Di tích lịch sử, văn hóa

Làng Hành Thiện

Hành Thiện là ngôi làng cổ thuộc hành lang phủ Thiên Trường, cái tên Hành Thiện có từ đời Lê Trung Hưng thứ nhất, năm 1454. Tên ngôi làng "Hành Thiện" gắn với một câu chuyện đẹp về vị vua có trí, có đức - Vua Minh Mạng. Khi lên ngôi, yêu mến ngôi làng nhỏ có rất nhiều người đỗ đạt cao, người dân chân thật, hồn hậu, chuyên làm điều thiện, vua Minh Mạng đã ưu ái ban tặng cho làng 4 chữ sơn son thiếp vàng "Mỹ tục khả phong" và đổi tên thành Hành Thiện.

Làng Hành Thiện thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Hành Thiện, tạm giải nghĩa là nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện. Bản đồ làng Hành Thiện mang hình một con cá chép: đầu hướng Nam, đuôi hướng Bắc, bụng hướng Tây, lưng hướng Đông. Nơi đầu cá có miếu thờ thần Tam giáp, người có công đầu tạo lập làng. Nơi bụng cá là chợ Hành Thiện, một cái chợ quê rất đông đúc. Khu dân cư ở từ mang cá đến rốn cá, được chia thành 14 khúc, mỗi khúc cách nhau 60 mét. Chiều sâu của khúc dài nhất là 600 mét, khúc ngắn nhất là 200 mét. Mỗi khúc gọi là một dong. Dong dài được chia làm hai xóm, dong ngắn là một xóm. Từ rốn cá đến đuôi cá là ưng điền (ruộng gieo mạ) và nghĩa trang nhân dân của làng. Đuôi và vây sau của "con cá" có ngôi chùa Keo, xây dựng năm 1588. Theo xã chí của làng thì Hành Thiện xưa là vườn kim quất của vua Trần. Chạy dọc từ đầu tới đuôi Cá, sâu chuỗi 14 nãm là một con đường trục của làng lát gạch nghiêng. Đã hàng trăm năm con đường này hình thành nên hai dãy nhà hai bên như một đường phố, có các cửa hàng cửa hiệu buôn bán sầm uất.

Theo cách nhìn của các nhà tử vi thì hình dáng của làng Hành Thiện ở thế cá hoá rồng. Phía ''bụng cá'' giáp làng Ngọc Tiên có hình giống một nghiên mực; phía "lưng cá'' giáp làng Hương Phúc có mảnh đất giống cái ngòi bút. Đầu cá Thành Hoàng ngự, làng sẽ giữ được bản sắc thuần phong. Đuôi cá Nguyễn Minh Không vừa là Thiền sư vừa là thi nhân ngự. Vậy luận theo Phong Thủy và Kinh Dịch thì Hành Thiện là đất phát tiết cho cả chính khách và thi nhân.

Người xưa có câu "Đậu phụ Thuỷ Nhai, tú tài Hành Thiện" hay ''Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện'' ngụ ý: làng Cổ Am thuộc tỉnh Hải Dương xứ Đông xưa (nay là Vĩnh Bảo - Hải Phòng) cùng với làng Hành Thiện của Nam Định có nhiều người học hành đỗ đạt cao. Tại làng Hành Thiện còn có câu ''Trai học hành, gái canh cửi'' để nói rằng cái đáng trọng nhất của con trai Hành Thiện là chuyện đèn sách; cái đáng yêu nhất của con gái Hành Thiện là chuyện kéo tơ, dệt vải. Con gái canh cửi thường trắng nõn nà, khéo tay, chăm chỉ. Đọc thơ Sóng Hồng (bút danh của đồng chí Trường Chinh) ta cũng đủ thấy cái không khí của Hành Thiện:

Trăng xuống làm gương em chải tóc
Làm đèn anh học suốt đêm dài


Ngôi làng nhỏ bé Hành Thiện ấy nổi tiếng là đất học, có nhiều người đỗ đạt. Dù trong giai đoạn lịch sử nào, làng Hành Thiện cũng xuất hiện những con người kiệt xuất, làm rạng danh quê hương, đất nước. Dưới thời phong kiến, làng có 419 người đỗ đạt, trong đó có 7 vị đại khoa, 3 tiến sỹ, 4 phó bảng, 97 cử nhân. Sử sách cũng đã ghi lại có những gia đình ở làng Hành Thiện có 9 người (cha - con, chú - cháu) cùng đi thi, có 7 người đỗ cao. Giai đoạn học chữ Pháp tuy rất ngắn, nhưng làng Hành Thiện cũng có 51 vị ghi danh. Trong đó có một tên tuổi đã trở thành niềm tự hào của dân làng Hành Thiện, Đặng Xuân Khu (tức cố Tổng bí thư Trường Chinh). Cũng trong giai đoạn lịch sử này, Trường sơ học Hành Thiện được thành lập và xây dựng từ tiền công quỹ của làng, dạy học trò đến lớp nhất tiểu học (lớp vỡ lòng). Những cái tên Nguyễn Thế Rục, Đặng Xuân Khu, Đặng Xuân Thiều đã làm rạng danh làng học trong thời kỳ đầu của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những giai đoạn tiếp theo, làng Hành Thiện là nơi sinh dưỡng cho đất nước những người con ưu tú, nắm giữ những cương vị chủ chốt trong quân đội và các cơ quan Trung ương.

Làng Hành Thiện còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử như chùa Keo Hành Thiện, chùa Đinh Lan, Khu di tích nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh...

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự biến động của xã hội, Hành Thiện vẫn giữ lại cho mình những thiết chế văn hóa cũng như những nét đẹp truyền thống của một làng Việt Nam xưa. Ngày nay, những nét đẹp truyền thống đó vẫn được người dân Hành Thiện nâng niu, gìn giữ và phát huy.

 

(Nguồn: dulichnamdinh)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *