Di tích lịch sử, văn hóa

Tháp Bình Lâm

Tháp Bình Lâm nằm sát ven sông Gò Tháp đổ ra cửa biển Thị Nại của xóm Long Mai, thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Người xưa đã lấy tên thôn Bình Lâm để đặt tên cho ngọn tháp này. Tháp Bình Lâm được xếp hạng di tích năm 1993.

Tháp Bình Lâm bình đồ vuông, về hình thức tạo dáng, tháp cũng được xây cất theo kiểu tầng như các tháp khác, cửa chính quay về phía Đông, còn ba mặt là cửa giả quay về ba hướng Tây - Nam - Bắc. Trong các cửa giả, cửa phía Tây và cửa phía Nam là còn nguyên, cửa chính và cửa phía Bắc đã bị sụt lở phần vòm. Phần lớn các cửa giả đều được xây nhô ra cách thân tháp chừng 1,5m. Những cửa giả này, phần vòm được tạo nhiều lớp mái vòm nhọn, mỗi vòm như vậy tạo cảm giác như một tòa lâu đài thu nhỏ, trong các ô khám của “tòa lâu đài” đều có tượng thần bằng đất nung, nhưng đã bị mất từ lâu.

Tuy nằm ở vị trí bằng phẳng, song với chiều cao của tháp trên 20m, khi đứng dưới chân ngước mắt nhìn, vẫn thấy dáng cao vút uy nghi của kiến trúc. Cái đẹp nhất ở đây là những vòm cửa giả, mỗi cửa giả là một tác phẩm nghệ thuật sinh động mà những người nghệ sĩ Chăm vô danh gửi lại cho hậu thế. Giáp với mái và thân, tháp lại được trang trí những mô típ hoa văn kiểu chuỗi hạt uốn lượn liên hoàn hình chữ U chạy vòng quanh tháp. Lên các tầng trên, hoa văn cũng được lặp lại như vậy.

Ở Bình Lâm, các mô típ hoa văn đều được tạo trực tiếp lên gạch với hình dáng tỷ lệ cân đối, điều đó đã tạo vẻ đẹp cho di tích này. Những họa tiết trang trí các tháp góc và những hình ảnh tòa lâu đài trên các cửa giả, cùng với những hoa văn trang trí kiểu chuỗi hạt, cho thấy ở tháp Bình Lâm một xu hướng mới đã bắt đầu xuất hiện.

Ngoài các cửa giả như mọi tháp Chăm khác, mặt tường bên ngoài của tháp Bình Lâm cũng được trang trí bằng hệ thống các cột ốp, nhưng có điểm khác biệt là đường rãnh ở cột ốp không tách cột ốp thành một đôi cột đứng song đôi, không còn hoa văn phủ kín bề mặt cột ốp và vòng đai bao quanh khung trang trí nằm giữa các cột ốp. Vòm cửa đã bắt đầu vươn cao hình mũi giáo, một xu thế đơn giản để đi đến dáng vẻ hoành tráng, khỏe khoắn của phong cách kiến trúc Bình Định sau này.Có thể xem Bình Lâm là di tích mang phong cách kiến trúc chuyển tiếp từ thế kỷ X sang phong cách Bình Định cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI.
Nguồn: website báo NTO

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *