Di tích lịch sử, văn hóa

Khu Lưu Niệm Hà Huy Tập

Khu Lưu Niệm Hà Huy Tập: Hà Huy Tập sinh năm 1906, quê ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngoạ, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Năm 1923, đồng chí tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học ở Huế, dạy học ở Nha Trang, rồi về dạy ở trường tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh. Vốn gắn bó với người lao động, lại được tiếp xúc với trí thức yêu nước và sách báo tiến bộ, năm 1925 Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt, tham gia các hoạt động như đòi thả Phan Bội Châu, tổ chức lễ tang Phan Chu Trinh, tổ chức các lớp học ban đêm dạy chữ Quốc Ngữ và truyền bá tư tưởng yêu nước cho công nhân và thanh niên. Thực dân Pháp và bọn tay sai ra lệnh giải tán các lớp học ban đêm và đổi các thầy dạy các lớp này đi nơi khác, Hà Huy Tập bị bọn chúng cách chức không cho dạy học. Giữa năm 1927 Tổng hội Phục Việt (lúc này đã đổi tên là Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội) phân công Hà Huy Tập vào xây dựng cơ sở ở Nam Bộ. Năm 1928 Hà Huy Tập cùng với Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu, giữa năm 1929 bắt liên lạc với Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Hương Cảng, sau đó gặp Nguyễn Ái Quốc, được cử đi học Đại học Phương Đông ở Matxcơva và gia nhập Đảng Cộng sản. Năm 1932 sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, Hà Huy Tập trên đường về nước qua Pari, bị chính phủ Pháp ra lệnh trục xuất, phải trở lại Liên Xô. Đồng chí đã viết cuốn “ Sơ thảo lịch sử Đảng cộng sản Đông Dương” nhân dịp kỷ niệm 3 năm thành lập Đảng, trong cuốn này đồng chí dành một chương viết về Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 5-1935 tại đại hội Đảng ở Ma Cao, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng Bí thư của Đảng sau những năm tháng hoạt động. Sau đó cơ quan Trung ương Đảng chuyển về Sài Gòn, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là đồng chí Hà Huy Tập phong trào đấu tranh dưới hình thức nửa công khai, nửa bất hợp pháp nổ ra sôi nổi khắp nơi. Thực dân Pháp ra sức đàn áp cách mạng, Hà Huy Tập bị chúng bắt giam hơn một năm tại khám lớn Sài Gòn, năm 1938 chúng trục xuất ông về nguyên quán. Tháng 7-1939 ông về lại quê hương Cẩm Xuyên, vẫn bị bọn mật thám theo dõi. Ngày 31-3-1940 bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Vinh sau chuyển vào khám lớn Sài Gòn. Ngày 24/5/1941 Hà Huy Tập bị kết án tử hình vì chúng lấy cớ ông có trách nhiệm chính trị về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai. Thực dân Pháp bắt và giải ra pháp trường tại Hóc Môn (Gia Định), với thái độ hiên ngang và khí phách anh hùng của người chiến sĩ cộng sản hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Tại làng Kim Nặc xã Cẩm Hưng, quê hương đồng chí Hà Huy Tập cho đến đầu năm 1977, còn một ngôi nhà làm theo kiểu chữ Đinh bằng gỗ dổi 4 gian 2 hồi, lợp tranh săng, có rèm nứa thay cánh cửa. Đây là nhà của Hà Huy Tập cùng gia đình thời niên thiếu. Giữa năm 1977, theo chủ trương dời dân, bà con trong họ chuyển đến làng Hưng Thắng cũng thuộc xã Cẩm Hưng, ngôi nhà được chuyển theo về đây. Nhà làm trên một đồi thấp thoai thoải trong nhà có đặt bàn thờ Hà Huy Tập.

Di tích lịch sử Hà Huy Tập tại xã Cẩm Hưng đã được Bộ Văn Hoá Thông Tin xếp hạng di tích quốc gia. Năm 2006, nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của Hà Huy Tập (22-4-1996/22-4-2006) khu di tích được cải tạo, tu bổ tôn tạo nhà lưu niệm và trưng bày những hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Hà Huy Tập.

(Nguồn: www.saigontoserco.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *