tiếng bởi giấy kính căng bóng, khung đèn uốn lượn tinh xảo, sắc màu tươi thắm, bắt mắt. Những hoa văn trang trí vừa sắc nét lại vừa mềm mại. “Chính vì vậy mà làng nghề Phú Bình có lúc trở thành nơi cung cấp lồng đèn lớn nhất miền Nam”, bà Dìu nói.

Nằm tại số 15A cư xá Phú Bình, cơ sở sản xuất của bà Bùi Thị Xuân và ông Trần Mạnh Uyên nổi tiếng với những loại lồng đèn lớn (cao từ 0,5 m đến 3 m). Dù đã 57 tuổi nhưng ông Uyên vẫn tự tay chẻ tre, vẽ hoa văn trên những chiếc đèn ông sao hình các loại cá, tàu thủy, đèn kéo quân…

Theo bà Bùi Thị Xuân, để có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, phải qua hơn 10 công đoạn từ chẻ tre, kết kẽm, tạo hình, dán giấy, vẽ hoa văn... Ngoài việc chọn nguyên liệu làm khung đèn là nứa hay lồ ô thì giấy dán phải có màu đỏ đẹp. Tuy vậy,  yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc đèn là ở cách tạo hình, dán và những họa tiết trang trí trên đèn. Bà Xuân cho biết: “Ngoài mẫu mã truyền thống, phải tạo ra những mẫu mới, lạ phù hợp với từng đối tượng. Hiện bên cạnh đèn kéo quân, tàu thủy, ngôi sao... làng đã làm những chiếc lồng đèn hình con vật ngộ nghĩnh như: chuột, khỉ, voi, siêu nhân...”

Giữ gìn một làng nghề

Những năm gần đây, sự xuất hiện hàng loạt loại lồng đèn bằng giấy xếp, đèn điện tử có nguồn gốc từ Trung Quốc đã khiến không ít người làng Phú Bình chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, những người nặng lòng với nghề như vợ chồng ông Uyên, bà Xuân, gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Hạnh... không vì thế mà để nghề mai một. Họ vẫn duy trì và phát triển nghề làm đèn.

Ông Nguyễn Văn Khánh tâm sự: "Những người trót nặng nợ với nghề rồi thì khó bỏ lắm. Nghề truyền thống của làng nên chúng tôi đang cố gắng giữ gìn". Hiện lồng đèn Phú Bình không chỉ được sử dụng trong dịp Trung thu mà còn có mặt trong các dịp lễ, Tết. Hình ảnh hàng ngàn đèn ông sao xuất hiện tại Nhà Thi đấu Phú Thọ trong dịp SeaGames 24 vừa qua hay những bông sen hồng trên đường hoa dịp Tết hàng năm cũng khẳng định sự nổi tiếng của lồng đèn Phú Bình.

Chị Trần Thị Kim Thoa, một thợ làm lòng đèn tại làng, cho biết: “Những năm gần đây, thị hiếu của một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng quay lại với lồng đèn truyền thống. Chúng tôi đang cố gắng truyền nghề cho con cháu để góp phần giữ gìn nghề truyền thống này”. 

                                                                                                   (Theo Người Lao Động)


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *