Di tích lịch sử, văn hóa

Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng

Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng còn có tên gọi là Căn cứ Mỹ Phước vì căn cứ được xây dựng trong rừng tràm thuộc địa phận xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng.

Từ Sóc Trăng du khách đến Khu căn cứ Tỉnh ủy bằng đường thủy và bộ. Hiện đi đường bộ là thuận tiện nhất. Từ thành phố Sóc Trăng, dọc theo Quốc lộ 1A (hướng về Bạc Liêu) đến Nhu Gia (khoảng 20km), bên phải sẽ có tấm biển hướng dẫn vào khu di tích, tiếp tục đi khoảng 16km nữa là đến khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng là di tích lưu niệm căn cứ địa cách mạng, được xây dựng trong những năm đầu kháng chiến chống pháp đê đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Tỉnh ủy Sóc Trăng, vì vậy giá trị lịch sử của căn cứ là rất to lớn và đặc biệt quan trọng.

Toàn khu di tích được triển khai rải rác ở khu vực rộng trong rừng tràm với tổng diện tích 20.000 ha, được bao bọc bởi một hệ thống sông ngòi chằng chịt, cây lá sum suê với đủ các loại cây…

Trong chiến tranh, khu căn cứ mang vị trí chiến lược có vai trò rất quan trọng, thuận lợi trong tấn công (tấn công ra Châu Thành, Sóc Trăng, Ngã Năm, Thạnh Trị) hoặc rút vào rừng sâu, đồng thời ngăn chặn hiệu quả các cuộc càn quét đánh phá của địch vào rừng U Minh…

Trung tâm di tích là hội trường, nơi diễn ra hàng ngàn cuộc hội nghị, nơi tập trung trí tuệ và xuất phát điểm của mọi chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo quân và dân Sóc Trăng giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trước Mậu thân 1968, Hội trường được xây dựng bằng các loại cây tràm, lá dừa nước có sẵn tại rừng. Sau 1968, khi Mỹ ngụy chuyển hướng chiến lược thì đồng thời căn cứ Tỉnh ủy cũng được xây dựn lại kiên cố và xác định bám trụ lâu dài…

Hội trường được xây cất lại lớn hơn, khang trang hơn, cột được thay bằng gỗ dầu vuông, kèo, xiên cũng được thay đổi bằng gỗ dầu. Mái được lớp lá chẻ cùng với chiều cao 4,7m, dài 20m, rộng 4m tạo không gian thoáng mát với đủ ánh sáng tự nhiên để hội họp.

Hội trường được chia làm 5 gian bằng nhau. Vách được dựng lá chằm 01m và chừa 2 cửa ra vào ở mỗi bên cùng với 01 cửa lớn ở đầu phía Bắc của hội trường.

Hai bên hông của hội trường là 4 căn hầm: 2 hầm nổi có sức chứa 10-15 người/hầm; 2 hầm chìm có thể chứa 20-25 người/hầm. Các hầm được đúc bằng bêtông. Ngoài ra, còn có 2 hầm bí mật ở cách hội trường gần 30m giành cho các đồng chí trong ban thường vụ.

Cạnh hội trường là nhà làm việc Bí thư. Nhà có diện tích sử dụng 22m2. Nhà được chia thành 2 phòng bởi một vách ngăn và có một cửa thông nhau.

Ngoài ra, còn hàng trăm lán trại khác của các cơ quan trực thuộc như: Ban tuyên huấn, dân vận, quân y…

Ngày 16/6/1992, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Quyết định số 734/QĐ-BVHTT công nhận khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

(Nguồn: www.soctrang.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *