Điểm Du lịch

Làng dệt lụa Vạn Phúc

Vừa rẽ vào con đường làng, chúng tôi đi giữa "phố lụa" sặc sỡ trong tiếng thoi đưa lách cách giục giã. Trong các cửa hàng sang trọng chạy dọc con đường rải nhựa là các mặt hàng quần áo, túi xách, vải kiện bằng tơ tằm như vân, sa, quế, lụa sa tanh hoa, đũi, taffata...

Theo những tiếng thoi đưa, chúng tôi đi dọc theo các con ngõ nhỏ đến thăm các xưởng dệt thủ công. Nét truyền thống còn lấp ló đâu đó sau những dãy cửa hàng cửa hiệu, trên những khung cửi thủ công vẫn còn được một số gia đình lưu giữ hay qua hình ảnh phiên chợ quê nằm ngay giữa làng, bến nước mái đình và cổng làng rêu phong cổ kính.

Đi hết một con ngõ nhỏ sâu hun hút, đập vào mắt chúng tôi là những "con sóng" lụa đủ màu dập dềnh bên những thửa ruộng trong ánh nắng hiếm hoi đầu Đông. Ở đây, chúng tôi bắt gặp những tốp khách du lịch ngoại quốc và sinh viên mỹ thuật đang cố thu hết vào ống kính máy ảnh của mình làn sóng màu sặc sỡ này.

Nằm bên bờ con sông Nhuệ hiền hòa, ngay sát cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội, làng lụa Vạn Phúc từ lâu đã rất nổi tiếng với nghề dệt lụa truyền thống. "Lụa Hà Đông" cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nôi, thường được nhắc đến trong thơ ca xưa.

Chuyện kể rằng, cách đây khoảng 1200 năm, bà A Lã Thị Nương, một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc. Bà đã truyền nghề lại cho dân làng và sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng.

Lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra quốc tế tại các hội chợ Mácxây và Pari (Pháp) năm 1931 và năm 1938. Nó được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của Việt Nam và rất được ưu chuộng tại các nước Pháp, Thái Lan, Inđônêxia... Từ 1958 đến 1988, sản phẩm hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu, thu ngoại tệ về cho đất nước.

Vạn Phúc hiện có 785 hộ dân làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ của làng. Hàng năm, Vạn Phúc sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của xã (khoảng 27 tỷ đồng). Hiện nay, Vạn Phúc có trên 1.000 máy dệt và hàng ngày có khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến đây làm việc. Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với trên 100 cửa hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.

Theo ông Nguyễn Hữu Chỉnh, chủ tịch hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, sản phẩm lụa chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường nội địa. Làng Vạn Phúc cũng là nơi cung cấp cho các cửa hàng trên phố Hàng Gai, Hàng Đào. Hoạt động của làng nghề chủ yếu tập trung vào mùa Xuân và Hạ.

Hiện nay, lượng hàng xuất khẩu chưa cao do chất lượng tơ chưa ổn định và công tác tiếp thị vẫn còn yếu. Nguồn nguyên liệu nằm rải rác khắp nơi và vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công. Phần lớn tơ được cung cấp bởi các địa phương trong cả nước, như Mỹ Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ (Hà Nội), Bắc Ninh, Nam Hà, Thái Bình, Đà Nẵng và Lâm Đồng.

Hiệp hội đang tham gia triển khai dự án quy hoạch 15 ha khu sản xuất tập trung nằm biệt lập ở rìa làng nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường (nước thải và tiếng ồn). Đây là chương trình rất lớn của làng nghề với tổng số vốn đầu tư 60-70 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo quy hoạch, khu sản xuất này sẽ được chia lô cho các hộ tự xây nhà xưởng và lắp đặt máy móc thiết bị. Sẽ có hai khu vực biệt lập giành cho sản xuất và bán hàng. Ngôi làng cũ sẽ được cải tạo thành khu du lịch. Một tương lai tươi sáng đã bắt đầu hé mở./.

(Nguồn tin: TTXVN)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *