Di tích lịch sử, văn hóa

Đình làng Phú Lâm

Từ đầu đường ĐT-719 đi về hướng xã Tiến Thành khoảng bốn trăm mét, sẽ nhìn thấy đình làng Phú Lâm khiêm tốn tọa lạc trên sườn đồi cát phía bên phải đường thuộc thôn Tiến Thạnh (Tiến Lợi - Phan Thiết).

Đình làng Phú Lâm trước năm 1975 thuộc về xã Phú Lâm, quận Hàm Thuận. Từ sau năm 1975, qua thời gian nâng cấp mở rộng các địa bàn, xã Phú Lâm trở thành xã Hàm Mỹ thuộc huyện Hàm Thuận Nam, và khi qua nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính của thành phố Phan Thiết, thì phần đất có đình làng Phú Lâm lại thuộc về xã Tiến Lợi như ngày nay. Theo tài liệu cổ cho thấy: Đình làng Phú Lâm được tạo dựng từ đầu thế kỷ XIX để thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công quy tập dân chúng khai hoang mở đất lập làng. Tương truyền, ông Chánh Thành là người có công quy tụ dân cư rất yêu nước thương dân và có tinh thần chống giặc ngoại xâm nên ông đã bị thực dân Pháp bắt và xử tội bêu đầu tại đình làng Phú Lâm, còn phần thân được bà con chôn bên Phú Hội, sau đó người dân đã đón phần đầu của ông về quy tụ với phần thân. Sau nhiều lần phân chia địa giới hành chính, hiện nay phần mộ của Tiền hiền làng Phú Lâm vẫn còn trên địa phận thôn Phong Phú A (Hàm Mỹ - HTN).

Do ảnh hưởng chiến tranh và tác động môi trường, các hạng mục kiến trúc của đình làng Phú Lâm không còn bảo lưu nguyên vẹn như khi mới tạo dựng, hiện chỉ còn giữ nguyên kiểu dáng, kết cấu và vật liệu kiến trúc dân gian như từ lúc khởi dựng của hai hạng mục chính là chính điện và gian thờ Tiền hiền. Đồng thời, đình làng vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật, tư liệu Hán Nôm quý, đặc biệt là năm sắc phong của các vua triều Nguyễn từ đời Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân đến Khải Định ban tặng. Ngoài ra, còn có sáu hoành phi và sáu câu đối ở gian thờ Tiền hiền, hai hoành phi và hai câu đối ở gian chính điện, sáu khám thờ và sáu hương án được tạo tác bằng gỗ quý. Một số hiện vật và đồ tế tự khác hiện vẫn còn lưu giữ như trống, mõ, chân đèn, lư hương…

Hằng năm, đình làng Phú Lâm diễn ra hai kỳ lễ hội chính là lễ hội tế Xuân (15 - 17 tháng 2 âm lịch) và lễ hội tế Thu (16 - 17 tháng 8 âm lịch). Lễ hội thu hút đông đảo bà con không chỉ trong làng mà còn ở các vùng lân cận. Những người đến dự đều thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn các bậc tiền bối đã có công khai hoang mở đất lập làng. Sau lễ, là những trò diễn dân gian vui vẻ.

Trải qua gần hai thế kỷ với biết bao thăng trầm của đất nước qua chiến tranh cũng như phong hóa theo thời gian, một vài hạng mục kiến trúc của đình đã bị phá hủy bởi chiến tranh như nhà võ ca, cổng chính, cột cờ, bình phong. Nguyên trạng kiến trúc ngôi đình không còn, song đình làng Phú Lâm vẫn lưu giữ dáng vẻ vốn có của một công trình kiến trúc dân gian thế kỷ XIX uy nghi và trang nghiêm. Với cách bố trí gian thờ, họa tiết trang trí nội ngoại thất, nội dung thờ phụng cùng các nghi lễ diễn ra hằng năm ở đây đã thể hiện rõ chức năng tín ngưỡng tâm linh. Và nhân dịp lễ tế Xuân mới đây, đình làng Phú Lâm vừa tổ chức trọng thể lễ đón nhận bảng xếp hạng  Di tích lịch sử - văn hóa đình làng Phú Lâm do UBND tỉnh Bình Thuận công nhận theo Quyết định số 2599 ngày 5/12/2011./.
Nguồn: Báo Bình Thuận

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *