Di tích lịch sử, văn hóa

Lăng mộ và miếu thờ danh tướng Hoàng Hối Khanh

Lăng mộ danh tướng Hoàng Hối Khanh, nằm trên một khu đất bằng phẳng sơn thuỷ hữu tình gần núi An Mã, thuộc thôn Đại Giang, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy.

Miếu thờ Hoàng Hối Khanh tọa lạc trên một khu đất thiêng tại thôn Hà Thanh, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy.

Lăng mộ và miếu thờ được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ VI (1845), lăng mộ và miếu thờ đã được nhân dân góp công góp của trùng tu lại vài lần. Lăng mộ và miếu thờ xây theo dáng cổ, có mặt bằng hình chữ nhật. Toàn bộ lăng mộ và miếu thờ xây đăng đối theo đường thần đạo. Xung quanh có tường bao bọc. Lăng mộ và miếu thờ làm lễ tưởng nhớ ngày mất của ông vào ngày 6/6 (Âm lịch) và lễ kỳ yên vào ngày quốc khánh 2/9 (cầu cho quốc thái dân an).

Hoàng Hối Khanh sinh vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIV, ở vùng quê hiếu học, có thuần phong mỹ tục là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Với truyền thống của gia đình trí thức và quê hương văn hóa, ông được gia đình cho học hành đến nơi đến chốn, ông đỗ Tiến sỹ năm 1384, dưới thời vua Trần Phế Đế.

Danh tướng Hoàng Hối Khanh là một nhân vật khá đặc biệt trong lịch sử nước ta thời kỳ cuối thế kỷ XIV và những năm đầu thế kỷ XV. Từ khi bước ra sân khấu chính trị (1384) đến khi tuẫn tiết (1407), trên 23 năm làm quan, trong đó có 16 năm dưới triều Trần Mạt và 7 năm ở vương triều Nhà Hồ, ông đã có những đóng góp rất lớn trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế. Ông đã cùng Hồ Quý Ly chèo chống trước sự rệu rã của xã hội cuối triều Trần và hiểm họa xâm lăng đang đến gần. Nhưng có lẽ ông không may trên trường chính trị bởi ông làm quan và có những cống hiến ở vương triều Hồ - vương triều, theo các sử gia phong kiến là nhuận triều, không phải là một vương triều chính thống. Ông từng làm thư sử ở cung Bảo Hoà, tri huyện Nha Nghi chính hình viện Đại Phu, Hành khiển tả ty thị lang, thái thú Thăng Hoa, tiết chế Tân Ninh, An phủ sứ Tam Đái (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), chỉ huy quân lính đắp thành Đa Bang, đóng cọc ở sông Bạch Hạc, cát địa sứ (nhà ngoại giao chịu trách nhiệm Hòa đàm về biên giới). Ông đã tham gia giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, nên ông hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu của bộ máy Nhà nước. Ông cũng rất am hiểu tình hình xã hội, đời sống nhân dân suốt từ Bắc vào Nam, do ông từng làm việc ở rất nhiều địa phương trong cả nước.

Trong cuộc đời làm quan, Hoàng Hối Khanh luôn thanh liêm, chính trực, yêu thương nhân dân và được nhân dân yêu mến, ông thường xuyên đi xuống địa phương kiểm tra tình hình, thông cảm với đời sống đói khổ của nhân dân, nghiêm trị bọn quan lại sách nhiễu dân, răn dạy quan lại phải lấy việc cố kết lòng người làm góc, mở mang kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Khi làm tri huyện Nha Nghi (1385) thấy ruộng đất nơi đây phì nhiêu mà đời sống nhân dân rất cực khổ, nghèo đói, nông dân bỏ làng đi lưu vong, ông lập điền trang, khai khẩn ruộng hoang, thu nạp những người xiêu tán và nhân dân trong vùng đến làm, chẳng bao lâu đã khai khẩn được 500 mẫu đất. Khi đời sống đã khá lên, ông giải phóng những người này, họ được làm những người nông dân tự do. Ông chia điền trang thành các kẻ và nhà. Nhà và kẻ này hình thành cách đây 600 năm nhưng đến nay vẫn còn giữ được một số nghề truyền thống.

Ông đùng chính sách khuyến nông, khuyến khích mọi ngươi cùng làm cùng hưởng, tích trữ quân lương để đề phòng khi có chiến tranh. Ông thường xuyên chăm lo tập luyện quân lính. Khi hòa bình mọi người đều là dân, khi chiến tranh mọi người đều là lính. Bằng những chính sách này ông đã biến tất cả mọi người thành người lính trung thành, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc.

Khi làm An Phủ sứ Lộ Tam Đái, Hoàng Hối Khanh ra lệnh mở xưởng rèn đúc vũ khí, tuyển các thợ giỏi vào các công xưởng quân sự, chỉ huy đắp thành Đa Bang và đống cọc ở sông Bạch Hạc để án ngữ quân Minh từ Tuyên Quang tiến sang. Thành Đa Bang hợp với hệ thống công trình thành luỹ dài gần 400km, kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến sông Thái Bình làm thành hệ thống phòng thủ quy mô lớn. Khi xây dựng thành Đa Bang, Hoàng Hối Khanh đã kế thừa những kinh nghiệm xây dựng các hệ thống phòng thủ của tổ tiên. Có thể nói đối với lịch sử quân sự, đây là một công trình phòng thủ có quy mô lớn nhất, trên một bình diện rộng, đồ sộ gấp nhiều lần phòng tuyến Như Nguyệt thời Lý chống Tống. Với công trình phòng thủ này ông đã khắc tên mình vào những nhà quân sự tài ba của nước nhà.

Trên lĩnh vực ngoại giao ông cũng có những đóng góp to lớn. Trong ngoại giao, ông luôn giữ nguyên tắc “Dĩ bất biến, ứng vặn biến”. Phát huy truyền thống của ông cha để lại, với lòng tự tin và khí phách hào hùng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, lấy ’’Đại nghĩa thắng hung tàn”, biết mình biết ta, biết giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Tháng 2/1405, vua Minh sai sứ sang nước ta đòi đất Lốc Châu (vùng đất Quảng Tây Trung Quốc ngày nay), trước yêu cầu bất khả kháng, Hoàng Hối Khanh nhận trách nhiệm cát địa sứ. Đi hội đàm với nhà Minh trong thế yếu, đối thủ lại là bọn cáo già xảo quyệt nhưng ông vẫn giữ được danh dự dân tộc, không để đối phương coi thường hay làm nhục. Biết trước nhà Mlnh đòi đất chỉ là cái cớ để chuẩn bị xâm lược nước ta, ông đã nhượng bộ nhà Minh cắt đất vùng Cổ Lâu trả cho nhà Minh. Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chính trị, bằng tài năng ngoại giao xuất sắc, Hoàng Hối Khanh đã áp dụng sách lược linh hoạt mềm dẻo, khôn khéo, đẩy lùi cuộc chiến tranh đã đến gần, hòa hoãn để tranh thủ thời gian, giành lấy từng ngày từng tháng hòa bình nhằm củng cố lực lượng để khi vạn nhất không còn hòa được, buộc lòng phải chiến thì chiến trong tư thế sẵn sàng, không bị động, không bất ngờ. Bằng việc giải quyết mềm dẻo này ông đã tránh cho một cuộc đổ máu không cần thiết cho cả hai dân tộc, làm dịu phần nào cái đầu nóng chiến tranh của bọn phong kiến nhà Minh, kéo dài được hơn 1 năm cho việc chuẩn bị lực lượng.

Ngoài tài năng chính trị, quân sự, ngoại giao, Hoàng Hối Khanh còn là nhà cải cách kinh tế táo bạo. Tiếp theo lệnh cung khai và đo đạc ruộng đất năm 1398, năm 1401 theo kế sách của Hoàng Hối Khanh, nhà Hồ đã ban hành chiếu hạn nô, quy định số nô tỳ mà mỗi thẩm tước được phép có, số gia nô thừa phải đem sung công, gia nô của quý tộc đều phải ghi dấu hiệu vào trán; bỏ phép đánh thuế ruộng đất và dân đinh, tăng cường dự trữ ngân khố quốc gia… Những chính sách tiến bộ này đã cứu vãn được một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng mà nhà Trần để lại.

Tuy là quan lớn của triều đình, được Hồ Quý Ly sủng ái, nhưng ông không vì thế mà kiêu ngạo, ông luôn sống gần gũi với nhân dân, luôn luôn theo đuổi lý tưởng nhân nghĩa, kiên cường chống ngoại xâm, dấn thân trên tuyến đầu bảo vệ sự toàn vẹn của tổ quốc. Với tài năng thao lược như vậy, nhưng khi Nhà mình phát động chiến tranh đánh thành Đa Bang, Nhà Hồ vẫn không đánh thắng Nhà Minh là do Hồ Quý Ly quyết định sai lầm về mặt chiến lược, bị cuốn theo lối đánh nhanh của quân xâm lược, mắc phải lỗi lầm trong tác chiến, quân lính thiếu đoàn kết, bọn quý tộc nhà Trần nổi lên chống lại và không được sự đồng tình của nhân dân các tầng lớp dưới. Cuộc chiến bị thất bại. Tháng 7/1407, Hoàng Hối Khanh bị quân địch bắt được. Để giữ được khí tiết trung quân ái quốc, ông đã tự vẫn. Tướng giặc Trương Phụ cho quân chặt đầu và đem ra bêu ở chợ Đông Đô (thành phố Vinh). Sau này ông được các vua Nguyễn phong sắc: “Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân, Tăng kiết tiết linh thông Hoàng quận công. Tước phong dực bảo trung hưng linh phù đoan túc tôn thần”.

Di tích lăng mộ và miếu thờ danh tướng Hoàng Hối Khanh nằm trên địa danh nổi tiếng là Lệ Thuỷ, là vùng đất giàu có của tỉnh Quảng Bình, từng là phên dậu của nước Đại Việt hàng chục thế kỷ, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam những năm chống Mỹ, nơi sinh ra Võ Nguyên Giáp, vị tướng lừng danh thế giới của thế kỷ XX. Nơi đây còn rất nhiều di tích tiêu biểu đã được xếp hạng đi tích quốc gia.

(Nguồn: quangbinh.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *