Di tích lịch sử, văn hóa

Đình làng Vọng Nguyệt được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa

Ngày 9-2-2009 (tức Rằm tháng Giêng, Kỷ Sửu), Đảng ủy, UBND, ủy ban MTTQ xã Tam Giang (Yên Phong) cùng lãnh đạo và hàng nghìn nhân dân thôn Vọng Nguyệt đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử, văn hóa đình làng Vọng Nguyệt, theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Ninh. 

Đình làng Vọng Nguyệt tọa lạc trên lưng thế đất con rồng, được xây dựng từ thời Nguyễn, có bình đồ kiến trúc chữ Đinh (J) gồm Tiền tế 3 gian, 2 chái và một gian Hậu cung. Toà Tiền tế 4 mái, 4 đao, kết cấu vì kiểu con chồng, kẻ trường, có 6 cột hàng ngang, 4 hàng dọc, 2 gian bên và 2 chái có sàn gỗ. Đây là nơi thờ Lý Đông Chinh, một trong những quan lại trung thần, cương nghị chống lại mưu toan làm suy vong Triều Lý. Tại đình còn nguyên vẹn ngai thờ cùng 2 bức hoành phi, sơn son, thếp vàng: “Vạn thọ cương thường”, và “Dân chi Vọng”. Hiện nay, gian bên trái là nơi đặt các bài vị thờ 8 vị đại khoa người làng Vọng (Tiến sỹ Hán học) trong các triều đại phong kiến Việt Nam, gian bên phải là nơi thờ các liệt sỹ người làng Vọng đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Đình làng Vọng Nguyệt là nơi tụ họp của chức sắc và các vị cao niên, bàn bạc, quyết định các công việc của làng, là trung tâm chính trị, văn hóa của thôn trong các thời đại, nơi diễn ra những sự kiện lớn, gắn bó với sự thăng trầm của cư dân làng Vọng. Tại đây, những tháng đầu năm ất Dậu (1945) đã diễn ra cuộc mít tinh của mấy nghìn người hưởng ứng cuộc khởi nghĩa vũ trang, lật đổ chế độ cũ, giành chính quyền về tay nhân dân, trong cao trào của cuộc Cách mạng tháng Tám do Đảng ta lãnh đạo. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Vọng Nguyệt đã từng là địa điểm tập kết bộ đội và du kích tiến đánh đồn Yên Phụ và cũng là nơi sơ cứu thương binh sau trận đánh. Năm 1958, đình Vọng Nguyệt vinh dự được chọn là địa điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Yên Phong, năm 1963 là nơi họp hội nghị thủy lợi toàn miền Bắc, hội nghị điện ảnh toàn quốc...

Đã thành thông lệ, tại đình làng, đúng ngày tết Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng) hằng năm, hơn 700 hội viên Hội Người cao tuổi trong thôn, tề chỉnh trong trang phục quần trắng, áo the, khăn xếp, riêng các cụ từ 80 tuổi trở lên mang trang phục quần đỏ, áo đỏ, khăn xếp đỏ... dâng hương tưởng nhớ tiền nhân, chúc thọ cụ Thượng và các cụ cao niên trong làng. Người làng Vọng dù sinh sống ở làng hay đi làm ăn nơi đất khách quê người, đều khắc sâu những ký ức về ngôi đình làng.

(Nguồn: bacninh.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *