Di tích lịch sử, văn hóa

Phủ Quảng Cung

Quảng Cung Linh Từ (Phủ Nấp) thuộc thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên nằm trên một vùng đất có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, đặc biệt là thời Nhà Trần và nhà Mạc, nằm cách không xa Phủ Dầy, trung tâm của Đạo Mẫu Việt Nam. Từ lâu, ngôi đền phủ này thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh- vị thần chủ của Đạo Mẫu tam phủ, Tứ phủ Việt Nam.

Theo “Vân hương Thánh Mẫu tam thế giáng sinh sự tích”: Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất vào đêm ngày 6 tháng 3 năm Giáp Dần (1434) thời Lê Thánh Tông, hoá thân đêm mùng 2 tháng 3 năm Quý Tỵ (1473) thời Hồng Đức thứ tư tại ấp Quảng Nạp, tổng Vỉ Nhuế, huyện Đại An, Phủ Nghĩa Hưng. Phủ Quảng Cung ngày nay là một trong ba nơi thờ phụng ghi dấu lần giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Cách đây 100 năm, Giá Sơn Kiều Oánh Mậu (1854- 1912) đã viết “ Bà là Phật, là Nho, là Tiên, là Thánh. Bà là tất cả”

Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) được xây dựng vào năm thứ tư niên hiệu Hồng Đức (1473). Tương truyền, Phủ được xây dựng trên nền nhà sinh ra Thánh Mẫu ngay sau khi bà mất và được tu sửa nhiều lần, đến năm Duy Tân thứ năm (1911) được tôn tạo to đẹp và trang nghiêm. Trong Phủ vẫn còn đôi câu đối ghi lại dấu ấn này: “Hồng Đức tứ niên sơ lập miếu/Duy Tân ngũ tuế sửa linh từ”. Do tác động của thiên nhiên, giặc dã và chiến tranh, Phủ bị xuống cấp. Năm 1973, nhân dân địa phương đã phục hồi xây dựng công trình bằng nguồn phúc lợi của xã. Năm 1994, Phủ Quảng Cung được phục dựng lại trên nền đất phủ xưa.

alt

Hiện nay trong phủ còn giữ lại được nhiều đồ tế tự tiêu biểu như: tượng Mẫu Phạm Thị Tiên Nga bằng đồng tạc năm 1770, với tư thế ngồi thiền trên toà sen, bát hương bằng đồng, thân chạm lưỡng long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và khắc chữ Hán Quảng Cung linh từ; bát hương bằng đồng; 34 bản khắc gỗ có nội dung của 64 quẻ thẻ, một số hiện vật quý hiếm; một số bia đá, sắc phong hoành phi, câu đối ghi dấu sự tích và ca ngợi công đức của Mẫu từ lâu đời. Từ những giá trị tiêu biểu đó, năm 2005 Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định đã ra quyết định công nhận Phủ Quảng Cung là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Ngày nay, lễ hội Quảng Cung được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tháng 3 âm lịch. Đặc biệt, ngày mùng 4 có lễ rước kinh lấy nước, đêm mùng 4 có lễ tế nến. Đây là nét độc đáo của Phủ Quảng Cung vừa mang tính lễ nghi truyền thống, vừa mang tính nghệ thuật hấp dẫn trong sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *