Di tích lịch sử, văn hóa

Đình Hòa Ninh

Từ thị trấn Ba Đồn, ngược lên bến đò cửa Hác, đi theo đường bờ đê về phía Tây khoảng 4km là đến đình Hòa Ninh. Đình nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng ở trung tâm xã quảng Hòa với tổng diện tích là 1758 m2. Đình Hòa Ninh được xây dựng vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Trải qua thời gian và chiến tranh, đình đã bị hư hỏng nhiều. Ngôi đình hiện nay, được nhân dân tu tạo lại năm 1976.

Điều dễ nhận thấy ở đình Hòa Ninh, đó là kiến trúc đình rất đồ sộ, có tính quy mô, nhưng lại rất tỷ mỹ kể cả trong bố cục lẫn hình thức trang trí về nội và ngoại thất. Đình được bố trí theo kiểu thông thường: Hệ thống tường thành bao quanh và cổng trụ; bình phong và toà đại đình nằm ngang. Đình theo hướng Tây Bắc.

Qua cổng chính để vào đình, điều đầu tiên đó là sự kết hợp hài hòa về màu sắc trang trí ở hai trụ biểu; những đường nét mềm mại, sắc sảo thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân Quảng Hòa trong việc khắc hoạ, bài trí. Hình ảnh hai con nghê được ốp bằng sứ men xanh hay men nâu nhạt rất công phu đứng ở trên hai đỉnh trụ biểu, gợi nên một biểu tượng đẹp đẽ về sức mạnh đoàn kết của những người con trên quê hương Hòa Ninh.

Mái đình Hòa Ninh được xây theo kiểu tứ giác, hai mái thượng trước và sau, hai mái hạ ở hai đầu hồi Đông và Tây. Ở giữa nóc đình là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt.

Đình gồm có 5 gian, 4 vài; có một cửa chính và 4 cửa phụ. Trước cửa chính có khắc chữ “Thọ” lồng trong mặt trăng và 3 chữ Hán đắp nổi: Phúc, Du, Đồng (muôn vàn tinh hoa của dân làng tụ họp ở đây). Đây là trung tâm thể hiện các họa tiết trang trí như: Long, Ly, Quy, Phượng, bát bửu, hoa lá... bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành, sứ. Đặc biệt ở cửa chính có khắc câu đối của ông Nguyễn Tiến Ích là cử nhân tặng:

Nhị khí lương năng phong vật dự tuỳ, sơn thủy hoán. 
Bách niên hội điển họp tôn chung, dự trạch sơn hàm.

(Tài năng trời không cho mà có, phong cảnh tuỳ thuộc phối lại với nhau, sông núi hài hoà; trăm năm hội họp lại làm sao quên được).

Điều đáng chú ý ở đình Hòa Ninh, ngoài kiến trúc xây dựng đình, còn kể đến nghệ thuật chạm trổ trên gỗ, là nơi đua tài, đua trí của các nghệ nhân làng thời đó như Đặng Chịnh, Đoàn Uy, Đoàn Định, Đoàn Thơi. Qua cách bài trí bố cục các hình ảnh: rồng móng, rồng phun nước, cá chép hoá rồng, rồng ẩn mây, long tranh hổ đấu... ở các cột, vài, xuyên cho chúng ta thấy được sự linh hoạt tài tình trong chạm khắc, hợp lý trong bố cục của các nghệ nhân xưa. Tính đăng đối cũng biểu hiện khá rõ nét trong trang trí như: Sen, Trúc, Cúc, Mai: Sơn thuỷ hữu tình.

Nhìn chung về trang trí nội thất Đình Hòa Ninh mang những nét tương đồng với các đình khác ở Quảng Trạch song nó lớn hơn và hoàn thiện hơn. Các đường nét ở đây đều được chọn lọc và trau chuốt rất công phu và tỉ mỉ, mang đầy đủ giá trị tinh thần, truyền thống và ý nghĩa văn hóa của một công trình kiến trúc nghệ thuật.

Bên trong ngôi đình, ở gian giữa thờ tự vong linh thành hoàng làng đã có công khai phá lập nên làng. Thành hoàng làng là một vị nhân thần biểu tượng cho cầu phúc. Hai gian bên thờ các vị bách thần sở hội, là các vị thần có chức sắc, đức độ khoa bảng, được nhân dân mến mộ và thờ phụng. Các phong tục lễ hội của làng diễn ra tại đình vào mùa xuân đều tập trung phản ánh các quan niệm thờ cúng và thể hiện tư tưởng của người nông dân làng xã trong sự tôn vinh các vị thần. 
Đình Hòa Ninh cũng là biểu tượng cho một vùng quê nông thôn Việt Nam có nhiều nhân tài đỗ đạt khoa bảng. Đó là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của cha ông đi trước.Truyền thống đó đã được các sử sách, gia phả của làng qua nhiều thế hệ ghi lại. Hiện nay, ở Đình còn lưu giữ được 10 sắc phong bằng chữ Hán qua các triều vua nhà Nguyễn ban tặng.

Cùng với các giá trị về văn hóa, Đình làng Hòa Ninh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử. Ngôi đình là nơi hội họp của nhân dân, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nỗi dậy giành chính quyền ở làng xã, huyện lỵ (8-1945). Trong những năm chống Mỹ cứu nước, đây cũng là nơi lực lượng vũ trang ta tập kết và là kho cất dấu vũ khí sẵn sàng đánh trả lại máy bay địch khi chúng đánh phá miền Bắc. Đình Hòa Ninh thực sự trở thành một không gian văn hóa, là nơi hội họp sinh hoạt văn hóa của một làng quê sau luỹ tre làng. Nó không chỉ phản ánh nghệ thuật kiến trúc đình làng của một vùng, một miền mà còn phản ánh sự phát triển của một cộng đồng làng xã trên một không gian địa văn hoá miền Trung Trung Bộ.

(Nguồn: quangbinh.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *