Di tích lịch sử, văn hóa

Khu du lịch ATK Định Hóa

Theo quốc lộ 3 (Hà Nội- Thái Nguyên - Cao Bằng) đến km 31 rẽ trái đi tiếp quãng đường quanh co uốn lượn trong rừng núi, len lỏi qua những đồi chè xanh mơn mởn và đồi cọ râm mát tạo cho du khách khoảng tâm trạng thư giãn sau một hành trình dài đến với vùng ATK- Định Hoá, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 50 km về phía Tây, Tây Bắc.

Một miền đồi núi hiểm trở có địa thế chiến lược về quân sự. Định Hoá đã được chọn làm nơi xây dựng an toàn khu (ATK) Là trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ Tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan của Trung ương Đảng và Chính Phủ đã từng làm việc ở đây từ năm 1947 đến năm 1954. Có thể nói ATK (An toàn khu) là nơi đặt đại bản doanh Thủ Đô của cuộc kháng chiến chống Pháp năm xưa. Đã có đến gần 100 di tích lịch sử còn nằm khắp núi rừng Định Hoá, đến nay nhiều di tích đã được nhà nước xếp hạng bảo tồn cấp quốc gia đó là:

- Di tích Tỉn Keo, xã Phú Đình: Nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ 1947-1948, cũng là nơi Hồ Chủ Tịch cùng Bộ chính trị quyết định chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.

- Di Tích Đồi Nà Đình- xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình: Nơi Hồ Chủ Tịch ở và làm việc cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

- Di tích đồi Khau Tý, xã Điềm Mạc nơi ở đầu tiên của Bác Hồ khi đặt chân về ATK Định Hóa ngày 20/05/1947.

- Di tích lịch sử Phụng Hiển, xã Điềm Mạc nơi làm viêc của đồng chí Trường Chinh .

- Di tích xóm Bảo Biên, xã Bảo Linh nơi cơ quan Bộ Quốc phòng và Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đóng từ 1949-1954.

- Di tích Làng Quặng xã Định Biên, tại đây ngày 15/5/1945 diễn ra lễ hợp nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và đội Cứu Quốc quân thành đội Việt Nam Giải Phóng Quân.

- Di tích nhà tù Chợ Chu- Định Hoá. được xây dựng năm 1916 để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ Cộng Sản Việt Nam.

- Di tích Địa điểm thành lập Hội Nhà Báo Việt Nam, xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá. Tại đây ngày 21/04/1950 đã điễn ra Đại hội lần thứ nhất Hội những người viết báo Việt Nam (Tiền thân của Hội nhà báo Việt Nam ngày nay).

(Nguồn: thainguyen.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *