Điểm Du lịch

Đình Làng Dọc

Nằm trong vùng chiến khu cách mạng, xã Việt Hồng huyện Trấn Yên (Yên Bái) có nhiều di tích lịch sử được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hoá như: Đình làng Vần, Nhà ông Trần Đình Khánh, Hang Dơi. Mới đây, Đình làng Dọc - nơi còn giữ được những nét văn hoá Kinh - Tày độc đáo đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo quyết định số 41/QĐ/UB ngày 4/2/2005.
Làng Dọc có tên cổ là Bản Guộc hay bản Lọc, nghĩa tiếng Tày là bản Rừng rậm. Nơi đây xưa kia mọc nhiều cây dọc, quả được dân bản ép làm dầu thắp sáng. Đình làng Dọc được xây dựng từ đầu thế kỷ 19. Đời vua Khải Định (triều Nguyễn), đình được vua ban sắc phong. Theo lời kể của các bậc cao niên ở đây thì các đời vua khác cũng có sắc phong cho đình nhưng do chiến tranh loạn lạc nên các sắc phong này đã bị mất, bị giặc đốt cháy nay chỉ còn một bản.

Đình làng Dọc gồm 5 gian 2 trái, kiến trúc chữ “đinh”. Gian trước được kiến trúc cung thờ, loại kiến trúc tôn giáo. Hiên trái phía đông được chọn làm cửa chính vào đình. Nét đặc dị này do dải đồi nơi xây dựng đình tạo nên và chính điều đó đã góp phần làm nên cảnh trí độc đáo của Đình làng Dọc. Đình nhìn ra suối nước trong xanh có mỏ nước ngầm chảy 4 mùa, tương truyền đó là long mạch của đình và trên mỏ nước là phiến đá lớn nơi còn lưu giữ vết chân ngựa của người xưa đến vùng đất này khai khẩn. Sân trước đình hẹp, kề sát vực suối và mỏ nước ngầm. Trái đình kề dải đồi dốc thấp được chọn làm nơi lên xuống, đón khách chiêm bái. Năm 1947, khi giặc Pháp quay lại chiếm khu cách mạng Vần - Dọc, chúng đã xây lại đồn cách đình 500m ở Gò Dứa, đối diện mặt trước của đình. Chúng đốt phá làng mạc nhưng tuyệt nhiên không dám đụng đến ngôi đình mà vào ngày rằm, mồng 1 hàng tháng bọn lính đánh thuê người Việt còn đến cửa đình cúng bái cầu thành Hoàng làng. Thời kỳ này Đình làng Dọc trở thành Đài quan sát lợi hại của lực lượng du kích. Lễ hội Đình làng Dọc được tổ chức 2 kỳ trong năm vào mồng 3 mồng 4 tháng giêng âm lịch (gọi là lễ hạ điền) và 13, 14 tháng 7 âm lịch (lễ hội cầu Thần Nông). Lễ cúng trong các ngày hội gồm 4 mâm cỗ chay và 27 mâm cỗ mặn. Riêng lễ tháng 7 còn có thêm thịt trâu hay thịt dê. Lễ hội Đình làng Dọc mang đậm sắc thái của người Kinh và người Tày cổ. Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhân dân trong vùng dựng đình lá để tổ chức lễ hội hàng năm.

Từ năm 1944 ngôi đình được nhân dân đóng góp xây dựng lại khang trang như ngay nay. Với tâm nguyện cầu cho lúa tốt mạ xanh, cầu cho dân an thịnh vượng, nhà nhà ấm no hạnh phúc... Phần lễ đình được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, không lợi dụng mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, phần hội cũng được tổ chức rất đa dạng, phong phú với hội chơi đu, hội còn, hội yến, hội hát đối, hội chọi gà... cùng những điệu xoè then duyên dáng của các bà, các chị, của thiếu nữ Tày, Kinh. Ngoài thờ thần linh, thờ thành Hoàng làng, Đình làng Dọc còn thờ ông tổ họ Phạm (hai người này được vua Khải Định ban sắc phong) và 6 dòng họ khác có công khai khẩn ra vùng đất này từ thế kỷ 18. 

Vì thế lễ hội Đình làng Dọc không chỉ mang đậm mầu sắc tâm linh mà qua đây lưu truyền và bảo tồn được nét đẹp cùng những giá trị đặc sắc của văn hoá truyền thống, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm; đây cũng là dịp để những người đang sống tưởng nhớ đến tổ tiên ông cha đã có công khái khẩn ra mảnh đất này. Gắn với lịch sử thăng trầm của vùng đất phía tây nam tỉnh Yên Bái, được thừa hưởng sự linh thiêng của đời xưa, vì lẽ đó Đình làng Dọc có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng. Hội đình đã thu hút được nhân dân các dân tộc Tày, Kinh, Thái, Mường ở 17 mường, 14 bản của xã Việt Hồng và xã Đại Lịch huyện Văn Chấn về dự lễ hàng năm.

Đình làng Dọc được công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh là điều kiện tốt để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc trong vùng, đồng thời mở ra hướng phát triển mới, đưa kinh tế Việt Hồng những năm tới phát triển theo hướng: nông lâm nghiệp - dịch vụ gắn với khai thác tốt những tiềm năng du lịch sẵn có, phấn đấu đến năm 2010 mức bình quân thu nhập đầu người đạt 6 triệu đồng trở lên.

(Nguồn: yenbai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *