Di tích lịch sử, văn hóa

Đình Lũng Xuyên

Đình Lũng Xuyên thuộc thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên.

Từ Thị xã Phủ Lý theo quốc lộ 1A, đến thị trần Đồng Văn 11 km, rẽ tay phải theo đường 60 về thị trấn Hòa Mạc 7 km, lại rẽ tiếp tay phải theo đường liên xã khoảng 1,5 km thì tới đình Lũng Xuyên.

Đình Lũng Xuyên thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Theo truyền thuyết của người dân địa phương, con sông Châu chảy qua địa phận Lũng Xuyên là con đường thủy mà Lý Thường Kiệt cùng các chiến binh của ông thường qua lại khi đóng quân ở vùng Thịnh Châu hạ và An Xá. Trong các lần tuần binh qua, ông và quân sĩ đã có lần nghỉ tại đây. Xung quanh làng Lũng Xuyên còn thấy có nhiều các gò đống, tương truyền đây là nơi để buộc thuyền chiến và để đồ dùng của các đạo quân do Lý Thường Kiệt chỉ huy. Nhân dân địa phương cho rằng, Lý Thường Kiệt đã từ Thăng Long, theo sông Hồng, vào sông Châu (có nghỉ lại Lũng Xuyên), rồi ra sông Đáy. Hiện nay, tại đình vẫn còn nhiều bài văn tế ca ngợi công lao, nhân đức của Thái úy, ở hai cung còn có hàng chữ khắc trên xa ngang của vì kèo thứ nhất giáp với tiền đường “Phát Tống bình Chiêm, an dân muôn thuở”chính là để ngợi ca công lao to lớn của ông đối với đất nước.
Đình được xây dựng trên mảnh đất rộng, cao ráo, thoáng đãng. Đình quay hướng nam, được kiến trúc theo lối chữ đinh, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Tòa tiền đường dài 17m20, rộng 8m80, mái cong, lợp ngói nam, đứng hàng, thẳng lối, ngói lợp kiểu móng rồng. Mặt tiền của tòa tiền đường là dãy cửa bức bàn, khung được tạo bằng các gờ chỉ, giữa là ván bưng tạo kiểu panô. Hai bên xây bít bằng tường gạch, giữa bức tường có hai cửa sổ. Hai hàng cột trong tòa tiền đường được làm kiểu búp đòng, giữa to hai đầu nhỏ, đặt chân trên tảng đá xanh hình vuông, trên mặt đá tảng nổi gương tròn tương xứng với đường kính của chân cột. Dàn mái còn giữ được một số hoành tròn đường kính 12cm, các lần trùng tu sau này bổ sung nhiều hoành vuông có cạnh 12cm.

Hậu cung 3 gian bắt mái với gian giữa của tòa tiền đường, cửa giữa của hậu cung có mảng chạm hai con long mã chầu, mặt hổ phù với chân nắm lấy đầu của hai con long mã. Dưới bức chạm là bức đại tự khắc 4 chữ Hán lớn: "Sơn xuyên chung tú" (sáng đẹp cùng sông núi). Ra vào hậu cung chủ yếu qua 2 cửa nách, cửa giữa thường xuyên đóng, chỉ mở khi có đại lễ.
Ở sân đình còn có hệ thống cột đồng trụ, gồm có đế trụ đắp theo kiểu thắt cổ bổng, thân cột được đắp gờ nổi ở bốn cạnh, phía trên là đèn lồng và trên cùng là trục đỡ hai quả dành dành lớn. Tiếp đến là tả môn và hữu môn đăng đối, mỗi cửa có 4 mái cong với đầu đao, ngói ống. Trong sân là hai dãy tảo xá, mỗi dãy 3 gian dùng để đón khách trong các kỳ lễ hội. Tổng thể công trình tạo thành một thể thống nhất từ bố cục đến nghệ thuật chạm khắc, tạo vẻ cổ kính, thể hiện chiều sâu văn hóa của ngôi đình.
Tại nơi đây, đêm 19 tháng 8 năm 1945 lực lượng chính của đội quân cách mạng giành chính quyền của huyện đã tập trung để chờ lệnh xuất phát. Sáng sớm ngày 20 tháng 8 năm 1945, tại sân đình Lũng Xuyên 3 tiểu đội vũ trang của huyện đã làm lễ tuyên thệ trước lá cờ tổ quốc, sau đó tiến quân theo kế hoạch đã định.

altĐình Lũng Xuyên có một số mảng chạm khắc đẹp được các nghệ nhân xưa dày công trau chuốt. Trên các bờ bảng, bờ dải, giao góc của đình được đắp hình các con xô, phượng, đầu kìm. Đặc biệt, trên bờ nóc, đắp đôi rồng chầu mặt nhật. Rồng uốn 3 khúc, đầu rồng nhô cao, dao bay về phía sau, thân rồng được tạo vẩy bằng các mảnh sành sứ vỡ. Hai đầu hồi còn đắp hai đầu rồng và có dao cong.
Ở tòa tiền đường, trên các vì kèo, xà nách có chạm trổ hình đầu và thân rồng với nhiều dáng vẻ: con thì dữ tợn, con thì hiền từ, râu tóc xoắn theo nhiều kiểu khác nhau. Các vì góc và các con rường cũng đục hình lá lật, lá hỏa cách điệu.
Trên vì nách bên phải phía ngoài gian giữa có nhiều mảng chạm khắc với nhiều đề tài phong phú. Đề tài được thể hiện ở đây là long cuốn thuỷ: con rồng uống thành 3 khúc. Phía trên đầu rồng là con phượng xòe cánh như đang bay. Đằng sau rồng là con ly đang cười. Phía dưới rồng là con rùa, cá chép, cua đang vui đùa, đan xen các con vật là hình vân mây sóng nước hoa sen khoe sắc và các lá sen. Dưới nách xà chạm hình con ly đang cầm thẻ bài, trên thẻ có hai chữ Đại vương bằng chữ Hán.
Mảng chạm đối diện với mảng trên là cảnh long vân tụ hội: con rồng vẻ mặt tươi vui hai chân dang ra hai bên, các ngón bám chặt lấy hai đám mây. Trên cùng là phượng, bên phải là long, mã, bên trái là ly, phía dưới là rùa, cá chép, đan xen các hoa sen, lá sen cùng các hình vân mây song nước. Dưới xà nách chạm nổi một con ly đang cười, hai chân đang rẽ nước.
Trên xà nách phía sau gian giữa là mảng chạm cảnh mẫu long giáo chủ: rồng mẹ, rồng con đang vui đùa với nhau, những con rồng con nghịch ngợm cưỡi trên đầu, bám trên thân và vờn dưới chân của rồng mẹ. Phía trên và dưới đều chạm hình phượng dạng xòe cánh như đang vui cùng với rồng. Dưới chân rồng mẹ còn có long, mã và ly đang nhìn về phía rồng con. Dưới cảnh này là rùa trên lưng đeo ấn cùng với hoa, lá sen, sóng nước. Ngoài đề tài trên còn có cảnh núi non cây cối và một ngôi miếu nhỏ, bên cạnh ngôi miếu là một dòng sông, sóng nước đang cuồn cuộn.
Mảng đối diện có bố cục trung tâm là cảnh rồng cùng ly, long mã đang vui đùa. Chân rồng nắm lấy mình con ly, long mã thì đang nhảy bên trên là hai con phượng đang bay. Phía dưới là ảnh ao sen, trong ao sen là rùa, cá chép, tôm, cua đang bơi.
Mặt sau của các mảng chạm khắc này đều chạm nổi các cảnh tùng lộc, mai hóa long, trúc hóa long, cúc hóa long.
Ở xà góc của gian bên phải có mảng chạm khắc độc đáo. Hai con rồng lớn đang cuộn mình vào nhau, đao, râu, tóc, bay thẳng về phía sau, xung quanh sóng nước cuồn cuộn. Trước mặt rộng chạm cảnh một cây tùng lá to, trên cây có bốn con chim đang hót, ở giữa thân cây là ba con khỉ đang đánh đu, hái quả và trêu đùa nhau, vắt vẻo trên cành cây. Ở đây chất cung đình và chất dân gian đã kết hợp, hòa quyện vào nhau.
Chạm khắc trên các xà lòng, xà nách tuy đơn giản nhưng đáng chú ý ở sự gia công tinh tế trong việc tạo độ nhấn, soi chỉ, soi ống tơ và tạo hình hoa lá cách điệu. Tổng thể công trình tạo thành một hệ thống nhất từ bố cục đến nghệ thuật chạm khắc, giải pháp kỹ thuật. Do đó đình Lũng Xuyên mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc.

Trước đây đình Lũng Xuyên có nhiều đồ thờ tự đẹp. Qua năm tháng chiến tranh, nhiều hiện vật bị mất mát. Hiện nay trong hậu cung chỉ còn cỗ ngai thờ thần hoàng Lý Thường Kiệt là tiêu biểu, ngai cao 1,1m chạm khắc tập trung trên thân và tay ngai. Tay ngai tạo thành hai đầu rồng, đao bay về phía sau. Thân ngai là hàng song tiện, ở giữa tạo hình rồng cuốn quanh lấy song. Lưng ngai uốn cong, giữa lưng ngai phía trên là hình mặt trời đang tỏa ánh hào quang, bên dưới chia làm ba ô đục thông phong hình phượng múa, mặt hổ phù long mã, ở hai bên điểm lưng ngai chạm trôt hình rồng lượn. Đế ngai được làm kiểu chân quỳ dạ cá, bốn chân tạo thành bốn đầu rồng. Chính giữa mặt đế trước là mặt hổ phù được chạm tỷ mỷ, miệng ngậm chữ thọ. Phía trên mặt hổ phù là các băng cánh sen dẹo, lá sòi đẹp mắt.
Cùng với các đồ tế khí khác như quả chuông nhỏ, đỉnh hương đồng và cây nến đồng, ngai thờ đã tạo nên vẻ cổ kính cho ngôi đình thờ vị thành hoàng từ hơn 1 thiên niên kỷ trước.
Trong hậu cung còn có chiếc chuông nhỏ cao 50cm, đáy 30cm, quai chuông tạo hình hai đầu rồng một thân. Ngoài ra, đình Lũng Xuyên còn có một bộ tam sự bằng đồng gồm đỉnh hương và hai cây nến. Đỉnh hương cao 50cm, thân hình bầu, có gắn hai quai, 3 chân tạo hình chân ly, nắp tạo hình con nghê đang cười.
Những hiện vật trên góp phần tạo nên giá trị văn hóa của đình Lũng Xuyên.

(Nguồn: hanam.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *