Điểm Du lịch

Làng "Nề vương"

Từ lâu người dân làng Diêm Điền (nay là phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) đã nổi tiếng với nghề thợ nề.

Nhưng ít người biết rằng, tại ngôi làng này có một người được vua Gia Long phong “Nề vương”-ông vua thợ nề.

“Kinh thành” của thợ nề 
Ông Bùi Quảng Đại là một trong những người am tường nhất về nguồn cội của làng thợ nề nổi tiếng nhất đất Quảng. Ông Đại hiện còn lưu giữ cuốn gia phả của dòng họ Bùi làng Diêm Điền, trong đó có nhiều tư liệu quý về làng thợ nề nổi tiếng này. Theo cuốn gia phả: Làng được dựng lên vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVI.

Người đầu tiên có công lập làng là ông Bùi Văn Đắc, nguyên quán ở Thái Thụy, Thái Bình cùng gia đình vào đây khai khẩn. Đây là vùng đất nằm giáp sông Nhật Lệ nên những cư dân ban đầu đến đây chủ yếu làm nghề cá và nông nghiệp. Dần dần, người dân làm thêm nghề muối. Cũng từ đó làng này có tên là làng Diêm Điền (“Diêm” nghĩa là muối, “Điền” nghĩa là ruộng). Trong cuốn gia phả ghi rõ, ông Bùi Văn Đắc sinh năm 1646, con trai của ông Bùi Đại Lang - tức Triệu Thái Tổ (không rõ năm sinh, năm mất).

Gia phả cũng ghi rằng, trong dòng họ có một người giỏi làm nghề thợ nề tên là Bùi Cao Đạo. Ông Đạo sinh năm 1765, là người luôn xây nhà dựng cửa cho người dân. Do có tay nghề khéo nên ông được nhiều nơi mời đi làm. Tiếng lành đồn xa, tay nghề của ông dần dần được cả những người dân ở những vùng xa biết đến. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, ông Bùi Cao Đạo đi làm thợ nề trong triều Nguyễn. Nhờ tay nghề cao, nên ông được vua Gia Long sắc phong cho là Nề vương (tức là vua của thợ nề).

Sau khi ông mất, theo sắc phong của vua Gia Long để lại, con cháu thời bấy giờ mới đóng góp xây miếu thờ ông, đặt tên miếu là “Miếu Hội của thợ nề”. Miếu này được xây dựng tại Diêm Thượng (nay là tiểu khu Diêm Thượng, phường Đức Ninh Đông).

Theo những cụ cao niên: Trước đây, cứ đến ngày 21/11 (âm lịch), thợ nề các vùng xung quanh đều đem lễ vật đến ngôi miếu này để tổ chức ngày giỗ “Nề vương”. Tuy nhiên, từ khi ngôi miếu này bị bom đạn Mỹ phá hoàn toàn thì việc cúng lễ không được hoành tráng như trước. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, hàng năm vẫn có nhiều thợ nề ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đều đem lễ vật đến để giỗ ông. Các trưởng đoàn của nghề thợ nề ba tỉnh trên tập trung lại làm mâm cơm đặt ngoài trời để cúng cho “Nề vương” sau đó tự tổ chức liên hoan tại nhà...

Thợ làng từng tham gia xây dựng Quảng Bình quan

alt

Ông Bùi Quảng Đại bật mí: “Ông nội và bố tui cũng đi làm nghề thợ nề khá giỏi. Bố tui trước đây vốn là cán bộ kiến trúc Quảng Bình, từng tham gia xây dựng công trình Quảng Bình quan. Năm 16 tuổi, tui đi theo cha đi làm thợ nề. Trong suốt cuộc đời làm nghề thợ nề, tui từng đảm nhận xây dựng nhiều công trình như Tháp nước Đồng Hới, trụ sở UBND thị xã, thị ủy Đồng Hới...”.

Thợ nề của làng Diêm Điền là những người có tay nghề rất khéo. Các công trình từ lớn đến nhỏ, từ đơn giản đến tinh xảo, họ đều làm rất tốt. Nhiều công trình quan trọng như Thành Đồng Hới, Quảng Bình quan, trụ sở làm việc, nhà ở, công trình dân sinh... trên địa bàn đều có dấu tay của những người thợ nề làng Diêm Điền...

Giàu lên nhờ... nghề thợ nề

Nghề thợ nề đã phần nào giúp người dân Diêm Điền từng bước vượt qua đói nghèo và họ đã làm giàu bằng chính tay nghề của mình. Nhìn chung, nghề xây dựng mang lại một khoản thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

(Nguồn: quangbinh.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *