Di tích lịch sử, văn hóa

Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ (1954)

Thị trấn Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ (cũ) nay là thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang là nơi được chọn đóng trụ sở của Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ, có vị trí chiến lược quan trọng, đây là trung tâm của hai điểm tập kết Cần Thơ và Cà Mau. Đường bộ nằm giữa Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ l) từ thành phố Cần Thơ đi Sóc Trăng, cách thành phố Cần Thơ 30 km và cách Sóc Trăng 30 km. Đường thủy nằm bên dòng sông Cái Côn nối liền sông Hậu lên thành phố Hồ Chí Minh và xuống Ngã Năm, Chắc Băng (Cà Mau) ra biển v.v... rất thuận lợi trong việc đi lại, chuyển quân tập kết. Trụ sở Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ nguyên là ngôi nhà của ông Hà Văn Phú (chủ tiệm chụp hình Việt Nam, ở chợ Phụng Hiệp), xây dựng vào năm 1928.

 Toàn khu di tích được xây đựng trên diện tích 1.635 m2. Từ ngoài nhìn vào trước cửa trụ sở có một bảng lớn, viết bằng hai thứ tiếng Pháp và Việt - SIÈGE DE LA SOUS – COMMISSION MIXTE D'ARMISTICE DE SUD - VIỆT NAM - TRỤ SỞ ỦY BAN LIÊN HỢP ĐÌNH CHIẾN NAM BỘ.

Trước trụ sở chính có 2 cột cờ. Một cột cờ treo lá cờ đỏ sao  vàng - Quốc kỳ Việt Nam. Cột thứ hai treo cờ Tam Tài - Quốc kỳ của Pháp, dưới đuôi lá cờ Tam Tài còn đeo thêm lá cờ Ba que của ngụy quyền, đã chứng tỏ sự lệ thuộc bám víu nhục nhã của ngụy quyền Sài Gòn.

Phía trái của trụ sở là khu nhà sàn bán kiên cố được xây dựng theo kiểu chữ U, nhà của lực lượng bảo vệ phái đoàn Việt Nam ở.

Dưới mé sông trước ngô i nhà sàn là một cầu tàu bằng gỗ để chiếc tàu Hòa Bình của phái đoàn ta cập bến. Mỗi lần chiếc tàu Hòa Bình có biểu tượng chim bồ câu trắng ở hai bên mạn tàu, trên nóc tàu có lá cờ đỏ sao vàng phất phới tung bay, chở phái đoàn ta từ căn cưở Hàng Điệp ra trụ sở họp, nhân dân hai bên bờ sông và chợ Phụng Hiệp vui mừng đón chào, vỗ tay vang dội... cổ vũ phái đoàn ta hằng ngày.

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'', buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève đình chiến ở Đông Dương.

Hiệp định Genève ký ngày 20-7-1954, gồm 6 chương, 47 điều Nội dung quan trọng là Pháp công nhận nền độc lập của nước Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời. Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Nam tập kết ra miền Bắc. Quân đội của thực dân Pháp phải chuyển vào miền Nam. Miền Bắc nước ta đã hoàn toàn giải phóng, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau hai năm, hai miền sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Để giám sát và điều hành việc thực hiện Hiệp định đình chiến giữa hai bên, theo chương 6 của Hiệp định (từ điều 28 đến điều 47) qui định cách tổ chức và hoạt động của Ủy ban Liên hợp và Ủy ban Giám sát quốc tế ở Việt Nam. Từ tinh thần trên, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương được thành lập do thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm trưởng đoàn. Hội nghị quân sự Trung Giã, Trung ương quyết định thành lập Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam bộ, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký ngày 22 tháng 7 năm 1954, để Ủy ban Liên hợp đình chiến chỉ đạo theo dõi việc thi hành Hiệp định và bố trí lực lượng chuyển quân tập kết đúng thời hạn qui định.

alt

                    Đ/c Phạm Hùng và đ/c Phan Trọng Tuệ với phái đoàn Ủy ban Liên hợp Pháp

Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam bộ đóng trụ sở tại thị trấn Phụng Hiệp, phái đoàn của Việt Nam do đồng chí Phạm Hùng - ủy viên Trung ương Đảng, cấp bậc đại tá làm Trưởng đoàn, phó đoàn là đồng chí Phan Trọng Tuệ và một số ủy viên, cán bộ như sau:

- Đồng chí Nguyễn Văn Long: phụ trách tổ chức lực lượng bảo vệ.

- Đồngchí Nguyễn Ván Châu: phụ trách chuyển quân tập kết.

- Đồng chí Hoàng Gia Lợi: phụ trách đấu tranh chính trị, dân sinh dân chủ với địch.

- Đồng chí Nguyễn Kim Cương: phiên dịch tiếng Pháp.

- Đồng chí Nguyễn Văn Kha: phiên dịch tiếng Anh.

- Đồng chí Quang Hưng: Thư ký tốc ký

- Đồng chí Cà Mau (Năm Đen): phụ trách đội bảo vệ.

Ngoài ra còn một số đồng chí được Trung ương cục cử phục vụ Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam bộ như: luật sư Nguyễn Văn Thậm, đồng chí Tô Bửu Giám, đồng chí Trần Hữu Phước v.v...

Phái đoàn của Pháp do đại tá Duque làm trưởng đoàn (sau đổi đại tá Colelen Bazien), Phó đoàn là trung tá Magron. Ngoài ra còn có một số trung tá ngụy làm phiên dịch và một nữ thư ký phái đoàn mỗi bên có khoảng 5 người thường trực gồm: Trưởng, phó đoàn, thư ký, phiên dịch... Trong suốt thời gian làm việc của Ủy ban Liên hợp đình chiến Nam bộ có sự bảo vệ, canh gác của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội và Quân đội Liên hiệp Pháp.

alt

Hai phái đoàn đang làm việc tại trụ sở Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ 

Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ bao gồm 2 phân Liên  khu:

* Phân Liên khu miền Đông đóng ở căn cứ Dương - Minh - Châu, do đồng chí Trần Văn Trà làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy, điểm tập kết ở Cao Lãnh và Xuyên Mộc.

* Phân Liên khu miền Tây đóng ở Cái Tàu, Cà Mau do đồng chí Dương Quốc Chính làm Tư lệnh, đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Chính ủy, điểm tập kết ở Cà Mau, Giá Rai và Cần Thơ.

Trong thời gian cuối năm 1954 đến đầu năm 1955, phái đoàn ta hướng đàm phán hai bên vào các vấn đề quan trọng chủ yếu:

Đấu tranh buộc địch phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định, tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân Nam bộ; trao trả tù binh bị giam giữ, phái đoàn ta buộc địch phải cung cấp hết toàn bộ hồ sơ, danh sách tù nhân cho ta quản lý (khoảng 4.000); không phân biệt đối xử, không trả thù những người kháng chiến cũ v.v...Trong vấn đề chuyển quân ta kiên quyết đấu tranh với địch, buộc chúng không che kín xe, tàu khi đưa quân ta đến điểm tập trung xuống tàu tập kết.

Sau khi Cao Lãnh và Xuyên Mộc tập kết xong, đến điển Cần Thơ địch gây khó khăn, lý do tàu lớn không vào sông Cần Thơ. Đồng chí Nguyễn Văn Châu thành viên của Ủy ban chuyển quân tập kết, nhanh chóng mướn hoa tiêu ở Sài Gòn và sau 3 ngày khảo sát đã đưa tàu STAIPOPOL trọng tải 10.000 tấn của Liên Xô đã vào được sông Cần Thơ. Trong chuyến tập kết đầu tiên của quân dân Cần Thơ có mang theo khẩu đại bác 105 ly, chiến lợi phẩm quân dân ta thu được của địch trong trận Tầm Vu IV ( 19-4-1948). Những chuyến sau, ta tập kết ở Chắc Băng. Sông Dốc, Cà Mau do 2 tàu KILINSKI (Ba Lan) và ARKHANGEL (Liên Xô) trọng tải 30.000 tấn đưa cán bộ, chiến sĩ ta ra miền Bắc.

Ngoài việc đấu tranh buộc địch thi hành nghiêm chỉnh Hịêp định, Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ rất quan tâm tuyên truyền về các nước XHCN, về miền Bắc XHCN, về Bác Hồ v.v...Hằng đêm đều có tổ chức văn nghệ và chiếu phim ở hai điểm: thị trấn Phụng Hiệp và căn cứ Hàng Điệp (xã Tân Phước Hưng) nơi đóng quân của phái đoàn ta, đã thu hút đông đảo đồng bào ở thị trấn và vùng lân cận đến xem. Các phim được chiếu thường xuyên như: ''Chiến thắng Điện Biên Phủ'', ''Công phá Bá Linh;', ''Con Cò Vàng'', ''Bạch Mao Nữ'', ''kỷ niệm ngày 1-5-1953 tại quảng trường đỏ Mátxcơva'', ''Thành tựu nước Cộng hòa Ác - Mê - Nia'' v.v... đã gây không khí phấn khởi và ảnh hưởng chính trị rất lớn trong quần chúng.

Cán bộ chiến sĩ ta rất quan tâm về công tác địch vận, tuyên truyền vận động giác ngộ được một số lính gác Algérie phản chiến. Sau đó Pháp phát hiện thay toàn bộ số lính gác này bằng lính Pháp chính quốc. Những người lính Algérie sau khi về nước, họ từ bỏ hàng ngũ địch tham gia vào lực lượng cách mạng Algérie và họ giữ mãi trong người tấm huy hiệu lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đó là vật kỷ niệm mà các cán bộ, chiến sĩ ta tặng cho họ rong những ngày bảo vệ Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ, tại Phụng Hiệp.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chuyển quân tập kết, tháng 2-1955, phái đoàn Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ của ta rút ra Trung ương (Hà Nội) nhận nhiệm vụ mới. Trên đường đi từ Phụng Hiệp đến Sóc Trăng để lên máy bay ra Hà Nội, dọc hai bên đường là cả một rừng cờ đỏ thắm, hàng ngàn cánh tay của đồng bào ta giơ cao chào tạm biệt, hàng vạn tờ truyền đơn tung bay trong gió, kêu gọi đồng bào ta hãy giữ vững ý chí chiến đấu, kiên quyết đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định và khẳng định niềm tin vào Trung ương Đảng, Bác Hồ, ngày thắng lợi thống nhất Tổ quốc.

Di tích lịch sử Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ ở thị xã Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng và xây dựng niềm tin vào thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ ý nghĩa trên Bộ Văn hóa – Thông tin ra Quyết định số 2327.QĐ/VH, ngày 28/6/1996 công nhận trụ sở Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam bộ tại thị xã Ngã Bảy là di tích lịch sử cấp quốc gia.

(Nguồn: haugiang.gov.vn)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *