Điểm Du lịch

Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ

Di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ được công nhận là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 27/9/1996 theo Quyết định số 2410- QĐ/ VH của Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin.
Theo Quốc lộ 32 từ Yên Bái vào khoảng 80 km là đến một thị xã nhỏ đầy thơ mộng nằm trong cánh đồng Mường Lò. Đó là thị xã Nghĩa Lộ - một thị xã miền núi nằm ở khu vực Phía Tây của tỉnh Yên Bái. Được thành lập ngày 1/7/1995, dân số 26.785 người, với 16 dân tộc anh cùng chung sống. Thị xã Nghĩa Lộ có 4 phường, 3 xã, điều kiện tự nhiên thuận lợi phía Đông giáp xã Phù Nham - Văn Chấn, phía Tây giáp xã Nghĩa Sơn - Văn Chấn và huyện Trạm Tấu, phía Nam giáp xã Hạnh Sơn - Văn Chấn, phía Bắc giáp xã Sơn A - Văn Chấn. Thị xã Nghĩa Lộ đang vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá phía Tây của tỉnh Yên Bái.

Đến thị xã miền Tây bạn sẽ được thăm nhà sàn Bác Hồ, thăm khu di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ, tham quan và thưởng thức các loại hình văn hoá của dân tộc Thái,… Trong đó, hẳn bạn sẽ không thể nào quên khu di tích Căng và Đồn Nghĩa Lộ, nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng năm 1952 giải phóng Nghĩa Lộ. Đặc điểm nổi bật của khu Căng Đồn là nằm trên trục chính đường Điện Biên (Quốc lộ 32). Đây là điểm trung tâm của thị xã Nghĩa Lộ và vùng lòng chảo cánh đồng Mường Lò.

Khi nhắc tới lịch sử của Căng và Đồn Nghĩa Lộ là nhắc tới địa danh Văn Chấn và nhắc tới lịch sử nơi này thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX. Với ý đồ dập tắt phong trào cách mạng, Thực dân Pháp lập các trại "lao động đặc biệt" tập trung những người yêu nước. Sau khi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể, Thực dân Pháp đã đưa những người yêu nước bị giam về Nghĩa Lộ. Mùa hè năm 1944 chi phủ Văn Chấn đã huy động các tổng, xã bắt phu nộp vật liệu để xây dựng Căng. Thực dân Pháp còn cử tên Đinh Văn Dung và tên Lăm - Be sở mật thám huyện đến kiểm tra đôn đốc khẩn trương ngày đêm. Tháng 1/1945 thì việc xây dựng hoàn thành. Nhìn toàn cảnh lúc này Căng Nghĩa Lộ như một cái tủ dựng đứng có 3 dãy nhà dài "hai dãy là nơi giam giữ chính phạm nam giới, phía trong giam chính trị phạm nữ giới, phía ngoài là nơi thường trực và bên cạnh là trạm gác của lính khố xanh". Bao bọc toàn bộ khu Căng Đồn là hàng rào dây thép gai, phía ngoài hàng rào là hầm sâu có cắm chông, bồn góc Căng có chòi cao sừng sững ngày đêm canh giữ cẩn mật…

Cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân với sự kiện phá Căng Nghĩa Lộ giải phóng Văn Chấn lần thứ nhất năm 1945 ghi lại trang sử oanh liệt. Các chiến sĩ của ta anh dũng hy sinh trên chính khu di tích này và trong cuộc chiến ấy 11 đồng chí đã ngã xuống. 9 đồng chí có tên tuổi và 2 đồng chí chưa rõ tên tuổi. Khi mới đặt chân lên mảnh đất Nghĩa Lộ tham gia kháng chiến vận động nhân dân đi theo con đường cách mạng họ đã làm tốt công tác tuyên truyền và là tấm gương sáng cho những người đi sau vùng lên khởi nghĩa.

Văn Chấn là huyện lớn nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, địa hình là một khu núi rừng trùng điệp có nhiều núi cao, hang động sâu thẳm, là vị trí quân sự có tầm chiến lược quan trọng "tiến có thế công, lùi có thế thủ". Cho nên giặc Pháp đã đặt mục tiêu phải chinh phục cho bằng được Văn Chấn.

Thực hiện ý đồ ấy, ngày 2/10/1947 chúng đem quân đánh tái chiếm Văn Chấn, với âm mưu đánh nhanh và sử dụng lực lượng quân sự mạnh, vũ khí tối tân. Thực dân Pháp muốn khuất phục nhân dân các dân tộc Văn Chấn bằng cách bắn giết hết sức man dợ.

Chiếm được Văn Chấn địch dựa vào những tên tay sai lập nên bộ máy cai trị từ huyện đến xã đồng thời đặt đồn Nghĩa Lộ thành phân khu quân sự mạnh nhất trong 4 phân khu ở vùng Tây Bắc Việt Nam.

Sau khi cắm các đồn bốt và dựng lên bộ máy cai trị, giặc Pháp thực hiện âm mưu chia để trị, dùng người dân tộc này giết người dân tộc khác, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, chúng biến hệ thống ngụy quân ngụy quyền thành một công cụ đàn áp bóc lột nhân dân các dân tộc. Chúng chặt đầu, mổ bụng, moi gan một số cán bộ chiến sĩ của ta. Rồi dùng mô đá trên Ngòi Lao làm pháp trường xử tử 76 cán bộ chiến sĩ giữa dòng nước xiết.

Trong gần 5 năm (1947 – 1952) chiếm đóng Văn Chấn chúng đã giết và gây thương tích cho hơn 300 người, làm mất tích khoảng 56 người. Hàng nghìn con em các dân tộc bị cường ép đi làm lính đánh thuê cho chúng, cầm súng bắn lại đồng bào, đốt phá rừng núi quê hương. Ngoài việc bắn giết chúng còn đốt nhà, phá lúa, cướp trâu bò và hàng nghìn tấn lương thực, hãm hiếp phụ nữ và trẻ em. Chúng bắt đồng bào vào ở ngay dưới chân đồn bốt để cắt đứt liên lạc với Việt Minh và bắt đồng bào quen với sự bắn giết man dợ. Đồng thời làm hàng rào bằng xương bằng thịt ngăn đòn tấn công của quân ta. Những cái nhỏ như củ khoai, củ sắn, bát gạo, lưng cơm và cái quý nhất của con người là tâm hồn thể xác đều bị chúng giành giật và thuộc quyền sở hữu của quan đồn.

Trước sự tàn sát của súng đạn, nhân dân các dân tộc Văn Chấn đã trỗi dậy niềm tin, tình cảm và lòng yêu nước với Việt Minh, với kháng chiến. Nhân dân ta đã nổi dậy với tinh thần quyết chiến quyết thắng và giành được thắng lợi vào lúc 5h30 phút ngày 18/10/1952.

Chính sự ủng hộ của đồng bào và quyết tâm giành độc lập tự do cho Tổ quốc làm quân và dân ta đã lập nên chiến công vang dội mùa thu năm 1952 giải phóng Nghĩa Lộ. Thắng lợi ấy là sự chỉ đạo sáng suốt của TW Đảng, quân uỷ TW, là sự chuyển hướng chiến lược hoàn toàn chính xác, là tinh thần dũng cảm kiên cường, đức tính bền bỉ, dẻo dai khắc phục khó khăn của các chiến sĩ đại đoàn 308, 312, 316.

Trong chiến dịch ấy có những chiến sĩ đã ghi danh như: Đặng Đình Duẩn, một mình xung phong vào hầm địch, Phan Đình Mẫn chặt tay mình để tiếp tục chiến đấu, có đồng chí 5 phút ôm 3 quả bộc phá đồn địch và còn biết bao anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh …

Để tưởng nhớ các trận đấu oanh liệt ngày 25/7/1992, Uỷ ban nhân dân huyện Văn Chấn đã ra quyết định số 18/ QĐ - XD xây dựng "Đài tưởng niệm Căng Nghĩa Lộ" ghi tên 9 đồng chí đã ngã xuống năm 1945:

1- Đồng chí Ngô Gia Bảy, 40 tuổi, dân tộc Kinh. Quê: Phủ Lý, Hà Nam.

2- Đồng chí Nguyễn Doãn Duyệt, 38 tuổi, dân tộc Kinh. Quê: Hải Phòng.

3- Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, 35 tuổi, dân tộc Tày. Quê: Lạng Sơn.

4- Đồng chí Nguyễn Văn Hương, 58 tuổi, dân tộc Tày. Quê: Lạng Sơn.

5- Đồng chí Nguyễn Đăng Kim, 25 tuổi, dân tộc Kinh. Quê: Vĩnh Yên.

6- Đồng chí Đinh Văn Nhu, 42 tuổi, dân tộc Kinh. Quê: Hải Phòng.

7- Đồng chí Nguyễn Văn Phùng, 26 tuổi, dân tộc Kinh. Quê: Bắc Sơn, Lạng Sơn.

8- Đồng chí Phạm Quang Thẩm, 42 tuổi, dân tộc Kinh. Quê: Vũ Thư, Thái Bình.

9- Đồng chí Phạm Văn Vi, 28 tuổi, dân tộc Kinh. Quê: Hà Nam.

Và thể theo nguyện vọng của nhân dân các dân tộc, cựu chiến binh các đại đội chủ lực vào giải phóng Nghĩa Lộ, để ghi lại truyền thống cách mạng, ca ngợi chiến công, khí phách hào hùng của lực lượng vũ trang, tinh thần quật khởi giành tự do của nhân dân các dân tộc trong vùng, đồng thời bổ sung thiết chế văn hoá đô thị khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái, ngày 28/3/1997 Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã có công văn đồng ý xây dựng "Tượng đài chiến thắng thị xã Nghĩa Lộ".

Như vậy, hiện nay khu di tích bao gồm: 1 đài tưởng niệm Căng Nghĩa Lộ, 1 tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ mang hình tượng anh bộ đội cụ Hồ và nhân dân các dân tộc trong chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ tháng 10/1952, cùng với nhà bia ghi tên các liệt sỹ.

Cũng ở chính khu di tích này, hàng năm nhân dân địa phương đều đến thắp hương tưởng niệm. trong các dịp lễ tết, các ngày kỷ niệm (22/12, 18/10, …), các đồng chí lãnh đạo thị xã, những đoàn khách tham quan đã đến thắp hương và ôn lại khí thế hào hùng của những ngày tháng, giờ phút lịch sử. Căng và Đồn Nghĩa Lộ là khu di tích lịch sử thời kháng chiến chống Pháp. Nơi đây đã từng là cứ điểm trọng yếu, là đại bản doanh của Bộ chỉ huy quân khu mà Thực dân Pháp xây dựng nên. Cũng chính tại nơi này, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

(Nguồn: yenbai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *