Di tích lịch sử, văn hóa

Khu căn cứ cách mạng Cao phong - Thạch Yên

Khu căn cứ cách mạng Cao phong - Thạch Yên thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình. Vì các hoạt động của khu căn cứ diễn ra trên địa bàn hai xã Cao Phong - Thạch yên (cũ) nên khu căn cứ có tên gọi là Cao phong - Thạch Yên (nay di tích thuộc địa bàn xã Yên Lập - Yên Thượng - Huyện Cao Phong).Được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996

Từ giữa năm 1944 trở đi, sau khi có Chỉ thị của Trung ­ương Đảng về gây dựng cơ sở chiến tranh du kích ở tỉnh Hoà Bình, đặc biệt là sau khi có Chỉ thị của Ban thường vụ Trung ư­ơng Đảng (tháng 1 năm 1945) về việc xây dựng chiến khu Hoà - Ninh - Thanh nhằm chủ động tốt địa bàn cho Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến qua; đồng thời chuẩn bị về mặt quân sự cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, phong trào cách mạng ở tỉnh Hoà Bình đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.

Việc xây dựng cơ sở Việt Minh càng tiến triển với tốc độ nhanh, cho đến cuối năm 1944, đầu năm 1945, ngoài thị xã Hoà Bình, cơ sở Việt minh còn lan ra các xã xung quanh như­ Quỳnh Lâm và bắt đầu lan tới vùng Cao Phong.

Khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên nằm trên vùng rừng núi hiểm trở, tuy địa bàn phân bố hoạt động của khu căn cứ diễn ra rất rộng gồm các địa điểm lịch sử nh­ư:

1. Đồi Chùa Khánh ở xóm Khánh xã Yên Th­ượng

Đây là nơi tập luyện của đơn vị vũ trang - đội ngũ cán bộ đầu tiên của khu căn cứ. Sau khi huấn luyện xong ở đây, đơn vị đã toả đi các xóm để xây dựng các đội tự vệ. Các đồng chí trong đơn vị này trở thành những tiểu đội tr­ưởng của các đội tự vệ của các xóm.

Do nhiều nguyên nhân khách quan chùa bị hư hỏng, năm 2007 được sự quan tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong, đã góp công sức xây dựng ngôi chùa Khánh để nhân dân ghi nhớ sự kiện lịch sử cách mạng của chiến khu Cao Phong - Thạch Yên.

2. Gia đình ông Bùi Văn Y xóm Đai, xã Yên Thư­ợng

Là cơ sở tin cậy của đồng chí Vũ Thơ, Tr­ương Đình Dần…đi lại, nghỉ ngơi trong suốt thời gian tham gia hoạt động. Gia đình ông đã đóng góp rất nhiều l­ương thực, tiền của ủng hộ cho cách mạng.

3. Gia đình ông Bùi Văn Hoảnh ở xóm Trang, xã Tân Phong

Là cơ sở tin cậy để các đồng chí Vũ Thơ, Tr­ương Đình Dần…đi, về, ăn, nghỉ, trong suốt thời gian hoạt động tại khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên.

4. Chùa xóm Trang, xã Tân Phong

Đây là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh Hoà Bình đã họp vào tháng 4/1945. Trong cuộc họp này, Ban cán sự đã quyết định thành lập các khu căn cứ.

Sau ngày kháng chiến chống Pháp thành công, do nhiều nguyên nhân nên ngôi chùa đã bị hư­ hỏng mất.

Hiện nay trên khoảng đất của ngôi chùa cũ chỉ còn lại một ít ngói vỡ và hai cây hoa đại. Hiện vật còn lại duy nhất là một chiếc chuông đồng nặng trên 100kg, niên đại cuối thế kỷ 18 hiện đang lưu giữ tại UBND xã Tân Phong.

5. Gia đình ông Phó Viễn (tức Đặng Chí Viễn)

Là ngư­ời có công trong việc giúp đỡ đồng chí Vũ Thơ đến giác ngộ các lang của vùng Cao Phong - Thạch Yên. Trong suốt thời gian hoạt động tại khu căn cứ, gia đình ông đã trở thành một địa điểm tin cậy của các đồng chí tham gia hoạt động tại khu căn cứ cách mạng Cao Phong - Thạch Yên.

Gia đình ông Phó Viễn còn là địa điểm Ban cán sự Đảng tỉnh triệu tập Hội nghị đại biểu mặt trận Việt Minh toàn tỉnh họp tháng 7 năm 1945 thực hiện Chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh về gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hoà Bình.

Chiến khu Cao Phong - Thạch Yên là một trong những điểm xây dựng cơ sở cách mạng của Ban cán sự Đảng tỉnh Hoà Bình.

Tại khu căn cứ căn Cao Phong - Thạch Yên ngày 18/8/1945 đồng chí Vũ Thơ - Trưởng ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh Hoà Bình đã kịp thời phát lệnh khởi nghĩa đi toàn tỉnh. Khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên có nhiệm vụ phối hợp cùng lực lượng từ Lạc Sơn tiến lên giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hoà Bình.

Được sự phối hợp lực lượng của hai khu căn cứ cách mạng là Cao Phong - Thạch Yên và Mường Khói chiều 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hoà Bình nhanh chóng giành được thắng lợi.

Khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên thực sự là khu căn cứ vững chắc của cách mạng tỉnh Hoà Bình và hệ thống chiến khu Hoà - Ninh - Thanh, góp một phần không nhỏ vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng tỉnh Hoà Bình.

(Nguồn: hoabinh.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *