Di tích lịch sử, văn hóa

Đình Xuân Lôi

Đình Xuân Lôi còn gọi là đình “Ba Làng” bởi đây là công trình văn hóa tín ngưỡng chung của ba thôn Xuân Bình, Công Cối và Ngư Đại thuộc xã Đại Xuân, huyện Quế Võ. Đình có kết cấu kiểu chữ nhị gồm Tiền tế và Hậu cung. Tòa tiền tế 3 gian, bộ khung gỗ lim to khỏe được liên kết với nhau bởi 6 hàng cột ngang và 4 hàng cột dọc.

Trên tất cả các cột và câu đầu của tòa Tiền tế ghi khắc tên những người công đức xây dựng đình; đặc biệt có cột còn nguyên dòng niên đại: “Lê Triều Bảo Thái vạn vạn thọ tuế thứ Nhâm Dần niên tứ nguyệt nhị thập cát nhật…” đã cho biết rõ năm xây dựng đình vào thời Lê là 1722. Nối phía sau Tiền tế là Đại đình có kết cấu kiểu “tường chữ đinh, mái chữ công” gồm 3 gian 2 chái Tiền đình và 3 gian Hậu cung, cả Tiền đình và Hậu cung đều có bộ khung mái kiểu chồng diêm với các góc đao cong vút mềm mại tạo thành lớp mái kiểu “thượng tứ hạ tứ” rất đặc biệt, bộ khung gỗ lim to khỏe vững chắc, trang trí chạm khắc đẹp.
Trong số những hoành phi, câu đối của đình có bức hoành phi nội dung “Nhất môn trung nghĩa” do Tổng đốc Tam Tuyên Nguyễn Đình Nhuận người thôn Công Cối cung tiến. Đặc biệt trong đình còn bảo lưu được 3 ngai bài vị và 10 đạo sắc phong có các niên đại: Khải Định 9 (1924), 4 đạo Thiệu Trị 6 (1846), 3 đạo Tự Đức 3 (1850), Duy Tân 3 (1909), Đồng Khánh 2 (1886) đã cho biết rõ vị thần được thờ ở đình là Thánh Tam Giang. Những cổ vật của đình Xuân Lôi không những là nguồn sử liệu quý giúp cho việc tìm hiểu làng xã Xuân Lôi trong lịch sử, đồng thời còn là những di sản quý giá của quê hương, đất nước.

Hàng năm cứ đến ngày 9 tháng 8 (âm lịch) Xuân Lôi mở hội. Xưa hội đình Xuân Lôi mở từ mồng 9 đến 19 tháng 8 âm lịch. Để tổ chức lễ hội, mỗi năm có một làng đứng ra đăng cai. Ngày mồng 9 các quan viên hàng xã làm lễ tế mở cửa đình, sau đó là đến lễ tế của các thôn: Ngư Đại (mồng 10), Công Cối (ngày 11), Xuân Bình (ngày 12); năm nào “phong đăng hòa cốc” thì tổ chức rước và mỗi thôn sẽ tế 3 ngày tại đình chung.

 Để tổ chức rước, từ sáng ngày mồng 9, dân ba làng đã tập trung đông đủ tại đình. Kiệu thần được rước từ đình làng đến nghè Chu Mẫu (xã Vân Dương) là chính đền, quê hương của các Thánh để tế lễ. Sau khi làm lễ tại nghè xong, kiệu thần lại được rước trở lại đình Xuân Lôi để tế lễ và mở hội. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: cờ người, đu cây, chọi gà, hát tuồng, chèo đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và quý khách thập phương tham dự. Đây cũng là dịp để nhân dân địa phương củng cố tình đoàn kết cộng đồng làng xã, thể hiện lòng biết ơn những người có công với dân với nước và giữ gìn những thuần phong mỹ tục của quê hương.

 Với giá trị về kiến trúc điêu khắc, tín ngưỡng, lễ hội, đặc biệt là giá trị về cổ vật, đình Xuân Lôi không những gắn liền với lịch sử văn hóa của làng xã nơi đây, mà còn góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước.

(Nguồn: bacninh.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *