Di tích lịch sử, văn hóa

Đình Hòa Tú

Địa danh Hoà Tú đã có từ rất lâu đời. Trải qua các thời kì lịch sử, địa giới hành chính của làng Hoà Tú có nhiều thay đổi, hiện nay làng Hòa Tú xưa được chia thành 4 xã là Hóa Tú I, Hòa Tú II, Ngọc Tố, Ngọc Đông.

Đình Hoà Tú hiện nay nằm trong phạm vi ấp Hoà Trực, xã Hoà Tú I, huyện Mỹ Xuyên. Đình cách UBND xã 300 m về hướng Tây - Nam, trước mặt là kinh rạch Rò, bờ rạch cách mặt tiền ngôi đình 34m. Ngôi đình gồm 2 gian nhà phân bố theo hướng đông Bắc - Tây Nam, cổng nhìn ra hướng Đông - Bắc, nghĩa là nhìn ra bờ kinh rạch Rò.

Phương tiện đi đến di tích nếu chỉ tính trong phạm vi huyện thì duy nhất chỉ có đường thuỷ và đi theo hai hướng:
- Từ chợ Mỹ Xuyên theo dòng kinh Mỹ Xuyên qua kinh Dù Tho vào rạch Rò đến di tích là 20 km.
- Từ chợ Nhu Gia (thị tứ xã Thạnh Phú, nằm trên quốc lộ 1) theo dòng kinh Nhu Gia qua rạch Rò đi đến di tích là 15 km.

Hiện nay, ngoài đường thuỷ còn đi được bằng đường bộ cũng theo các ngả đường của đường thuỷ vì phía trên các con rạch bây giờ đã có lộ nhựa đi vào di tích dễ dàng bằng xe ôtô nhỏ và xe Hon da.

Hoà Tú, theo truyền thuyết kể lại (có nghĩa là lúa tốt), là một làng có hệ thống kinh rạch chằng chịt quanh năm bồi đắp bởi phù sa và có một nền nông nghiệp khá trù phú. Hiện tại còn nuôi tôm sú rất phát triển. Hoà Tú có diện tích rộng chừng 124 km2. Dân số vào năm 1940 ước khoảng từ 7 - 8 ngàn dân, trong đó chủ yếu là nông dân, khoảng 5% là địa chủ lớn nhỏ và các thành phần khác.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ đó dấy lên cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, rồi phát triển đến cao trào Dân chủ trong những năm 1936 - 1939 trong cả nước. Trong bối cảnh lịch sử chung đó, ở Sóc Trăng, nhiều tổ chức cách mạng hoặc bí mật hoặc công khai ra đời. Song song đó, từ năm 1931 trở đi, ở các làng xung quanh Hoà Tú như Đại Ân, Trường Khánh, Châu Khánh... đã có những cuộc nổi dậy của nông dân do Đảng lãnh đạo.

Tháng 09 năm 1940, Nhật vào Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật. Nhân dân ta lại phải chịu cảnh một cổ hai tròng. Tại Hoà Tú, bọn địa chủ càng hoang mang trước tình thế, chúng càng ra sức bóc lột nhân dân. Hành động của chúng càng khoét sâu thêm mâu thuẫn với nhân dân, lòng căm thù của nông dân đối với địa chủ càng thêm cao độ.

02 giờ chiều ngày 23 tháng 11 năm 1940, lệnh khởi nghĩa của xứ uỷ được chi bộ Hoà Tú tiếp nhận qua đồng chí Lâm Thị Kim đã được đồng chí Nguyễn Tấn Đạt giao nhiệm vụ hoả tốc mang về. Thời điểm đồng loạt khởi nghĩa khắp Nam kỳ được quy định là 00 giờ ngày 23/11/1940 nhưng do giao thông liên lạc khó khăn nên đã chậm mất 14 tiếng đồng hồ mới đến được Hoà Tú.

Được lệnh, đồng chí Văn Ngọc Chính triệu tập ngay cuộc họp chi bộ bất thường tại nhà mình, vì quá gấp nên một số đồng chí không đến kịp. Cuộc họp thống nhất ba vấn đề chính:

Một, cử liên lạc nhanh chóng xuống các ấp thông báo tập trung lực lượng đã tổ chức từ trước, đến đình làng (tức Đình Hòa Tú) ngay để làm lễ xuất quân.

Hai, phân công từng đảng viên và cán bộ chủ chốt phụ trách các tổ chức phản đế, kịp thời ứng phó trong quá trình diễn biến khi khởi nghĩa.

Ba, cho lệnh bắt ngay giáo Vàng, Tuần Ngọ, Tuần Mai là những tay sai tề làng để làm tê liệt sự phản kháng của tuần đinh, dùng Tuần Ngọ kêu cửa bắt hương quản Tệt. Chi bộ đề cử 06 người trong ban chỉ huy khởi nghĩa gồm có các đồng chí: Văn Ngọc Chính (chỉ huy chung), Tư Bối, Hà Thành Nguyên, Lý Thanh Sử, Trần Văn Tấn và Lương Đơn Quế.

Chi bộ vừa họp xong, đông đủ mọi người từ các ấp trong làng với vũ khí thô sơ cầm chặt trong tay: gậy gộc, giáo mác, kích, phảng, búa, kéo đến nhà đồng chí Văn Ngọc Chính và qua tập trung trước sân đình.
Trước giờ xuất quân, đồng chí Văn Ngọc Chính trân trọng phát biểu với anh em nghĩa quân và tuyên thệ: "Hôm nay, xứ uỷ đã quyết định toàn Xứ Nam kỳ nổi dậy. Tại làng Hoà Tú này, chi bộ Đảng cùng nhân dân khởi nghĩa diệt đồn Cổ Cò, buộc địa chủ ác ôn giao lại đất cho tá điền làm chủ, đồng thời nhân dân ta đứng lên giành lấy chính quyền. Chúng tôi, những người cộng sản quyết cùng với nhân dân làng Hoà Tú thề chiến đấu đến cùng, bất cứ tình thế nào cũng quyết hoàn thành nhiệm vụ".

Sau đó, lực lượng chia ra đi hai hướng theo sự phân công của Ban chỉ huy. Cánh quân thứ nhất do đồng chí Tư Bối và Trần Văn Tấn chỉ huy, tiến đánh nhà tên Hương quản Tệt. Cánh này thực hiện đúng kế hoạch và lấy được 01 khẩu súng cùng một số viên đạn. Cánh quân thứ hai do đồng chí Văn Ngọc Chính và đồng chí Hà Thanh Nguyên chỉ huy, tiến đánh đồn Cổ Cò. Trấn đóng tại đây có 04 tên lính với đủ súng và đạn dược, do tên cai Tốt chỉ huy. Nghĩa quân bao vây, đánh mõ, hô lớn nhằm uy hiếp tinh thần bọn lính trong đồn và kêu gọi chúng đầu hàng.

Ta kêu gọi nhiều lần nhưng bọn lính vẫn không chịu mở cửa. Theo lệnh chỉ huy của đồng chí Văn Ngọc Chính, nghĩa quân đạp cửa xông vào đồn. Hốt hoảng trước khí thế áp đảo của quân khởi nghĩa, bọn lính tuy có súng nhưng vẫn không dám chống cự. Cuối cùng, cai Tốt và hai tên nữa nhảy xuống sông Cổ Cò chạy trốn. Nghĩa quân xông vào bắt được tên bếp Nhành, thu toàn bộ vũ khí (gồm 4 khẩu súng) và đốt sổ sách giấy tờ của địch. Cuộc khởi nghĩa của làng Hoà Tú giành thắng lợi hoàn toàn vào lúc 2 giờ khuya ngày 24 tháng 11 năm 1940.

Sáng ngày 24 tháng 11 năm 1940, đồng chí Văn Ngọc Chính tổ chức cuộc mít-tinh biểu dương lực lượng, phát huy tinh thần nghĩa quân tham gia khởi nghĩa. Đồng chí Văn Ngọc Chính và đồng chí Tư Bối lần lượt lên diễn thuyết.

Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ, đốt sổ sách hồ sơ, giấy nợ của tá điền đối với địa chủ. Đây là lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện, tung bay trong làng Hoà Tú. Sau đó, quân khởi nghĩa tiến đánh hai mục tiêu là đồn điền Trương Vĩnh Khánh, Nguyễn Tấn Lễ và cũng giành thắng lợi. Trưa ngày 24 tháng 11 năm 1940, quân khởi nghĩa kéo về xóm Ba Chùa để củng cố lực lượng và rút kinh nghiệm chuẩn bị cho đợt tiến công mới về hướng Nhu Gia, Bãi Xàu.

Cuộc khởi nghĩa ở làng Hoà Tú nổ ra thắng lợi, nhưng vì nhiều nơi khác không kịp phối hợp nổi dậy nên kẻ thù đã tập trung được lực lượng và đàn áp dập tắt cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, tầm vóc của cuộc khởi nghĩa hết sức lớn lao, nhân dân Hoà Tú từ tay không đã dũng cảm vùng lên chiến đấu giải phóng quê hương, xoá bỏ xích xiềng nô lệ, nổi bật vai trò của chi bộ Đảng mà đứng đầu là đồng chí Văn Ngọc Chính. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tại làng Hoà Tú mà linh hồn của nó là chi bộ Hoà Tú, mãi mãi đi vào lịch sử truyền thống đấu tranh vẻ vang của nhân dân ta.

Hiện nay, bóng dáng của ngôi đình ngày trước không còn nữa. Nhưng một ít hiện vật của nó còn lại tuy rất hiếm hoi cũng có thể giúp chúng ta biết đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật chính thống mang những đặc trưng cổ truyền của văn hoá dân tộc Việt Nam "Người sản sinh và gửi gắm nó vào trong cái nôi của làng Hoà Tú, mà cuộc chiến tranh tàn khốc do kẻ thù gieo rắc đã làm nó mất đi, nay đình phải thay bằng một công trình khác, giản lược chân phương".

Các kỳ lão trong làng cho biết, ngày xưa, làng Hoà Tú rất sung túc, dân làng sống hoà thuận với nhau, làm ăn yên ấm. Vua Tự Đức đã khen ngợi và sắc phong cho làng vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ V (tức năm 1852). Được tin phấn khởi, dân làng xây dựng ngay một ngôi đình đẹp, rộng rãi, khang trang để thỉnh sắc thần về thờ.

Ngôi đình đầu tiên rất rộng (dấu vết nền còn lại rộng đến 364 m2), gồm 03 gian song song (chữ tam), bố trí theo hướng Đông Bắc, Tây Nam, cổng đình nhìn ra hướng Đông Bắc. Mái đình lợp ngói âm dương, cột đình bằng gỗ căm xe, thân to chắc. Trong đình, từ cột kèo, bài vị, bệ thờ, liễn đối đều được chạm trổ khéo léo tinh vi. Gian đầu là nhà võ ca, gian giữa là nhà khách, gian sau là điện thờ thần, có 02 đầu hồi là 02 máng hình tam giác dựng đứng trên đầu mái, được xây kín bằng gạch trát xi măng và không có trang trí. Hai mái còn lại ở trước và sau có độ nghiêng 300.

Cách kết cấu vì kèo tương đối đơn giản. Dưới mỗi góc mái có 03 nhánh kèo nghiêng gác từ đầu 03 cột góc vòng ngoài đi vào giao nhau tại đầu cột to ở góc trong tương ứng. Dưới 2 thanh kèo ngoài là 2 xà nách ngang xuất phát từ 2 đầu cột, 2 bên góc ngoài đi vào và giao nhau thẳng góc tại một điểm trên thân cột to góc trong cách chân cột 3m30. Toàn bộ khung sườn đình được đúc bằng xi măng cốt sắt. Thậm chí, để giữ độ bền vững lâu dài cho di tích, người ta đã xây dựng ngôi đình toàn bằng vật liệu nặng.
Trên nóc của gian nhà võ ca dọc theo đòn dông là tượng hai con rồng chầu mặt nguyệt được đúc tròn bằng xi măng cốt thép, trang trí bằng sơn dầu, mỗi con dài 1 m 20, rồng trong tư thế lượn cong (hình yên ngựa), sừng ngắn, vi lưng và đuôi ngắn, mặt dữ tợn.

Phần trang trí nội thất của gian điện thờ được đơn giản hoá rất nhiều so với một ngôi đình chính thống. Bệ thờ thần giữa điện là một khối hình hộp, cao 90cm, xây bằng gạch trát xi măng gắn liền vào bức vách xây nối giữa hai thân cột tròn to bên trong, trên vách giữa bệ treo một bảng nền đỏ gắn chữ Thần bằng gỗ sơn dầu nhũ vàng, đồ thờ là một bộ tam sư gồm một bình gốm cắm hương và 2 chân nến bằng gỗ 2 bên, hình tượng hai con hạc cưỡi lưng quy được vẽ bằng sơn dầu trực tiếp lên mặt trước của bệ thờ thần.

Hai bên góc trong của điện thờ là 2 bệ thờ khác đồng dạng nhưng nhỏ hơn bệ thờ thần, bên trái thờ đồng chí Văn Ngọc Chính (có ảnh chân dung) và các liệt sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Hoà Tú năm 1940, bệ bên góc phải thờ các liệt sĩ và nhân dân Hoà Tú đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Trên vách bên cạnh bệ thờ góc trái ghi danh sách 06 đồng chí trong Ban chỉ huy khởi nghĩa Nam kỳ cùng với bản đồ khởi nghĩa, vách bên phải ghi danh sách các ban xây dựng đình qua các năm 1957 và 1990. Trên vách trong cùng giữa hai bệ thờ là danh sách các đơn vị và các cá nhân đã góp tiền, vật liệu xây dựng công trình.

Bốn thân cột tròn to giữa điện thờ được trang trí bằng sơn dầu, hai thân cột trong vẽ hình rồng cuốn xung quanh, hai thân cột ngoài là hai câu đối viết theo dạng liễn, chữ vàng, nền đen, câu bên trái:
"Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại"; câu bên phải: "Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến".

Bia lưu niệm được xây dựng trước cổng đình nhưng hơi lệch về bên phải, cách cổng 14 m. Thân bia làm bằng xi măng, dày 20cm hình thang vuông góc, lõm tròn ở góc trên bên trái, đỉnh rộng 1 m, chân rộng 1m 90, được dựng đứng trên một nền 2 cấp cao 30cm. Mặt trước bia tô đá rửa, trên đó trang trí một lá cờ đỏ sao vàng hình tròn chạm nổi, dưới cờ là một ô vuông được tạm gắn một bảng thiếc dòng chữ: "Truyền thống Hoà Tú 23/11/1940". Mặt sau của thân bia quay vào đình và không có trang trí.

Đình Hòa Tú là nơi đã ghi dấu, một điểm son chói lọi trong lịch sử truyền thống đấu trang của nhân dân ta. Nó xứng đáng được bảo tồn và phát huy tác dụng lâu dài trong công tác giáo dục truyền thống về lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ngày 16 tháng 6 năm 1992 Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia theo Quyết định số 734/QĐ - BVHTT.

(Nguồn: www.sovhttdl.soctrang.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *