Điểm Du lịch

Hầm chỉ huy của Bộ Chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Tam Đảo

Dãy núi Tam Đảo đứng giữa vùng núi trung du, có trên 10 đỉnh núi, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Riêng đỉnh núi giữa thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tiếp giáp giữa hai tỉnh là Tuyên Quang và Thái Nguyên.

Đây là một danh thắng nổi tiếng, đồng thời là địa bàn chiến lược về quân sự quốc phòng, an ninh. Từ những năm đầu thế kỷ 20 Pháp đã chọn Tam Đảo để xây dựng các biệt thự đẹp, bể bơi, khách sạn, vườn hoa nhằm phục vụ quan lại người Pháp lúc bấy giờ. Tại đây diễn ra những trận đánh đã đi vào lịch sử. Tiêu biểu là: Khi Nhật đảo chính Pháp chúng đã biến Tam Đảo thành nơi giam giữ hơn 100 người cả Pháp lẫn Việt.

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái do đồng chí Thạch Sơn chỉ huy đêm 16/7/1945 đã đánh vào đồn Nhật tại Tam Đảo, tiêu diệt 11 tên địch và thu được nhiều chiến lợi phẩm. Tính từ đỉnh núi Tam Đảo, theo đường chim bay chỉ khoảng hơn chục cây số thì đến trung tâm huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là cái nôi của cách mạng Việt Nam. Năm 1947 Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chọn Tam Đảo để xây dựng sở chỉ huy chiến dịch Trần Hưng Đạo. Cho đến những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, khi mà đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nước ta lần thứ nhất, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn Tam Đảo để xây dựng hệ thống hầm hào trú ẩn. Thứ nhất vì Tam Đảo cách Thủ đô Hà Nội không xa, chỉ khoảng hơn 50 chục cây số; Thứ hai có khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, có núi rừng hiểm trở che chắn, bao bọc, địch khó phát hiện nên rất đảm bảo an toàn. Mục đích của việc xây dựng hầm trú ẩn là để đảm bảo an toàn tính mạng cho các đồng chí trong Bộ Chính trị, khi bị địch bắn phá bằng hoả lực hoặc dùng máy bay oanh tạc. Vì thế hệ thống hầm trú ẩn và hai nhà nghỉ của Trung ương Đảng được triển khai xây dựng và hoàn thành ngay trong năm 1965, do Trung đoàn 600, Bộ Tư lệnh Công binh thiết kế và xây dựng, gồm có 5 hầm.

Hầm số 1 tại khu nhà nghỉ biệt thự 18A, do Ban Quản trị Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng quản lý. Nhà nghỉ rộng 600 mét vuông, là nơi làm việc, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cả trong những năm kháng chiến chống Mỹ cũng như những năm gần đây. Sinh thời đồng chí Lê Duẩn, Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thường xuyên về đây nghỉ ngơi và làm việc. Đồng chí Trần Đức Lương, Nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, hầu như là cách năm lại về đây nghỉ ngơi một hai tuần. Về hầm trú ẩn: Được thiết kế ngay lối cửa phụ của nhà nghỉ. Hầm có hai cửa, một cửa vào và một cửa thoát hiểm. Đường hầm rộng 0, 9 mét, cao 2 mét, có 12 bậc xuống chiều dài 28 mét, được thiết kế hình chữ Z, tường chắn được xây bằng đá dày 1 mét, phía trên nóc hầm được kè một lớp đá dày 9 đến 10 mét, mặt trên được trồng cỏ và cây xanh xung quanh tránh sự phát hiện của máy bay địch. Hiện nay hệ thống hầm này đã xuống cấp, bị nước thẩm thấu, hệ thống điện bị hỏng, đi vào thăm, kiểm tra rất khó khăn.

Hầm số 2, tại nhà nghỉ biệt thự Trung ương 18B, do Ban Quản trị Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng quản lý. Về nhà nghỉ: Được thiết kế 3 tầng, rộng 500 mét vuông. Sinh thời Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường xuyên về đây làm việc, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng cho đến những ngày cuối đời. Nguyên Tổng Bí thư Trường Trinh cũng đã nhiều lần về đây nghỉ ngơi. Về hầm trú ẩn: Được thiết kế gần nhà nghỉ, cửa vào hầm sát liền kề với cửa chính của nhà nghỉ. Hầm dài 27 mét, có 20 bậc lên xuống, một cửa vào, một cửa thoát hiểm, đường hầm rộng 0,9 mét cao 2 mét, trong hầm có phòng họp rộng 12 mét vuông, được xây toàn bộ bằng đá dày 1 mét, trên nóc hầm được kè đá dày 9 - 10 mét. Đứng ở cửa thoát hiểm dùng ống nhòm ta có thể quan sát được toàn bộ phía Tây của dãy núi Tam Đảo. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước hầm này đã một hai lần được Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp, chỉ huy vạch kế hoạch tác chiến. Trong hầm này trước đây được trang bị đầy đủ hệ thống điện thoại, điện lưới, có thể kê được bàn ghế, giường nằm phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu của Bộ Chính trị.

Hầm số 3 là hầm nhà rông: Tại hầm này cuối năm 1967 Bác Hồ đã về đây nghỉ và làm việc một thời gian ngắn. Hầm này được thiết kế hình cánh cung, ngay sát mép đường, nằm cạnh sườn núi, có một cửa vào và một cửa thoát hiểm, đường hầm dài 26 mét, rộng 0, 9 mét, cao 2 mét, được xây kè bằng đá dày 1 mét, trên nóc hầm kè lớp đá dày 7- 8 mét. Hiện nay cả hai cửa hầm này đều bị xây bịt kín.

Hầm số 4: Nằm giữa phía sau của khách sạn Ngôi Sao. Cũng như các hầm khác có một cửa vào và một cửa thoát hiểm. Đường hầm dài 28 mét, rộng 0,9 mét, cao 2 mét, xây bằng đá dày 1 mét, hầm này được thiết kế hình chữ chi đi lại lắt néo, bí mật, phía trên nóc hầm kè một lớp đá dày 7-8 mét. Hiện nay trong hầm chứa đầy rác thải, không thể đi vào được.

Hầm số 5 (cạnh nhà nghỉ Công đoàn cũ) có hai cửa, một cửa vào và một cửa thoát hiểm, đường hầm được thiết kế hình chữ Z, dài 26 mét, rộng 0, 9 mét, cao 2 mét, trên nóc hầm được phủ một lớp đá dày từ 7-8 mét.

Cả 5 hầm trú ẩn trên tuy được thiết kế ở 5 địa điểm khác nhau, nhưng kết cấu, kiến trúc, kích thước gần giống nhau, tạo thành một thế trận phòng thủ vững chắc liên hoàn, nằm tại trung tâm thị trấn Tam Đảo hàm chứa nhiều ý nghĩa lịch sử. Đường lên đỉnh núi Tam Đảo thời kỳ đánh Mỹ quanh co, hiểm trở, đường đất lầy lội, có nhiều đoạn cua tay áo, đi lại rất khó khăn, vậy mà trong năm1965 dưới những làn bom đạn Mỹ dày đặc, nhân dân thị trấn Tam Đảo cùng các chiến sĩ Công binh của Trung đoàn 600 đã không quản ngày đêm, mưa phùn gió bấc, đường xá trơn trượt, vận chuyển hàng chục nghìn mét khối đá, sắt thép, xi măng, vừa xây dựng vừa chống trả những đợt oanh tạc của địch. Vì vậy công trình này có rất nhiều kỷ niệm với những chiến sĩ Công binh, Trung đoàn 600 và nhân dân Tam Đảo.

Hệ thống hầm trú ẩn nằm trên dãy núi Tam Đảo trong những năm kháng chiến chống Mỹ là một nơi trú ẩn an toàn bí mật, đã che trở, bao bọc cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bên cạnh hệ thống hầm trú ẩn, còn có hai biệt thự nhà nghỉ Trung ương 18A và 18B, các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh... đã nhiều lần về đây làm việc và nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Vì vậy có thể khẳng định hệ thống hầm trú ẩn của Bộ Chính trị nằm trên đỉnh núi Tam Đảo là một chứng tích lịch sử, một địa bàn kháng chiến trong lòng đất. Tuy vậy, sau nhiều năm hoà bình, cùng với sự tàn phá khốc liệt của thời gian, sự phát triển của cơ chế thị trường, nhiều khách sạn, nhà nghỉ đã xây dựng chen lấn, thậm chí có những hầm trú ẩn bị rác thải lấp đầy, cửa hầm đã xây bịt kín. Một chứng tích mang nhiều ý nghĩa lịch sử, nhưng nhiều năm qua không phát huy được tác dụng.

Tam Đảo là danh thắng trên đỉnh núi đẹp thứ hai trong số các tỉnh ở Tây Bắc, chỉ sau danh thắng Sa Pa của tỉnh Lào Cai và là địa điểm du lịch đẹp nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Qua 12 năm tách tỉnh đến nay, khu nghỉ mát Tam Đảo đã được đầu tư, nâng cấp thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Nhưng thiết nghĩ việc khai thác, sử dụng cũng chưa tương xứng với tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng cho đỉnh núi Tam Đảo. Để Tam Đảo thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch trong và ngoài nước, song song với việc quảng bá hình ảnh khu nghỉ mát Tam Đảo, cần phải mở rộng, sửa chữa, nâng cấp các khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, tạo cảnh quan, không gian hài hoà, gần gũi với thiên nhiên.

Một là: Tiến hành đầu tư sửa chữa, nâng cấp toàn bộ hệ thống hầm trú ẩn của Bộ Chính trị trên thị trấn Tam Đảo, cần thiết thì phải mở rộng, thiết kế xây thêm các bậc, lấy ánh sáng tự nhiên, kè đá mở rộng và chiều dài đường hầm, tạo ra những không gian gần gũi với thiên nhiên, làm được như vậy chắc chắn xẽ thu hút được nhiều khách tham quan hơn. Vì tâm lý chung của khách du lịch là luôn luôn muốn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ. Trong quá trình cải tạo, nâng cấp bên cạnh việc bảo đảm về chất lượng, thì phải chú ý tới thẩm mỹ, cảnh quan sao cho hài hoà với quy hoạch tổng thể của khu du lịch.

Hai là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá khu nghỉ mát Tam Đảo nói chung và hệ thống hầm trú ẩn của Bộ Chính trị nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Để quy hoạch, nâng cấp, sửa chữa hệ thống hầm chỉ huy của Bộ Chính trị trên đỉnh núi Tam Đảo đạt được mục đích, yêu cầu và đúng tầm với những ý nghĩa lịch sử, thì cơ quan chủ quản cần phải khảo sát kỹ lưỡng, tranh thủ tham khảo ý kiến của các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, các tổ chức chính trị, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh.

Ba là: Lựa chọn và cử cán bộ tiếp tục sưu tầm, tìm hiểu tư liệu về hệ thống hầm trú ẩn của Bộ Chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ làm cơ sở để tuyên truyền, giới thiệu với khách du lịch về những năm tháng sống và làm việc tại Tam Đảo của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Để quy hoạch hệ thống hầm trú ẩn vừa là địa điểm tham quan du lịch, vừa là nơi trú ẩn an toàn của Bộ Chính trị khi có tình huống xẩy ra, nếu cần phải báo cáo Ban Bí thư và Bộ Quốc phòng xin ý kiến chỉ đạo.

Nếu hệ thống hầm trú ẩn này được sửa chữa hoàn chỉnh, đưa vào khai thác sử dụng trước hết có ý nghĩa lớn về chính trị, để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, và coi Tam Đảo như một điểm du lịch trở về cội nguồn của du khách, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến Tam Đảo.

(Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *