Di tích lịch sử, văn hóa

Dinh Thầy Thím

Dinh Thầy Thím toạ lạc giữa khu rừng già, có tên là rừng dầu Bàu Cát thuộc xã Tân hải, huyện Hàm Tân cách thành phố Phan Thiết khoảng 70km về phía Đông Nam.

Tương truyền trong dân gian : Dưới triều vua Tự Đức, có hai vợ chồng đạo sĩ quê ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đạo sĩ là người giàu tài đức, hay giúp đỡ người nghèo khó, căm ghét bọn quan lại hay ức hiếp dân làng, chống lại chế độ đương thời, ông bị triều đình Tự Đức kết tội gây rối, mưu toan bạo loạn và chịu hình phạt “ Tam Ban Triều Diễn”. Trước lúc bị hình phạt này, Đạo sĩ đã biến dải lụa điều thành rồng bay về phương Nam. hai vợ chồng dừng chân ở làng Tam Tân ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh cho dân và đốn củi kiếm sống qua ngày. tài đức của đạo sĩ nổi tiếng khắp vùng, từ đó dân làng gọi hay vợ chồng Đạo sĩ bằng cái tên thân mật “Thầy, Thím”. Có nhiều truyền thuyết khác trong dân gian nói về tài đức và phép thuật của Thầy Thím. Cho đến lúc hai vợ chồng đạo sĩ chết, dân làng đã mai táng ở khu vực gần đó. Hằng
năm vào ngày 5 tháng giêng âm lịch, người ta thường thấy một đôi hổ về viếng mộ Thầy.
altĐến đời Thành Thái thứ 18 năm Bính Ngọ (1906) nhà vua đã xem xét lại công đức của Thầy thím nên quyết định xoá án và ban sắc phong “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương tôn Thần”.

Để tỏ lòng tôn kính và biết ơn công lao Thầy Thím, dân làng đã lập dinh tại địa điểm ngaỳ nay để tôn thờ. Nhân dân quanh vùng coi Thầy Thím như vị Thành Hoàng biểu hiện cho nhiều tính cách đáng quý đó là tài đức, tính cần cù, miệt mài lao động, lòng nhân ái với người nghèo khổ.
Dinh Thầy Thím được kiến tạo lại quy mô từ năm Kỷ Mão(1879). Hiện nay trên thanh xà cò của Dinh còn dòng chữ Hán khắc chìm “Kỷ Mão niên thập nhị quạt nhị thập ngũ nhật kiến tạo” kiến tạo ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879). Dinh Thầy Thím có dạng kiến trúc như  một ngôi đình làng bao gồm nhiều công trình : Chính điện, nhà thờ Tiền Hiền, nhà Võ Ca. Trong khám thờ chính ở Chánh điện còn hai bài vị thờ Thầy Thím và nhiều bức hoành ca ngợi công đức Thầy Thím. Cách Dinh Thầy Thím chừng 5km là khu vực mộ Thầy Thím . Ở đây 4 ngôi mộ đắp bằng cát trắng rất lớn, theo dân gian hai ngôi mộ của Thầy Thím và 2 ngôi mộ của đệ tử Thầy. Ngày nào cũng có du khách đến viếng mộ với lòng thành kính.

Hơn 100 năm qua Dinh Thầy Thím trở thành nơi để nhân dân chiêm bái, những năm gần đây là khu danh lam thắng cảnh và du lịch kết hợp với núi rừng xung quanh, bãi biển, đồi dương. Hàng năm nhân dân khắp nơi đến viếng mộ, thăm Dinh nhưng đông nhất vẫn là diọ giỗ Thầy ngày 5 tháng giêng âm lịch và tế Thu của Dinh từ ngày 14-16 tháng 9 âm lịch.

Dinh Thầy Thím được  Bộ Văn Hoá Thông tin đã xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1997.

(Nguồn:Vietnamnet.vn)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *