Di tích lịch sử, văn hóa

Kiến trúc nghệ thuật chùa Bảo Quang

Chùa Bảo Quang tọa lạc trên một đỉnh đồi cao nhất của xã Tam Đa (Sơn Dương) thuộc thôn Lương Viên. Chùa là nơi hỗn dung của nhiều lớp văn hóa tín ngưỡng theo kiểu “Tiền Phật hậu Thánh” với sự thờ phụng vị thần Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương và các vị anh hùng văn hóa với mong muốn mang lại sự bình yên cho nhân dân và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

Chùa Bảo Quang có cách đây hơn 300 năm. Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, chùa được dựng khang trang trên khu vực Gò Chùa thoáng mát. Khách hành hương vãn cảnh chùa và nhân dân địa phương đến đây cúng tế khá đông, sau đó chùa bị cháy. Năm 1975, người dân trong làng phát hiện được một số bản sắc phong còn được lưu giữ đã dựng tạm ngôi chùa để cúng tế. Hướng chính chùa quay về hướng Đông Nam, xung quanh là núi bao bọc, phía xa nhìn ra là dòng suối Thái Hòa, lưng dựa vào núi Lịch hùng vĩ tạo nên cảnh sắc hữu tình. Ở thế đất “Sơn kỳ thủy tú” có nhiều cây cổ thụ. Sự linh thiêng làm tôn vẻ thanh tao thoát tục chốn thiền môn “Thế đất long xà chọn được nơi/Cảnh quê ngày rộng trải niềm vui/Khi nhàn ngồi ngắm non cao vút/Gió mát trăng thanh sáng rực trời”.


Ngôi chùa là 3 dãy nhà nối liền nhau. Phía trước tòa tiền đường là một khoảng sân rộng, lát gạch Bát Tràng, nơi đặt tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Tòa tiền đường hay còn được gọi là tòa Tam Bảo một kiến trúc 3 gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Kết cấu kiến trúc cùng tòa tiền đường khá đơn giản, kích thước dài  9m, rộng 6m được xây dựng trên nền cao cách sân 50 cm, hệ thống chịu lực xung quanh, có kết cấu kiểu kèo cầu, nóc giá chiêng. Có 3 cửa để bước vào tòa hậu cung, ánh sáng qua cửa chiếu xuống nền gạch khúc xạ lên các bệ thờ tạo ra không gian huyền bí, linh thiêng. Các lớp tượng thờ trong gian Tam Bảo được bài trí trên bệ thờ xây theo kiểu giật cấp. Bệ được chia làm 3 cấp. Trên cùng là bộ tượng “Tam thế phật” tức là các vị Phật của ba thời kỳ là quá khứ, hiện tại và tương lai. Dưới bộ tượng Tam Thế là tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngoài ra, trên bệ thờ còn được đặt tượng phật nghìn mắt, nghìn tay; tượng Đức Thánh Hiền.


Gian bên trái tòa tiền đường là điện thờ Thánh Mẫu có chiều dài 6m, rộng 4m, trên bệ thờ có treo bức y môn bằng vải màu đỏ, thêu hoa văn hình rồng chầu mặt nguyệt, có tua rua rủ xuống làm cho không gian của tòa hậu cung thêm thâm nghiêm.


Gian bên phải là điện thờ Thần Hoàng làng và các vị thần Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương, nơi đây còn được gọi là Phúc An Tự, điện thờ có chiều dài 10 m, rộng 5 m lát nền gạch men hoa, xây dựng theo kiến trúc chữ nhất. Hai gian ngoài là tiền đường, xung quanh là để trống. Gian trong là hậu cung ngai thờ các vị Thần và Thành Hoàng làng. Vẻ đẹp của chùa còn được thể hiện qua những di vật và các pho tượng Phật với nhiều tư thế và hình dáng khác nhau.


Năm 2002, chùa Bảo Quang được trùng tu xây dựng, kinh phí do bà con nhân dân đóng góp được trên 150 triệu đồng, người hiến đất, người góp công, góp của. Hiện nay ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 5 đạo sắc phong, 1 ngai thờ, 4 chuông đồng, 1 bức y môn bằng vải gấm có kích thước 1,5 m x 0,8 m thêu hoa văn chủ đề tứ linh, tứ quý; 3 chiếc đèn lồng bằng vải ngũ sắc (biểu trưng 3 nét riêng của đạo Mẫu Việt Nam); 1 chiếc phướn bằng vải ngũ sắc của Phật giáo, 4 lọ lục bình cỡ nhỏ, 20 pho tượng bằng gỗ, 1 pho tượng Quan Âm bằng đá, 2 bát hương đồng, 8 bát hương bằng gốm. 


Hàng năm chùa tổ chức các hoạt động văn hóa vào đầu năm mới. Ngày 2 tháng Giêng là ngày tiệc Mẫu, ngày 10 tháng Giêng là lễ thượng nguyên, ngày 10/4 (âm lịch) lễ vào hè cầu mát cho dân... Phần hội được tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ, ca hát… Chùa Bảo Quang đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu, phản ánh đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân xã Tam Đa. Năm 2011, chùa Bảo Quang được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh./.
Nguồn: Báo Tuyên Quang

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *