Điểm Du lịch

Làng hoa Gò Vấp

(TNO) Khoảng những năm 1980, cả nước có hàng trăm làng hoa. Đi cùng quá trình đô thị hóa, đất trồng hoa, nhất là ở những làng hoa ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã bị thu hẹp dần; không ít làng hoa giờ chỉ còn là cái tên trong trí nhớ. Tuy nhiên, trong cái khó lại ló cái khôn, nhờ có sự nhanh nhạy chuyển đổi hướng sản xuất, kinh doanh, người làng hoa Gò Vấp (TP.HCM) vẫn giữ và sống được bằng nghề, cũng chỉ với cây hoa kiểng...

1. Theo những người dân cố cựu ở làng hoa Gò Vấp, thời vang bóng của làng hoa này là những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, diện tích trồng hoa lên đến hàng trăm hecta. Khi ấy, cứ đến mùa hoa Tết, người dân thi nhau xuống giống. Ở đây hầu như không thiếu một giống hoa nào, đặc biệt là các loại hoa lạ. Ngay cả “vương quốc” hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre), vào mùa trồng hoa Tết cũng tìm về đây để mua giống…

Ngày ấy, mỗi dịp xuân về, người dân Sài Gòn lại nô nức kéo nhau về những nhà vườn ở làng hoa Gò Vấp để tìm mua cho mình những cây hoa đẹp nhất. Lúc đó, cả khu vực làng hoa Gò Vấp chìm trong những sắc hoa rực rỡ. Tiếng cười nói tấp nập của kẻ mua, người bán tạo ra một khung cảnh thật nhộn nhịp vào những ngày giáp Tết.

Ông Nguyễn Hoàng Thân - một nhà vườn có thâm niên hàng chục năm ở làng hoa Gò Vấp, tâm sự: “Ngày đó, ở đây nhà nhà trồng hoa, người người trồng hoa. Hoa đi vào đời sống thường nhật và nuôi sống hàng trăm gia đình nơi đây”...

Tuy nhiên, theo thời gian, tốc độ đô thị hóa làm cho những điều kể trên chỉ còn là... quá khứ. Những vườn hoa bạt ngàn đã và đang dần phải nhường chỗ cho những nhà máy xí nghiệp, những hàng quán ăn uống… Diện tích đất trồng hoa của làng hoa Gò Vấp giờ chỉ còn khoảng một phần năm, khiến người trồng hoa điêu đứng một thời...

2. Những năm gần đây, để tồn tại, hàng trăm người trồng hoa ở làng hoa Gò Vấp đã chuyển sang kinh doanh hoa kiểng. Đặc biệt, để lưu giữ cái hồn của làng hoa, hơn 70 nghệ nhân có tay nghề cao nơi đây đã chuyển hướng trồng hoa kiểng và bonsai. Và từ đây làng hoa Gò Vấp lại có thêm một cái tên mới “Làng bonsai Gò Vấp”.

Theo nhiều nghệ nhân, đầu tư cho bonsai vừa không tốn diện tích (phù hợp với tình thế hiện tại của làng hoa Gò Vấp), vừa có giá, vừa thỏa sức đam mê và quan trọng là lưu giữ được cái nghề cũng như cái hồn của làng hoa Gò Vấp nổi tiếng xưa nay...

Thêm vào đó, lợi thế của trồng và tạo dáng bonsai là có thể tiêu thụ quanh năm. Kinh doanh vậy dễ hơn trồng hoa theo thời vụ. Nghệ nhân Trần Văn Thanh, cho biết: “Với việc tạo dáng bonsai cho cây mai vàng, mỗi dịp Tết tôi cũng kiếm được hơn 20 triệu, không thua kém gì việc trồng hoa thời vụ phục vụ Tết trước đây”.

Cùng với sự cố gắng không mệt mỏi của hơn 70 nghệ nhân tài danh, làng hoa Gò Vấp hiện đang dần hồi sinh theo hướng sản xuất kinh doanh mới, với sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu “bonsai Gò Vấp”.

Làng hoa Gò Vấp hiện là địa chỉ cung cấp bonsai cho cả nước. 2 năm trở lại đây, dân chơi bonsai, nếu muốn tìm cây dáng thế hoàn chỉnh, thậm chí là cây nguyên liệu, đều tìm đến Gò Vấp. Đây là một thế mạnh mới của làng hoa Gò Vấp, là cứu cánh cho hàng trăm hộ dân chuyên nghề trồng hoa nơi đây…

Năm mới 2009 đã đến, Xuân Kỷ Sửu đang về, những người đang trăn trở về sự tồn vong của làng hoa Gò Vấp đã và đang có quyền hi vọng về sự phồn thịnh trở lại của một làng hoa...

(Nguồn:hochiminhcity.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *