Điểm Du lịch

Lễ hội đình Giảng Võ

Thời gian: 11-12/2 âm lịch. 

Địa điểm:
Đình Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đối tượng suy tôn:Bà chúa kho Lý Châu Nương.

Đặc điểm:
Tế yết, dâng hương, cờ tướng, biểu diễn văn nghệ...

Đình Giảng Võ thờ Lý Châu Nương, con gái ông Lý Quỳnh, ở làng Võ Trại, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay là phường Giảng Võ, quận Ba Đình). Thủa nhỏ, bà được cha cho theo học võ, đến năm 16 tuổi đã tinh thông võ nghệ, bắn cung, cưỡi ngựa. Đến năm 22 tuổi, bà lấy Trần Thái Bảo, một tôn thất và là tướng giỏi nhà Trần. Khi giặc Nguyên đem quân sang xâm lược nước ta, bà buộc tóc giả nam, thay đổi y phục cùng với chồng cầm quân chống lại quân giặc. Bà đã cùng quân sĩ cố thủ và bảo vệ kho lương thực, không cho quân giặc vào cướp phá. Khi thắng trận, nhà vua cảm phục trước tài năng của bà, đã giao cho bà trông coi quốc khố và phong là Quốc trưởng quốc khố.

Khi giặc Nguyên đem quân sang xâm lược nước ta lần thứ 2, Trần Thái Bảo chỉ huy chặn giặc, bảo vệ cuộc rút lui chiến lược của triều đình, còn bà chỉ huy quân lính chuyển kho, bảo vệ quân lương. Nghe tin chồng hy sinh, sau khi cất giấu an toàn kho lương, bà tuẫn tiết theo chồng. Nhà vua vô cùng thương tiếc, phong cho bà là “Anh linh hiển ứng khố nương công chúa chư khố đại vương phu nhân thánh mẫu” và lệnh cho dân làng Võ Trại lập đền thờ để hương khói muôn đời.

 Lễ hội đình Giảng Võ được tổ chức hàng năm trong 2 ngày, từ 11 đến 12/02 âm lịch để tưởng nhớ đến công ơn của bà.

Ngày 11/02:

Buổi sáng, lễ bao sái mộc dục được thực hiện bởi các cụ ông trong đình. Tiếp theo là lễ dâng hương của đội tế nữ đình Giảng Võ. Buổi chiều, diễn ra lễ dâng hương của các phường lân cận, lễ tế Thánh và lễ tế yết của đội tế nam đình Giảng Võ. Buổi tối có lễ mộc dục, tụng kinh và biểu diễn văn nghệ truyền thống trước sân đình. 

Ngày 12/02: (Chính hội)

Buổi sáng, chương trình khai mạc của lễ hội được bắt đầu bởi lễ công bố đọc ngọc phả của đình, tiếp theo, nhân dân và các dòng họ trong phường vào lễ Thánh. Sau đó, đội dâng hương nữ vào tế Thánh và đội tế nam hành lễ tế Thánh. Buổi chiều, các phường lân cận làm lễ dâng hương, tế thỉnh. Kết thúc lễ hội là màn tế tạ của đội tế nam vào lúc xế chiều.

Trong hai ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: biểu diễn văn nghệ,  thi đấu cờ tướng, chọi gà...
(Nguồn: TTTTDL)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *