Điểm Du lịch

Di tích Mái đá Vàng

Di tích Mái đá Vàng thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư được các nhà khảo cổ học đánh giá là một trong những mắt xích quan trọng trong lịch sử phát triển văn hoá tiền sử khu vực Tràng An với những đặc trưng nổi bật về công cụ đá ghè đẽo làm từ đá vôi, đồ gốm văn thừng và truyền thống khai thác nhuyễn thể biển và núi của cư dân nguyên thuỷ.

Mái đá Vàng nằm ở tọa độ 20013’48’’ vĩ Bắc và 105054’27’’ kinh Đông trên dãy núi đá vôi có tuổi Triat, là một mái đá cao ráo, thoáng mát, rộng khoảng 100 m2, hẹp ngang trung bình 3,5 m chạy dài theo vách mái đá trên 30m, nền mái đá cao hơn mặt ruộng 14,3 m. Xung quanh Mái đá là thung lũng đá vôi bị đầm lầy hoá với rất nhiều loài thuỷ sinh nước ngọt, cây cối trong vùng quanh năm xanh tốt. Với những điều kiện địa hình tự nhiên như trên Mái đá Vàng là nơi cư trú lý tưởng của người nguyên thuỷ.

 

Năm 2008 di tích Mái đá Vàng được điều tra, phát hiện và công bố. Những người khảo sát cho rằng Mái đá Vàng là di tích cư trú của cư dân thời đại Đá mới (Nguyễn Khắc Sử, Bùi Văn Liêm, Phan Thanh Toàn, Nguyễn Văn Lữ - Những phát hiện mới về khảo cổ học 2008). Và đến tháng 4 năm 2012, trong dự án điều tra, thám sát và nghiên cứu các di tích khảo cổ hang động trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An, góp phần xây dựng hồ sơ di sản thế giới, di tích tiếp tục được nghiên cứu mở rộng và đào thám sát trên diện tích 3,75 m2 (2,5m x 1,5m) do PGS.TS Nguyễn Khắc Sử là người trực tiếp thực hiện.

 

Lần thám sát này đã thu được 466 di vật các loại, trong đó công cụ lao động có 20 công cụ đá và 38 mảnh tước. Các công cụ đá ghè đẽo phần lớn đều làm từ đá vôi, có các loại chặt, nạo, dao cắt; công cụ mài toàn thân làm từ đá trầm tích có rìu, ngoài ra ở đây còn có bàn mài, chày, hòn ghè, đá quặng và thổ hoàng. Mảnh tước có 38 mảnh, đa số là đá vôi, chúng được tách ra trong quá trình ghè đẽo công cụ tại chỗ và là tư liệu xác nhận Mái đá Vàng là nơi chế tác công cụ đá. Trong hố thám sát tìm thấy 408 mảnh gốm tiền sử và 39 mảnh gốm sứ hiện đại. Mái đá Vàng là di tích có mật độ gốm cao nhất hiện nay ở khu vực Tràng An, trên 100 mảnh/ 1m2. Gốm tiền sử có sự diễn biến: Loại gốm chất liệu rất thô, thành gốm dày, xương gốm xốp, trang trí văn thừng đập thô kiểu gốm thời Đá mới, đa số tìm thấy ở các lớp sớm. Còn ở các lớp trên chủ yếu tìm thấy gốm chất liệu mịn, thành gốm mỏng, xương gốm cứng, độ nung cao, trang trí văn thừng mịn và văn chải, tiêu biểu cho gốm thời đại Kim khí.

 

Ngoài ra, đống rác bếp mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở đây khác với các hang động văn hoá Hoà Bình (trong hang động văn hoá Hoà Bình không có vỏ nhuyễn thể biển mà chủ yếu là ốc núi và ốc nước ngọt), khác với cồn hến văn hoá Đa Bút (di tích ngoài trời chứa toàn vỏ hến nước ngọt) và cồn sò điệp văn hoá Quỳnh Văn (di tích ngoài trời, ven bờ biển Nghệ An, thành phần chủ yếu là điệp và sò).

 

Vết tích văn hoá Mái đá Vàng thuộc loại hình nhuyễn thể biển và núi. Các vỏ nhuyễn thể biển ở đây nhiều về số lượng, to lớn về kích cỡ và độ chọn lọc cao về loại hình, gợi ý rằng, chủ nhân khai thác chúng trong điều kiện môi trường khá ổn định, đặc trưng kiểu hình vịnh biển karst kín. Người nguyên thuỷ cũng khai thác một ít ốc núi, ốc suối và săn bắt một số động vật trên cạn, song chưa thấy chúng thay thế lẫn nhau trên địa tầng. Nói cách khác, dường như cư dân ở đây sống và khai thác thức ăn cả ở hai hệ sinh thái nước mặn (biển) và nước ngọt (rừng và suối trên núi).

 

Những người thám sát cho rằng, di chỉ Mái đá Vàng là nơi cư trú, nơi chế tác công cụ, có thể là nơi để mộ táng của cư dân tiền sử. Đây là nơi có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc định cư lâu dài của người nguyên thuỷ. Đặc trưng nổi bật về công cụ đá ở Mái đá Vàng là sự tồn tại song song giữa công cụ cuội nghè đẽo với công cụ đá mài toàn thân. Công cụ đá chủ yếu được làm từ đá vôi. Những công cụ ghè đẽo ở đây có các loại chặt, cắt, nạo, cùng số lượng lớn các công cụ chế biến thực phẩm như chày nghiền, hòn ghè. Trong di tích, kỹ thuật chế tạo công cụ mài đã xuất hiện với những chiếc rìu mài toàn thân và những chiếc bàn mài.

 

Về đồ gốm, di chỉ Mái đá Vàng tồn tại đồng thời các loại gốm chất liệu khác nhau, hoa văn trang trí khác nhau, kỹ thuật chế tạo và độ nung khác nhau. Bước đầu ghi nhận có sự phát triển từ gốm chất liệu rất thô, xương mềm, thành dày sang gốm chất liệu mịn, cứng, thành mỏng.

 

Qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, bước đầu có thể dự đoán di chỉ Mái đá Vàng thuộc hậu kỳ đá mới, có tuổi từ 6.000-4.000 năm cách ngày nay. Giá trị lịch sử - văn hoá nổi bật của di chỉ Mái đá Vàng là sự thích ứng và sáng tạo của cư dân tiền sử trong môi trường biển và núi./.
Nguồn: website báo Ninh Bình

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *