Di tích lịch sử, văn hóa

Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa Binh

       Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa Binh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 275/QĐ-BT ngày 15 tháng 10 năm 1944. Di tích tọa lạc trên một khu đất rộng, thuộc ấp Suối Cả, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách huyện lỵ Long Thành khoảng 7 km về phía Nam, cách thành phố Biên Hòa khoảng 30 km về hướng Nam. Từ Ngã ba Vũng Tàu theo quốc lộ 51 qua thị trấn Long Thành khoảng 7 km. Phía bên trái, cách quốc lộ 51 khoảng 250 mét là khu di tích mộ Nguyễn Đức Ứng.

Đây là ngôi mộ kiên cố, uy nghi, theo kiến trúc hình Kim Tự Tháp cụt. Theo lời truyền tụng của người dân địa phương, phần mộ là nơi chôn cất Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh hy sinh trong cuộc đánh trả quân Pháp xâm lược năm 1861.

Sau khi được Bộ Văn Hóa -Thông Tin xếp hạng di tích cấp quốc gia. Năm 1996 di tích đã được tôn tạo khang trang, phần mộ được tu bổ bằng bê tông xi măng, xung quanh mộ được bao bọc tường rào, khuôn viên được lát gạch tàu, trồng cây xanh tốt, có nhà bia, lư hương lớn tiện dụng cho việc tế lễ.

Trên phần mộ, một tấm bia khắc dòng chữ “Iceropose Nguyễn Đức Ứng, lãnh binh de’L Amec’ Impreriale Tự Đức De’cedele 26 Decembre 1861.” Nguyễn Đức Ứng là một võ tướng của triều đình nhà Nguyễn đã hy sinh trong buổi đầu chống Pháp ngay trên mảnh đất Long Thành. Ông hy sinh ngày 21 tháng 12 năm 1861. Mặc dù bị thực dân Pháp ngăn cấm nhưng người dân địa phương vẫn âm thầm bí mật an táng ông và 27 nghĩa binh vào một ngôi mộ chung và đắp thành ngôi mộ đất. Về sau không rõ ai đã khắc lên bia đá dòng chữ Hán: Nguyễn Đức Ứng, thân thời- thập nhất nguyệt, thập lục nhật-ghi nhớ ngày Ông hy sinh là ngày 26 tháng 11 năm Tân Dậu. 75 năm sau, năm 1936 một người phụ nữ nói giọng Huế từ Gia Định dày công tìm kiếm; được người dân địa phương giúp đỡ bà đến và phủ phục trước mộ ông. Sau khi lập đàn cúng tế, bà thuê nhân công xây dựng ngôi mộ đất thành ngôi mộ bề thế với lối kiến trúc độc đáo theo hình Kim Tự Tháp.

Người dân địa phương ngưỡng vọng và tôn ông làm phúc thần của làng xã, linh ứng và luôn ban sự bình yên, thịnh vượng cho vùng đất này. Hàng năm, dân làng góp công, góp của cúng giỗ Ông trọng thể, nghiêm trang đã thu hút nhân dân từ khắp mọi vùng về dự lễ.

(Nguồn: dongnai.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *